Vai trò của hiệp hội trong các FTA thế hệ mới

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về các tác động từ các FTA tới lĩnh vực, ngành hàng, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) ký kết ngày 30/6 vừa qua là các hiệp định thương mại thế hệ mới, có tiêu chuẩn chất lượng cao với các cam kết hết sức chặt chẽ. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với cơ hội mở ra thì thách thức cho doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Do vậy, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong việc thông tin về các nội dung của hiệp định là vô cùng quan trọng.

Không chỉ cung cấp thông tin, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội ngành nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên của mình khi có các vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại ngoài phạm vi lãnh thổ. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi đưa ra các giải pháp nhằm giảm rủi ro hội nhập. Đánh giá cao tầm quan trọng của các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam như Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep) hay một số hiệp hội thời gian qua đã tích cực bảo vệ ngành nghề của mình trong các vụ kiện chống bán phá giá…

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, hoạt động của hiệp hội của ta còn quá yếu. Doanh nghiệp nhỏ nếu như đứng 1 mình thì không đủ năng lực và cũng không thể đứng được. Hiệp hội các doanh nghiệp phải đứng lên. Và phải có những bộ phận phân tích, đánh giá tốt hơn nữa. Các hiệp hội có thể kết hợp cới các chuyên gia tư vấn, những tổ chức nghiên cứu, hãy sẵn sàng hợp tác…

vai tro cua hiep hoi trong cac fta the he moi hinh 1
Hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin về các tác động từ các FTA tới lĩnh vực, ngành hàng. (Ảnh: KT)

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cũng đặc biệt lưu ý tới vai trò của hiệp hội doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về các tác động từ các FTA tới lĩnh vực, ngành hàng của mình. Hiệp hội có vai trò tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp cần đến, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực hạn chế.

“Doanh nghiệp Việt khi theo các vấn đề pháp lý còn yếu… kể cả khi họ có hiểu biết rồi thì vẫn chưa có điều kiện để thực hiện cho hiệu quả vì chi phí là rất cao. Đối với doanh nghiệp lớn có phòng nghiên cứu pháp lý, luật sư… sẽ làm được. Đây là điểm rất mấu chốt đối với hiệp định EVFTA hay là CPTPP; Chính phủ, Nhà nước phải hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ. Năng lực pháp lý của các hiệp hội ở Việt Nam chưa đạt để đảm bảo đúng với cạnh tranh và hội nhập” - TS. Võ Trí Thành nói.

Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI có cả Trung tâm WTO và hội nhập để cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, trong khi EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, bao gồm 17 chương và 2 Nghị định, với trên 2.000 trang văn bản, khó có doanh nghiệp nào có thể tiếp cận và hiểu được toàn bộ nội dung của hiệp định. Tác động tới doanh nghiệp và thị trường nội địa là rất lớn, nhưng khảo sát của VCCI, có tới 70% số doanh nghiệp được hỏi chưa biết thông tin hoặc chưa quan tâm về EVFTA.

Ôn Vũ Tiến Lộc lưu ý, để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ EVFTA, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần tạo nguồn lực hỗ trợ các hiệp hội, thông qua các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng để thông tin sâu rộng tới các đối tượng doanh nghiệp.

“Trong quá trình triển khai cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần có thêm nguồn lực để hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan trong việc triển khai các hoạt động này… Việc thành bại của hội nhập sẽ phục thuộc vào việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ của Việt Nam có thể vươn lên tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dùng các cơ hội và vượt qua thách thức. Nếu hội nhập chỉ là những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp FDI thì tôi nghĩ là sẽ không thành công” - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Còn theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thế mạnh của hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU chính là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Đồng nghĩa, chúng ta phải xây dựng các chuỗi sản xuất, liên kết hàng chục triệu hộ nông dân thành các mô hình sản xuất lớn, các hợp tác xã… và không thể hiếu sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành hàng.

“Quan trọng nhất, thành bại của chúng ta là vấn đề thể chế, chúng ta có vượt qua được thể chế hay không, xây dựng được các hiệp hội mạnh không, xây dựng được các hợp tác xã mạnh, xây dựng được chuỗi giá trị mạnh là yếu tố quyết định thắng lợi trong hội nhập” - TS. Đặng Kim Sơn cho biết.

Qua phân tích, khuyến nghị của các chuyên gia và đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp có thể thấy tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức hiệp hội ngành hàng trong hội nhập. Do vậy, cần có sự chủ động từ chính các doanh nghiệp trong việc xây dựng hiệp hội lớn mạnh, đồng thời cần có sự đồng hành của Chính phủ và các bộ ngành để hiệp hội thực sự là tổ chức hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp hội nhập tốt hơn./.

Từ khóa: FTA thế hệ mới, EVFTA, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, VCCI,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập