Ukraine muốn Mỹ cung cấp bom chùm thả từ UAV để tấn công thiết giáp của Nga?

Cập nhật: 08/03/2023

VOV.VN - Reuters dẫn nguồn tin từ 2 nghị sỹ Mỹ cho biết, Ukraine đã mở rộng yêu cầu đối với nước này, đề nghị cung cấp bom chùm để sử dụng cho máy bay không người lái (UAV) nhằm tấn công xe thiết giáp của lực lượng Nga.

Theo nguồn tin trên, Ukraine đã kêu gọi các thành viên trong Quốc hội Mỹ gây sức ép để Nhà Trắng chấp nhận gửi vũ khí này, nhưng không có gì đảm bảo chính quyền Tổng thống Biden sẽ thông qua yêu cầu đó. Bom chùm là loại bom lớn bên trong có chứa các bom bi cỡ nhỏ. Khi phát nổ, bom mẹ không có tác dụng tấn công trực tiếp mục tiêu mà nó làm bắn ra những quả bom nhỏ trên một vùng rộng lớn. Bom thứ cấp sẽ gây sát thương cho người hoặc phương tiện cơ giới. Bom chùm có sức sát thương trên diện rộng mà không phân biệt đối tượng tiêu diệt. Nhận thức được mối nguy hiểm này, hơn 120 quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng bom chùm.

Các nghị sỹ Jason Crow và Adam Smith, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cho biết, Ukraine muốn có MK-20 – một loại bom chùm được phóng từ trên không, có thể sử dụng cho máy bay không người lái. Trước đó, Kiev đã đề nghị cung cấp đạn chùm 155mm dành cho pháo binh và giới chức Ukraine cũng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ tham gia Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2/2022 thuyết phục Nhà Trắng chấp thuận yêu cầu. Ukraine hy vọng đạn chùm sẽ giúp nước này giành lợi thế trong cuộc xung đột với Nga ở miền Đông.

Chính phủ Ukraine đã công khai nói rằng họ muốn có đạn chùm của Mỹ. Nhưng yêu cầu về bom chùm MK-20, hay còn gọi là CBU-100 vẫn chưa được chính thức xác nhận. Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về tin tức của Reuters. Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, Nhà Trắng và Ukraine luôn phối hợp chặt chẽ trong vấn đề viện trợ quân sự, nhưng “vẫn chưa có thông tin mới nào được công bố”.

Nỗ lực vận động hành lang

MK-20 là loại bom chùm được thiết kế chuyên biệt cho vai trò chống tăng, ném từ các loại máy bay, không điều khiển. Khi phát nổ nó sẽ giải phóng hơn 240 quả bom nhỏ để tấn công mục tiêu. Quân đội Ukraine cho rằng, những quả bom này sẽ có khả năng xuyên giáp tốt hơn so với các loại vũ khí mà họ thả từ máy bay không người lái, Nghị sỹ Adam Smith cho biết.

Để đối phó với các lực lượng của đối phương có nguồn nhân lực và vũ khí dồi dào hơn, Ukraine đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái mang theo chất nổ.

Hạ nghị sỹ Jason Crow cho biết, ông sẽ ủng hộ việc chuyển giao MK-20 cho Ukraine nhưng với điều kiện người Ukraine phải đảm bảo họ sẽ loại bỏ các quả bom nhỏ và không sử dụng những quả bom này theo từng chùm để tránh gây thương vong ngoài dự kiến.

Tập đoàn Textron Systems của Mỹ đã ngừng sản xuất MK-20 vào năm 2016 sau khi Mỹ ngừng bán vũ khí này cho Saudi Arabia. Nhưng một trợ lý trong quốc hội cho biết, Mỹ vẫn còn hơn 1 triệu quả MK-20 trong kho dự trữ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người tham gia Hội nghị An ninh Munich, xác nhận rằng các quan chức Ukraine đã hối thúc các nhà lập pháp Mỹ gây sức ép để Nhà Trắng cung cấp bom, đạn chùm cho họ. Ông cho biết, ông sẽ thực hiện nỗ lực trong tuần này. Theo một quan chức trong Quốc hội Mỹ, giới chức Ukraine cũng vận động hành lang các nhà lập pháp ở Washington để yêu cầu của họ nhanh chóng được thông qua.

“Điều đó có thể không xảy ra”, ông Adam Smith nhấn mạnh, ý nói đến quyết định phê duyệt của chính quyền Biden.

Vũ khí gây tranh cãi

Kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp nhiều loại vũ khí, từ những vũ khí thông thường đến các loại tinh vi, hiện đại như bệ phóng tên lửa HIMARS, hệ thống phòng khong Patriot và xe tăng Abrams. Nhưng bom chùm có thể là một bước đi quá xa đối với chính quyền Biden và một số thành viên trong Quốc hội.

Những người phản đối cho rằng, khi các quả bom nhỏ phân tán, chúng có thể gây thương vong cho dân thường, trong khi hiệu quả phá hủy xe thiết giáp không cao. Chưa kể những quả bom không phát nổ có thể vẫn gây nguy hiểm trong thời gian dài, ngay cả khi xung đột kết thúc.

Trước đó vào năm 2008, 123 quốc gia, trong đó có hầu hết các thành viên của NATO đã thông qua hiệp ước cấm sản xuất, sử dụng và tàng trữ bom chùm. Tuy nhiên, Nga, Mỹ và Ukraine không tham gia hiệp ước này.

Ông Tom Malinowski – từng là quan chức phụ trách nhân quyền cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc trao cho Ukraine một loại vũ khí bị cấm sẽ làm suy yếu tính đạo đức của họ và Tổng thống Putin sẽ tận dụng điều này”. Tuy vậy, vẫn có những tiếng nói ủng hộ trong Quốc hội Mỹ. Một trợ lý trong Quốc hội cho biết, hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đều “dễ dàng chấp thuận” trước yêu cầu của Ukraine.

“Đây là cuộc chiến mà người Ukraine đang bị áp đảo. Bom chùm thực sự gây sát thương khá lớn với nhân lực và phương tiện thiết giáp. Họ có thể sử dụng vũ khí này ở những nơi không có dân thường”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham lưu ý.

Một quan chức khác trong Quốc hội nói rằng, việc cung cấp bom chùm cho Ukraine sẽ giúp nước này phần nào khắc phục tình trạng thiếu đạn pháo 155mm.

Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 1/3 diện tích lãnh thổ Ukraine, tương đương 174.00km đang bị ô nhiễm bởi bom mìn hoặc tàn dư của những thiết bị nổ khác sau giao tranh./.

Từ khóa: ukraine muốn mỹ cung cấp bom chùm, máy bay không người lái, nga tấn công ukraine, ukraine muốn tấn công thiết giáp nga, chiến tranh nga ukraine, xung đột nga ukraine, tình trạng thiếu đạn pháo tại ukraine, quốc hội mỹ, chính quyền Biden, cung cấp vũ khí cho ukraine, vũ khí sát thương, mỹ viện trợ vũ khí cho ukraine, bom chùm MK-2, bom bi, ô nhiễm bom mìn

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập