Vaccine COVID-19 có an toàn cho bệnh nhân vảy nến không?
Cập nhật: 31/10/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Nhiều bệnh nhân vảy nến lo ngại các loại thuốc họ đang dùng có thể làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19 hoặc ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của họ.
Bệnh vảy nến là một tình trạng da mạn tính, trong đó tế bào da sản sinh quá mức dẫn đến hình thành vảy và các mảng trên da. Đó là một căn bệnh có đặc tính dai dẳng và chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm. Trong đại dịch, vaccine ngừa COVID-19 đã được khuyến cáo cho những người bị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vảy nến lo ngại rằng các loại thuốc họ đang dùng có thể làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19 hoặc gây tái phát bệnh vảy nến. Điều này liệu có đúng không?
Tiến sĩ Vaibhav Kalambe, chuyên gia tư vấn y tế của công ty Dược phẩm ENTOD, cho biết: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy vaccine COVID-19 có thể gây bùng phát bệnh vảy nến, nhưng COVID-19 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở những người bị bệnh vảy nến. Đó là lý do tại sao các chuyên gia y tế luôn khuyến nghị bệnh nhân vảy nến nên tiêm vaccine sớm”.
Có nên tiêm vaccine hay không?
Liên minh Bệnh vảy nến và Viêm khớp vảy nến và Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia (NPF) (Mỹ) khuyến cáo những người bị bệnh vảy nến nên tiêm vaccine COVID-19.
Những người có vấn đề sức khỏe mãn tính, bao gồm cả bệnh nhân vảy nến, có nguy cơ trở nặng nếu họ nhiễm virus SARS-CoV-2. Những bệnh nhân này cũng có thể đang dùng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, điều này làm tăng khả năng bị COVID-19 nghiêm trọng.
Việc tiêm phòng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh và gặp các biến chứng nặng. Mặc dù vaccine COVID-19 có thể không hiệu quả cao ở những người bị bệnh vảy nến đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhưng chúng có khả năng cung cấp sự bảo vệ chống lại virus ở một mức độ nào đó.
Bệnh nhân vảy nến cũng được khuyến cáo nên tránh dùng vaccine sử dụng virus sống giảm độc lực. Cả vaccine Moderna và Pfizer đều dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), do đó không phải là vaccine sống. Mặc dù vaccine AstraZeneca (Oxford) được làm từ virus thực nhưng nó đã bị bất hoạt để không thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Do vậy, bệnh nhân có thể an tâm sử dụng những loại vaccine này.
Có cần phải tạm thời ngừng dùng thuốc sau khi tiêm phòng không?
Bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị bệnh vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến bằng đường uống hoặc thuốc sinh học mà không cần tạm dừng sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ bước nào.
Những người bị bệnh vảy nến sử dụng các liệu pháp điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch khác nhau, bao gồm thuốc sinh học, methotrexate, cyclosporine và thuốc ức chế Janus kinase. Dùng những loại thuốc này có thể ức chế một phần hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các hướng dẫn hiện tại của Học viện Da liễu Mỹ khuyến cáo những người dùng thuốc ức chế miễn dịch tiếp tục dùng thuốc khi họ không mắc COVID-19.
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy những người bị bệnh vảy nến không có thêm nguy cơ mắc hoặc bị tổn hại nghiêm trọng do COVID-19 từ các phương pháp điều trị bệnh vảy nến.
Kết luận
Vaccine ngừa COVID-19 kết hợp với các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tiêu chuẩn là cách tốt nhất để phòng ngừa virus SARS-CoV-2./.
Từ khóa: bệnh vảy nến, vaccine covid-19 ảnh hưởng tới bệnh vảy nến, vaccine covid-19, bị bệnh vảy nến có nên tiêm vaccine covid-19
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN