“Tuyệt chiêu” giúp lão nông Cà Mau "cãi vợ" nuôi cá chình thu lãi tiền tỷ

Cập nhật: 10/11/2024

VOV.VN - Ông Bảy Ánh tính nuôi cá chình bị vợ cản đến giận nhưng vẫn quyết nuôi. Hiện mỗi năm gia đình ông kiếm lời khoảng 3 tỷ đồng từ mô hình. Bí quyết thành công của lão nông “dám cãi vợ” đến từ “tuyệt chiêu” chuyển cá.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Ánh (thường gọi Bảy Ánh, ở ấp 3, xã Tân Thành, TP.Cà Mau) vừa thu hoạch 1 ao cá chình, bán được hơn 700 triệu đồng, lãi khoảng 450 triệu. Đầu năm đến nay, vợ chồng ông Bảy đã thu hơn chục ao cá. Mỗi khi bán cá, bà Lê Thị Phúc - vợ ông Bảy đều tươi rói ra lấy tiền. Nhưng trước đó, khi ông Bảy bắt đầu nuôi cá chình bà kiên quyết không cho, đến giận chồng bởi “cái tánh bướng nói không nghe”.

Ông Bảy kể, vào năm 1999 ở tỉnh Cà Mau chưa ai biết nuôi cá chình. Qua người quen trên TP.HCM, ông biết đến và muốn phát triển. Vợ ông cản, bởi không biết nuôi có được không, rồi giả dụ nuôi được thì bán cho ai? Ông Bảy nghe có lý lắm nhưng vẫn quyết nuôi, tìm mọi cách thuyết phục vợ mà vẫn không được, đến mức bà tức sôi máu nói: “ai làm được gì làm”.

Vậy mà ông Bảy Ánh vẫn dám làm thật, bán hơn 100 dạ lúa, là tất cả tài sản của gia đình để mua cá giống: "Khi khởi nghiệp nuôi thì phải nói rất lo lắng, lo lắng đầu ra thôi chứ nuôi thì không gặp khó khăn. Tôi mua 20 ký cá giống lúc đó là 3,5 triệu, khi đó bằng 100 dạ lúa. Tôi nuôi loại cá 20 con/kg, đúng 18 tháng tôi bán, đạt hiệu quả cực kỳ cao. Bán được 65 triệu, vàng hồi đó có 1,8 triệu/cây thôi".

Bỏ một thu lại gấp gần 20 lần, vợ chồng lão nông nuôi cá chình đầu tiên ở Cà Mau vỡ òa cảm xúc. “Đợt đó thành công chứ nếu không chú đi lên núi Tà Lơn ở rồi”, ông Bảy hề hà nói với vẻ đầy tự hào vì dám cãi vợ.

Đã qua 25 năm nuôi cá chình, lão nông 67 tuổi chưa năm nào bị thua lỗ.  Cũng chính vậy, người dân địa phương gọi ông là “Vua cá chình”. Thời điểm dịch Covid-19 khó khăn nhất, bán cá không ai mua thì ông cứ bỏ vốn ra mua cá mồi cho ăn. Con cá chình to cỡ nào cũng không bị mất giá, chẳng phải lo quá lứa. Nuôi cá chình chủ yếu tốn tiền thức ăn, gia đình tận dụng nguồn cá phi phổ biến ở địa phương nên chi phí không cao.

Mấy năm gần đây, ông Bảy Ánh đều có lãi khoảng trên dưới 3 tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi cá chình: "Nói chung bỏ vốn nhiều lời nhiều, còn bỏ vốn ít lời ít. Tôi chắc chắn thì kinh nghiệm nhiều năm của mình, thì lợi nhuận khoảng 70%. Mỗi năm tôi thu nhập khoảng 4 – 5 tỷ, nằm trong khoảng đó, tùy theo giá cá".

Lão nông Bảy Ánh đang nuôi cá chình xen cá bống tượng trên diện tích 6,5 ha, với 42 ao. Ông nuôi gối đầu, lúc nào cũng có các ao: ươm cá giống; cá lứa, cá thương phẩm, giúp có nguồn thu thường xuyên. Chia sẻ về bí quyết, ông Bảy nói chắc như bắp, con cá chình cần nước ngọt, mật độ nuôi cần vừa phải; còn lại cứ chăm chuyển ao cho cá sẽ thành công:

"Tôi nuôi trước đến nay luôn thì rất là ít dịch bệnh. Khi nuôi, cá giống thả xuống 1 ao thôi, nuôi được khoảng 7 - 8 tháng thì tiến hành đưa cá lên, phân loại ra và thả ra nhiều ao lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ. Nuôi cho đến khoảng 14 tháng dời ao cho cá thêm đợt nữa. Mỗi đợt nuôi như vậy dời ao cho cá 3 lần. Chỉ cần dời cá cho tôi thôi, đừng có dùng men tiêu hóa, thuốc gì hết. Cứ đưa cá mồi xuống cho ăn bình thường, thời gian từ 7 - 8 tháng thì tiến hành dời ao"- ông Bảy nói.

Từ thành công của gia đình ông Bảy Ánh, nhiều người dân địa phương cũng học hỏi, phát triển mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng. Dần hình thành lên nghề nuôi cá chình ở xã Tân Thành được nhiều người tìm đến học hỏi. Ông Trần Quốc Trạng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thành cho biết: "Người dân ở đây rất tâm đắc với con cá chình, đây là mô hình nuôi chủ lực của địa phương. Hiện nay, diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng của xã trên 250 ha, có khoảng 420 hộ nuôi. Giá cá chình, bống tượng đang khá cao so với những năm trước đây. Người dân nuôi tỷ lệ lợi nhuận cao, nuôi cá chình 1ha thu trên 1,5 tấn, thu nhập trên 700 triệu đồng".

Ông Nguyễn Hữu Ánh đến nay vẫn thừa nhận, hồi tự phát nuôi cá chình là “làm liều ăn nhiều”. Vợ ông cản là đúng nhưng ông nuôi cũng đúng. Nếu không dám cãi vợ thì gia đình không có ngày hôm nay. Vào giữa tháng 10 vừa qua, ông lại được nhận Bằng khen từ Trung ương Hội nông dân. Đây là 1 trong rất nhiều Bằng khen lão nông từng được trao tặng. “Vua cá chình” chỉ còn băn khoăn, đất canh tác là đất lúa nhưng đã chuyển nuôi cá lâu rồi, chưa rõ số phận sẽ ra sao?

Từ khóa: Cà Mau, Cà Mau, tuyệt chiêu chuyển, giúp lão nông, nuôi cá chình

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần hiếu/vov đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập