Úng, ngập do đâu?!
Cập nhật: 25/09/2019
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
Anh Tú Atus từng suy nghĩ “ở ẩn” sau khi tham gia Anh trai “say hi”
VOV.VN - Với những nhà khoa học, những người làm nghiên cứu, thiết kế kiến trúc đô thị úng, ngập là nỗi buồn “không dễ gọi tên”.
Mặc dù đầu tư nhiều tỷ đồng để nâng cấp hệ thống thoát nước, xong rất nhiều thành phố, kể cả những đô thị mới mở ra hay ở trên những địa hình khá cao như “phố núi” cũng vẫn bị ngập chìm trong nước - dù lượng mưa không quá lớn.
Không chỉ Thủ đô Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh “cứ mưa là ngập” mà từ sáng sớm 10/9, rất nhiều tuyến đường của Thành phố Thái Nguyên - thành phố đang tập trung triển khai dự án“Phát triển tổng hợp đô thị động lực - Thành phố Thái Nguyên”với mức đầu tư “triệu đô” đã “chìm trong biển nước”.
Nhiều nơi ở Thái Nguyên ghi nhận nước ngập sâu tới gần 1 m. |
Hiện tượng này cũng xảy ra với một số đô thị ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước đó. Với những câu hỏi đầy ẩn ý, như “Đà Lạt, Lâm Đồng: mưa nhỏ, lũ sâu - vì đâu nên nỗi?” đa số người dân không có chuyên môn chỉ biết đổ tội cho đất, cho trời, hay “tặc lưỡi”: do biến đổi khí hậu… Nhưng, với những nhà khoa học, những người làm nghiên cứu, thiết kế kiến trúc đô thị thì lại là nỗi buồn “không dễ gọi tên”. Bởi với họ, đô thị hóa làm giảm sự thấm nước bề mặt là nguyên nhân sâu sa, gốc rễ của úng, ngập!
Nếu như năm 2000, cả nước có chưa đầy 650 đô thị, tỷ lệ dân số đô thị là 25% thì đến nay đã có hơn 850 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 40%. Những khu nhà cao tầng, đường cao tốc, rải nhựa, cột bê tông đua nhau mọc lên. Ngay cả đường nông thôn cũng bị… bê tông hóa. Đây là những minh chứng rõ ràng cho sự gia tăng về diện tích các bề mặt không thấm nước trong đô thị khoảng hai thập niên trở lại đây.
Tình trạng bê tông hóa gắn với đô thị hóa làm cho bề mặt tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Thống kê cho thấy, đã có hơn 70% hồ chứa nước đã biến mất do người dân, chính quyền san lấp mặt bằng để xây dựng công trình, nhà cửa. Cùng với đó, môi trường đô thị đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do sản xuất công nghiệp và lối sống, sinh hoạt khiến các kênh, rạch, mương máng không có khả năng thoát nước nhanh, một lượng lớn nước mưa bị nhiễm bẩn và không thể ngấm được xuống đất để tiêu, trữ!
Cùng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì nguyên nhân sâu sa của úng sâu, ngập lâu, của bê tông hóa tăng nhanh chính là do ý thức của con người; Công tác quản lý đô thị chưa tốt, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa, dòng chảy bị lấn chiếm; Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao; Diện tích cây xanh, diện tích thấm bề mặt hoặc bỏ qua chưa được tính tới, hoặc hời hợt, cho qua…
Các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo, rằng: giải pháp căn cơ để chống ngập lụt của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị mới không phải chỉ là các biện pháp đầu tư công trình nhằm gia tăng khả năng thoát nước tại chỗ. Cần phải tiếp cận các giải pháp “mềm” - mà ở đó là một quy hoạch tiêu/thoát nước hoàn chỉnh, bao gồm cả việc làm tăng sự thấm nước bề mặt.
Nghĩa là, phải giảm được tỷ lệ bê tông hóa trong quá trình đô thị hóa; Phải gia tăng việc xây dựng công viên - hồ điều hòa; Là tôn trọng quy luật rơi/thoát tự nhiên của mưa - từ lúc rơi xuống, phân bố trên mặt bằng, thảm phủ, ngấm vào đất và đi vào các khu vực nhận nước như sông, suối, ao, hồ...và đi ra biển; Là tìm cách bổ sung cho bằng được lượng nước ngầm, và… kể cả việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học khả năng trữ nước mưa trên mặt đất - mà khuyến nghị về những chiếc “lu” tưởng như phản cảm, gây cười…!
Phố phường Thái Nguyên chìm trong biển nước sau mưa lớn, 3 người chết
Từ khóa: đô thị hóa, bê tông hóa, ngập Thái Nguyên, Hà Nội ngập úng, dùng lu chống ngập úng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN