Uy lực hệ thống phòng không NASAMS Mỹ chuyển cho Ukraine
Cập nhật: 08/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Theo giới phân tích, sự xuất hiện của NASAMS có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích tên lửa, nhất là khi các tiêm kích nước này gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đánh chặn tên lửa Nga.
Khi công bố gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 820 triệu USD cho Ukraine đầu tháng này, Mỹ cho biết sẽ gửi cho Kiev 2 hệ thống phòng không NASAMS, 4 radar chống pháo và khoảng 150.000 đạn pháo 155mm.
Giói viện trợ này đánh dấu việc Mỹ chuyển giao vũ khí phòng không tiên tiến nhất cho Ukraine từ trước đến nay kể từ khi xung đột với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2.
Uy lực của hệ thống NASAMS
NASAMS là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất được phát triển ở phương Tây cho đến nay, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên không, từ máy bay đến tên lửa hành trình và UAV.
Hệ thống do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ phát triển, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước. Đây cũng là tổ hợp phòng không cố định duy nhất được Mỹ đặt niềm tin và triển khai để bảo vệ không phận thủ đô Washington.
Hệ thống gồm 3 bộ phận: radar AN/MPQ-64 Sentinel, tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC) do Kongsberg phát triển. Cụm FDC có thể kiểm soát cùng lúc 9 bệ phóng với 54 đạn tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi một số trận địa bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, giúp tăng khả năng sống sót trước những đòn chế áp phòng không bằng tên lửa diệt radar của Nga.
NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km, có độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ NATO.
Phiên bản NASAMS 2 được trang bị cụm cảm biến quang điện tử, có thể cho phép phát hiện mục tiêu và khai hỏa tên lửa mà không đánh động cảm biến chống radar của đối phương. Mỗi tên lửa AMRAAM đều có đầu dò radar chủ động, giúp bám bắt mục tiêu ngay cả khi nằm ngoài tầm quan sát của radar dẫn bắn.
Biến thể NASAMS 3 được trang bị tên lửa tăng tầm AMRAAM-ER, trong đó sử dụng radar và đầu đạn AIM-120C-7 cùng động cơ tên lửa RIM-162 ESSM. NASAMS 3 cũng có thể khai hỏa đạn đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder trang bị đầu dò ảnh nhiệt chuyên đối phó tên lửa hành trình.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng phiên bản NASAMS nguyên gốc có thể là phương án khả thi nhất đối với Ukraine, do chúng ít phức tạp và không gặp nhiều rào cản trong xuất khẩu công nghệ.
Vũ khí giúp Ukraine đối phó các đòn không kích của Nga
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng NASAMS là bước tiến đáng kể so với các loại tên lửa phòng không vác vai được phương Tây viện trợ cho Ukraine trong 4 tháng qua. Hệ thống này cũng hiện đại hơn nhiều so với các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn của Kiev, được coi là sự bổ sung đáng kể trong bối cảnh Ukraine đã mất ít nhất 25 bệ phóng tên lửa S-300 và nhiều tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M1 mà không có lựa chọn thay thế.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hệ thống phòng không của Kiev chỉ gồm các thiết bị từ thời Liên Xô như các biến thể của S-300, 2K12 Kub, 9K37M Buk M-1 và 9K330 Tor - một tập hợp các hệ thống với các tầm bắn và mục tiêu khác nhau.
Sự xuất hiện của NASAMS có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích tên lửa, nhất là khi các tiêm kích nước này gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đánh chặn tên lửa Nga.
Trong một bài viết trên 19fortyfive, ông Wesley Culp - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống và Quốc hội Mỹ đánh giá, các máy bay ném bom của Nga sẽ cố gắng tránh xa không phận Ukraine khi phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu bên trong Ukraine. Nếu có NASAMS trong tay, Ukraine có thể sẽ ngăn chặn hiệu quả các cuộc không kích của máy bay Nga, đánh chặn các tên lửa hành trình ngay cả khi các máy bay ném bom vẫn ở ngoài tầm bắn.
Có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng nữa Ukraine mới có thể nhận được các hệ thống NASAMS, do việc chuyển giao cần thời gian nhất định và binh sỹ Ukraine cũng cần được đào tạo về cách vận hành hệ thống phức tạp này. Rất có thể, các hệ thống này sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống trong kiến trúc phòng không hiện có của Ukraine. Tuy nhiên hiệu quả thực tế của NASAMS sẽ được chứng minh trên chiến trường./.
Từ khóa: hệ thống phóng không NASAMS, vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine, cung cấp vũ khí cho Ukraine, viện trợ quân sự Ukraine, NASAMS, tấn công tên lửa, vũ khí Ukraine, phòng không Ukraine, xung đột Nga Ukraine
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN