Ukraine loay hoay xác lập vị thế đàm phán trước sự trở lại của ông Trump
Cập nhật: 12/11/2024
Đột nhập sở chỉ huy UAV bí mật của Ukraine chuyên săn tìm mục tiêu Nga
8 sự kiện, vấn đề quốc tế năm 2024 do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bình chọn
VOV.VN - Khi chiến thắng của ông Donald Trump mang triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine đến gần hơn, Kiev đang cố gắng để đặt mình vào vị thế mạnh nhất có thể cho bất kỳ cuộc đàm phán nào bằng việc đảm bảo có thêm vũ khí và khả năng cầm cự trên chiến trường.
Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết 4 - 5 tháng tới sẽ là thời điểm then chốt, báo hiệu việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ tập trung vào Kiev như thế nào trong ván cờ chấm dứt xung đột. Ông Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1, đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột nhưng không nói rõ bằng cách nào.
"Mùa đông năm nay là thời điểm quan trọng... Tôi hy vọng cuộc xung đột sẽ đi đến hồi kết. Ngay bây giờ, chúng tôi sẽ xác định lập trường của cả hai bên trong các cuộc đàm phán cũng như vị thế khi bắt đầu", quan chức giấu tên trên nói với Reuters.
Các quan chức đang chờ xem ông Trump sẽ chọn ai cho các vị trí an ninh và quốc phòng hàng đầu để có căn cứ dự đoán ông sẽ định hình chính sách với Ukraine như thế nào. Ông Trump đã loại trừ khả năng lựa chọn cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được coi là thân Ukraine.
Nga đang tiến công với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022 bất chấp những tổn thất nhất định, vài tuần trước khi Ukraine nói rằng họ đã đụng độ với khoảng 11.000 quân Triều Tiên được triển khai tới khu vực Kursk của Nga. Do thiếu hụt nhân lực, các lực lượng của Ukraine đã mất đi một số vùng lãnh thổ mà họ chiếm được trong cuộc tấn công vào Kursk hồi tháng 9 mà Tổng thống Volodymyr Zelensky dự định dùng làm quân bài mặc cả. Hệ thống năng lượng của Ukraine vẫn duy trì hoạt động khi mùa đông đang đến nhưng mối đe dọa về các cuộc tấn công lớn khác của Nga vẫn hiện hữu.
Sau khi có cuộc điện đàm mà ông Zelensky cho là "tuyệt vời" với ông Trump vào cuối ngày 6/11, Tổng thống Ukraine cho biết ngày hôm sau rằng ông tin việc nhanh chóng kết thúc xung đột nghĩa là Kiev chấp nhận những nhượng bộ lớn.
"Nếu chỉ nhanh thì có nghĩa là Ukraine sẽ chịu tổn thất. Tôi vẫn chưa hiểu điều này có thể diễn ra như thế nào. Có lẽ chúng ta không biết hoặc không thấy điều gì đó", ông Zelensky nhận định. Ông cũng chỉ trích việc nói về lệnh ngừng bắn mà không có sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ trước tiên cho Ukraine, điều sẽ ngăn Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn sau này.
Quan chức giấu tên Ukraine cho biết, sau chiến thắng của ông Trump, họ cảm thấy "ít có khả năng" sẽ có lời mời của NATO dành cho Ukraine và thừa nhận, có nguy cơ ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ.
"Tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Biden sẽ cố gắng tránh rủi ro này bằng cách đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ", quan chức trên cho hay.
Điện Kremlin hôm 8/11 cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng thảo luận về Ukraine với ông Trump nhưng điều này không có nghĩa là các yêu cầu của Moscow đã thay đổi.
Tổng thống Putin hồi tháng 6 đã đưa ra các điều khoản để chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi toàn bộ 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập, điều mà Kiev coi giống như đầu hàng.
Công chúng Ukraine hoài nghi về việc Nga quan tâm đến các cuộc đàm phán nhưng yêu cầu cốt lõi của họ là nếu các cuộc đàm phán diễn ra thì Ukraine phải nhận được các đảm bảo an ninh phù hợp, Anton Grushetskyi, Giám đốc điều hành của công ty thăm dò ý kiến KIIS cho biết.
Ông cho rằng, người dân Ukraine có xu hướng muốn ứng viên đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng sự thất vọng trước thái độ miễn cưỡng của chính quyền Tổng thống Biden trong việc tăng cường sự ủng hộ đã khiến họ ngày càng cởi mở với việc đánh cược vào ông Trump.
"Mọi người rất thất vọng vì đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden, các bước đi thực sự lại yếu hơn nhiều, đặc biệt là trong năm qua", chuyên gia này nhận định. Để củng cố vị thế của mình vào tháng 9, ông Zelensky đã vạch ra một "kế hoạch chiến thắng" trình lên Tổng thống Biden, nhắc lại yêu cầu của ông về việc cho phép tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nhận được lời mời gia nhập NATO và có vũ khí mạnh hơn.
Ông Anton Grushetskyi cho biết, kế hoạch này là cần thiết để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí nhưng có rất ít dấu hiệu đột phá về bất kỳ điểm nào trong 5 điểm của kế hoạch.
"Tâm trạng ở Ukraine khá ảm đạm. Bạn có thể thấy sự thất vọng ngày càng gia tăng trong những phát biểu gần đây của ông Zelensky", một nguồn tin ngoại giao cấp cao tại Kiev cho biết.
Quan chức này bày tỏ sự hoài nghi rằng Tổng thống Biden sẽ cung cấp điều gì đó quan trọng cho Ukraine, chẳng hạn như dỡ bỏ lệnh hạn chế các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.
Từ khóa: ukraine, ukraine đàm phán, trump trở lại, xung đột ở ukraine, đàm phán nga ukraine, chiến trường ukraine, donald trump, gia nhập nato, tấn công lãnh thổ nga
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN