Từ Pháo đài Đồng Đăng lịch sử, tiếp lửa truyền thống hôm nay

Cập nhật: 19/02/2023

VOV.VN - Ngày 17/2/1979, tiếng súng vang lên trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên cương Tổ quốc, biết bao người đã ngã xuống. Sự hy sinh của họ không uổng phí, bởi các thế hệ hôm nay đang "tiếp lửa truyền thống", nỗ lực rèn luyện, học tập và lao động xây dựng, bảo vệ quê hương.

Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn những ngày đầu Xuân nhộn nhịp, hối hả với kẻ mua, người bán và du khách đi chơi hội xuân. Trong dòng người đông đúc ấy, có một người đàn ông ngoài lục tuần mặc bộ quân phục cũ chậm rãi bước đi. Đôi lúc ông đứng hẳn lại, ngước nhìn về những ngọn núi xa mờ trong cơn mưa bụi. Người đàn ông đó là cựu chiến binh Hà Đức Thiện, người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.

Non nửa thế kỷ đã qua với biết bao thăng trầm của cuộc sống, người lính cựu vẫn chẳng thể nào quên sự khốc liệt và sự hy sinh của những người đồng đội nơi pháo đài Đồng Đăng: “Mình đang sống ở mảnh đất chiến trường xưa, trong ký ức tôi vẫn nhớ rõ tất cả các trận đánh, lúc nào cũng nghĩ về những người đồng đội của mình. Có lúc lên pháo đài thắp hương, tôi nhớ rõ nét mặt từng đồng chí. Xin cảm ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để những người ở lại xây dựng quê hương yên bình.”

Hằng năm cứ đến ngày 17/2, hay ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ông Thiện vẫn là "người liên lạc" kết nối những người lính năm nào về thăm chiến trường xưa, thắp hương, tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Với ông, đó là trách nhiệm cũng là niềm tự hào của người lính.

Pháo đài Đồng Đăng được người Pháp xây dựng từ những năm 1936-1940 nhằm phòng thủ biên giới phía Bắc, án ngữ các tuyến đường 1A, 1B, 4A chạy qua khu vực Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Cũng là một trong số ít người may mắn sống sót trong trận đánh năm đó, Đại tá Triệu Quang Điện, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng Sơn chẳng thể nào quên ký ức của một pháo đài Đồng Đăng những ngày tháng 2/1979. 

“Sau khi Pháo đài bị chiếm, chúng tôi đưa một số người dân chạy về Khánh Khê chiều tối 20/2/1979 (nay là huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Sáng 22, chúng tôi gặp phóng viên của Đài TNVN đến tác nghiệp tại chiến trường... Lúc đó chiến tranh, người lính nào cũng quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đến viên đạn cuối cùng. Bây giờ, thế hệ trẻ cần phải giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, phải tôn trọng quá khứ để hướng tới tương lai, trân trọng công sức, mồ hôi, xương máu của cha ông để phát huy truyền thống để tương lai, cuộc sống ngày càng tốt hơn"- Đại tá Triệu Quang Điện nhớ lại.

Toàn tỉnh Lạng Sơn đang quản lý hơn 33.000 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có hơn 5.600 liệt sĩ; hơn 2.600 thương binh, bệnh binh; 207 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”...

"Xác định là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi đã tăng cường rà soát hồ sơ để chi trả chế độ đúng đối tượng đảm bảo không bỏ sót, thường xuyên rà soát để nắm bắt người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để kịp thời hỗ trợ, chăm lo về sức khỏe, nâng cao mức sống cho người có công… tất cả để làm sao người có công được hưởng thụ đầy đủ những thành quả phát triển KTXH của địa phương cũng như cả đất nước"- Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xa hội tỉnh Lạng Sơn cho  hay.

Khói súng đã tan nơi chiến trường, vết thương đạn bom cũng dần mờ nhạt và Thị trấn biên giới Đồng Đăng đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế, thương mại sầm uất của tỉnh Lạng Sơn. Đến Đồng Đăng hôm nay, du khách có thể lên thăm pháo đài Đồng Đăng - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.

Tiếp nối truyền thống cha anh, thế hệ trẻ hôm nay luôn phát huy tinh thần sáng tạo và đẩy mạnh các phong trào, hoạt động trong phát triển kinh tế - xã hội; Nhiều phong trào thanh niên tình nguyện được triển khai rộng khắp trong đoàn viên thanh niên như ra quân đầu xuân, tháng Thanh niên, y bác sỹ trẻ tình nguyện, xây dựng nhà nhân ái cho hộ nghèo và lớp học, nhà bán trú dân nuôi... Thông qua những hoạt động này, tuổi trẻ Lạng Sơn phần nào thể hiện ý chí rèn luyện, thi đua học tập và lao động sản xuất, phát huy tinh thần xung kích - sáng tạo - đoàn kết cùng xây dựng mảnh đất xứ Lạng ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ./.

Từ khóa: Pháo đài Đồng Đăng, chiến tranh biên giới phía bắc

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập