Ứng phó với Covid-19: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng
Cập nhật: 22/03/2020
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Ứng phó với dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu.
Không để gián đoạn
Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra mưa đá trên diện rộng, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn. Dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn.
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Khoảng một tuần trở lại đây, giá tôm giảm 10%, còn vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng lớn vì nhiễm mặn. Tỉnh đang kiến nghị Trung ương có nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng cống ngăn mặn nhằm giải quyết tình thế”.
Bên cạnh đó, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển chưa được Ủy ban châu Âu gỡ bỏ. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của các địa phương trên cả nước.
Bước sang năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa) |
Đơn cử như Bình Định đến cuối tháng 3, dự báo có 10.000 tấn tôm gặp khó trong xuất khẩu. Về các mặt hàng nông sản, hiện có 48 nghìn tấn ớt đang vào vụ thu hoạch cần thị trường tiêu thụ, ngoài ra một lượng lớn dưa hấu tồn đọng…
Nhìn từ thực trạng Trung Quốc, nhiều nơi như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng dẫn đến thiếu hụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng ngành nông nghiệp cần hạn chế thách thức để đảm bảo tăng trưởng, tạo ra khối lương thực, thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu cả trong nước lẫn xuất khẩu. Khi bị dịch bệnh, người dân bị cách ly cũng vẫn phải ăn. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Nếu sức sản xuất không tốt, cắt đứt nguồn cung thì sẽ bị mất thị trường”.
Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD; các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD; các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.
Đồng bộ các giải pháp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, phải đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả thịt lợn trong nước. Đối với gia cầm để tránh tình trạng dư thừa cần điều chỉnh giảm mức tăng trưởng gia cầm từ 16,5% năm 2019 xuống dưới 10% năm 2020.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, xuất khẩu trái cây khó khăn, phải định hướng rải vụ với các loại cây thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn... Đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro về giá cả và việc tiêu thụ như cam, bưởi, thì không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ và tín hiệu tích cực từ thị trường.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Hiện Bộ đang hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản.
Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.
Bộ NN&PTNT đang triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản tại nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch. Ngoài ra, Bộ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, đôn đốc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, đề xuất giải pháp tăng nhập khẩu thịt lợn. Tính đến ngày 15/3/2020, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn đạt hơn 25.291 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, Cục Thú ynhận định, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 không loại trừ khả năng có tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn. Một số nước tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 nên có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại.
Vì thế, Cục Thú y đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn./.
Lương thực, thực phẩm có bị thiếu hụt do ảnh hưởng dịch virus corona?
Từ khóa: lương thực thực phẩm, nông nghiệp, covid-19, đáp ứng lương thực đợt dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN