Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Cầu nối giữa kiều bào với đất nước trong đại dịch covid-19
Cập nhật: 09/09/2021
(VOV5) - FFặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, Uỷ ban đã tổ chức một loạt hội thảo quy tụ kiều bào có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch
Đại dịch COVID-19 là lúc phát huy tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong và ngoài nước. Với tinh thần đó, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao luôn tích cực làm cầu nối giữa kiều bào với quê hương nguồn cội.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tiếp nhận tiền ủng hộ của kiều bào Séc cho Quỹ Vaccine. |
Có lẽ, chưa khi nào nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng phải đối mặt với một dịch bệnh lây lan nhanh, tác động tới mọi quốc gia và khu vực trên toàn thế giới như đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã và đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và ảnh hưởng tới đời sống và sinh kế của mọi tầng lớp xã hội. Thế nhưng, đây cũng là lúc mà “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” được thể hiện rõ nhất. Với sự quan tâm và lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương, để đồng bào trong và ngoài nước đoàn kết chung sức, cùng vượt qua dịch bệnh.
Huy động nguồn lực hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài
Còn nhớ đầu năm 2020, khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở các nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước có đông kiều bào ta (Mỹ, Canada, Úc, Pháp...), khiến cộng đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự khan hiếm về khẩu trang, vật phẩm y tế do nhu cầu tăng đột biến. Mặc dù trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, chính phủ vẫn đặt ra mục tiêu cấp thiết là hỗ trợ khẩu trang và các dụng cụ y tế cho người Việt bị ảnh hưởng trên thế giới.
Nắm bắt được tình hình, nhu cầu của kiều bào, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã khẩn trương đứng ra làm đầu mối kêu gọi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước ủng hộ kiều bào. Đến nay, với sự vận động tích cực của Uỷ ban, ta đã chuyển được hơn 830 ngàn khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc men và lương thực, thực phẩm cho kiều bào ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Ủy ban đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan triển khai kế hoạch phân bổ khoản kinh phí 4,052 tỷ đồng hỗ trợ một số cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất ở Campuchia, Lào, Malaysia, Ấn Độ... Số kinh phí này được các CQĐD sử dụng để mua lương thực, nhu yếu phẩm và vật tư y tế, kịp thời giúp cộng đồng ở các nước này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh.
Ủy ban cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao có thư thăm hỏi đồng bào ta ở nước ngoài, động viên bà con đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, những hỗ trợ thiết thực, kịp thời từ trong nước đã giúp NVNONN vững tâm vượt qua dịch bệnh. Kiều bào ở nhiều nơi như Mỹ, Canada, Nga, Philippines, Lào... hết sức cảm động trước sự ủng hộ về vật chất, tinh thần từ trong nước. Ở một số nơi, lễ trao tặng được đưa tin, phát sóng chi tiết, nhận được phản hồi tích cực của đồng bào trong lẫn ngoài nước.
Cán bộ, nhân viên Ủy ban chuẩn bị chuyển khẩu trang cho kiều bào ở nước ngoài. |
Không chỉ dừng lại ở đó, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh tới cuộc sống mưu sinh, học tập, làm việc của bà con ta ở nhiều nước, nhu cầu về nước của NVNONN gia tăng đáng kể. Dù vậy, để đảm bảo yêu cầu chống dịch, phù hợp với khả năng cách ly trong nước, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh từ nước ngoài về Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân, một nhu cầu bức thiết được đặt ra là vận động, hỗ trợ những người chưa có điều kiện về Việt Nam yên tâm ở lại, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của nước sở tại, không ồ ạt về nước. Trước yêu cầu này, cùng với việc hỗ trợ vật tư y tế, Uỷ ban đã kịp thời phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, triển khai bộ tài liệu tư vấn, hướng dẫn phòng, chống dịch cho kiều bào. Tài liệu quan trọng này không những tạo sự yên tâm mà còn giúp cho bà con tự chăm sóc sức khoẻ của bản thân và gia đình trong điều kiện khó khăn về y tế trong cộng đồng, giúp giảm áp lực khám, chữa bệnh với hệ thống y tế sở tại.
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, khi chính phủ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn quốc, Uỷ ban cũng đã đề xuất chính phủ xem xét, tiến hành tiêm vaccine cho kiều bào đang tạm trú tại các địa phương trong nước cùng lúc với người dân địa phương. Điều này giúp đảm bảo sức khoẻ cũng như để bà con tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch trong nước.
làm cầu nối để kiều bào chung tay cùng đất nước vượt qua dịch bệnh
Thời gian qua, kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới đã và đang đóng góp vào cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam. Tính đến nay, kiều bào đã ủng hộ gần 60 tỷ đồng và một số lượng lớn trang thiết bị, vật phẩm y tế về Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19. Trong số đó, phải kể đến chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” và “10 ngàn liều vaccine cho Việt Nam” do gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở Pháp, Mỹ, Canada... phát động nhằm quyên góp đủ số tiền mua 10 ngàn liều vaccine (khoảng 180 ngàn USD, tương đương 4,2 tỷ đồng) ủng hộ Quỹ.
Bên cạnh đó, một số kiều bào như ông Nguyễn Hoài Bắc (Canada) và Nguyễn Ngọc Mỹ (Australia)… ngoài ủng hộ tiền còn dùng trường học cho địa phương làm cơ sở cách ly tại Hải Dương, Vũng Tàu; khởi xướng các chương trình bữa ăn, gian hàng miễn phí cho những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, qua đó chia sẻ với các địa phương trong việc đối phó với dịch bệnh.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Ủy ban về NVNONNTP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch”, ngày12/8/2021 |
Cùng với đóng góp về vật chất, sự đóng góp có ý nghĩa nhất là của những chuyên gia, trí thức, nhà khoa học... kiều bào thông qua những hội thảo, toạ đàm về phòng, chống COVID-19. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, Uỷ ban đã tổ chức một loạt hội thảo quy tụ kiều bào có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch. Đơn cử, Hội thảo “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch” đã thu hút sự tham gia của bác sĩ Vũ Ngọc Khuê (Mỹ), ông Trần Ngọc Phúc (Nhật), bác sĩ Võ Toàn Trung (Pháp), tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (Mỹ) v.v. Trong những dịp này, các chuyên gia kiều bào không chỉ giúp phổ biến những kiến thức cần thiết để người dân trong nước phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, mà còn kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp mang tính vĩ mô để phục hồi sau đại dịch, giúp duy trì mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, một số chuyên gia kiều bào đã bày tỏ nguyện vọng được trực tiếp về nước tham gia phòng, chống dịch như bác sĩ Vũ Ngọc Khuê và đoàn chuyên gia từ Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu do bác sĩ Đoàn Đào Viên đại diện. Uỷ ban đã phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong nước để giải quyết nguyện vọng này, tạo điều kiện cho kiều bào góp phần trực tiếp vào cuộc chiến chống COVID-19 trong nước.
Trong thư cảm tới gửi tới kiều bào đã đóng góp vào công tác phòng, chống dịch trong nước, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: Sự đóng góp của kiều bào có ý nghĩa khi chính đồng bào ở nước ngoài cũng đang gặp khó khăn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; những nghĩa cử của bà con thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tương thân tương ái và truyền thống đoàn kết vĩ đại của dân tộc. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn kiều bào tiếp tục, trong khả năng của mình, ủng hộ cuộc chiến với COVID-19 trong nước bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, uỷ ban nhà nước về người việt nam ở nước ngoài, cầu nối, Việt kiều, kiều bào, người Việt ở nước ngoài, đại dịch covid-19, chuyên gia kiều bào
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5