Từ danh hiệu UNESCO, biến di sản thành tài sản và nguồn lực phát triển bền vững

Cập nhật: 22/12/2023

VOV.VN - Các danh hiệu UNESCO mang lại tiềm lực rất lớn trong việc thu hút du lịch, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hình ảnh và sức mạnh mềm quốc gia. Bài toán đặt ra là làm sao cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để di sản trở thành tài sản và biến tiềm lực thành nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho rằng, các danh hiệu UNESCO cũng như việc phát huy vai trò, giá trị quảng bá, tuyên truyền cho danh hiệu UNESCO là rất thiết thực vì đây là mối quan tâm của cả UNESCO và các nước thành viên. Đó là các danh hiệu danh giá, vừa mang đặc trưng quốc gia nhưng cũng có giá trị toàn cầu và là di sản nhân loại.

Hiện nay Việt Nam có 65 danh hiệu và ở tất cả 63 tỉnh thành, có cả di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, thành phố sáng tạo, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu, thành phố học tập, danh nhân thế giới…

7 đề xuất quảng bá di sản văn hóa Việt Nam

Các nước đều coi danh hiệu UNESCO có tiềm lực rất lớn, thu hút du lịch, tạo thương hiệu địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hình ảnh và sức mạnh mềm quốc gia. Bài toán đặt ra cho tất cả các quốc gia là làm sao để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để di sản trở thành tài sản và biến tiềm lực thành nguồn lực phục vụ phát triển bền vững và tận dụng những thành tựu công nghệ số để quảng bá, phát huy giá trị. Trên cơ sở xu thế hiện nay tại UNESCO và kinh nghiệm của các nước, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đưa ra 7 khuyến nghị.

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới tư duy mạnh mẽ về phát huy vai trò giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững và nâng cao vị thế. Ví dụ ở Anh, nước này nhấn mạnh vào cách tiếp cận đa chiều, đa tầng nấc, đa phương diện, đa mục tiêu để các danh hiệu UNESCO phát huy được giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ hai, cần có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, tận dụng hiệu quả các danh hiệu với tiêu chí đánh giá cụ thể cho phát triển bền vững. Ở tầm quốc gia, có thể gắn kết trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Việt Nam hiện là 1 trong 11 quốc gia được UNESCO lựa chọn để triển khai thí điểm xây dựng bộ chỉ số văn hóa gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên 22 tiêu chí.

Ở tầm địa phương, có thể lồng ghép vào các đề án chiến lược phát triển du lịch, hợp tác đầu tư của các địa phương. Ví dụ, Hà Nội hiện nay đang là thành phố sáng tạo toàn cầu và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2045 với các chỉ tiêu rất cụ thể. Ninh Bình cũng đang thúc đẩy tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ. Hội An là đô thị du lịch quốc gia…

Đề xuất thứ ba có thể tính đến cơ sở kinh nghiệm của các nước. Đó là gắn kết các danh hiệu, kết nối từng tỉnh, thành, địa phương để tạo sức mạnh tổng thể. Ví dụ như Huế là một điểm đến có tới 7 di sản; Hà Nội vừa là thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, lại có cả di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

Cũng có thể tính đến việc kết nối giữa quốc gia và khu vực để chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy du lịch.

“Châu Âu hiện nay đang triển khai Hành trình di sản châu Âu, kết nối du lịch của các khu di sản thế giới ở châu Âu rất thành công. Pháp có mạng lưới các khu di sản lớn gồm 51 di sản thế giới ở Pháp. Chúng ta có Câu lạc bộ di sản thế giới Việt Nam với 8 di sản cũng có thể tăng cường thúc đẩy kết nối các địa điểm du lịch rất tốt, hoặc là tăng cường kết nối 11 khu dự trữ sinh quyển, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố sáng tạo… Đây là mô hình cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho hay.

Đề xuất thứ tư là triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về hợp tác UNESCO, vai trò của các danh hiệu và chia sẻ kinh nghiệm.

“Hiện nay Ngày UNESCO đang được nhiều nước triển khai; hay Ngày di sản châu Âu được triển khai ở gần 50 quốc gia vào tháng 9, tháng 10 và mở cửa miễn phí các khu di sản này cho du khách đến tham quan. Chúng ta có Ngày di sản Việt Nam 23/11, cũng có thể cân nhắc tham khảo mô hình này, đó cũng là một cách giới thiệu rất hiệu quả”, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nói.

Đề xuất thứ năm Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đưa ra là thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư và tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên trong bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO. Đây cũng là xu thế hợp tác mà Liên Hợp Quốc và UNESCO rất coi trọng. Chúng ta có thỏa thuận hợp tác SOVICO – UNESCO hỗ trợ thúc đẩy mạng lưới các thành phố sáng tạo và du lịch bền vững.

Sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An cũng được UNESCO đánh giá cao.

Khu vực tư nhân cũng có thể phát huy tốt vai trò như với Giải thưởng khoa học L'Oréal – UNESCO ghi danh các nhà khoa học nữ, hay Giải thưởng VinFuture… Điều này cho thấy rất cần sự vào cuộc đồng hành của các doanh nghiệp, các đối tác trong việc phát huy giá trị danh hiệu UNESCO cho phát triển bền vững.

Đề xuất thứ sáu là tận dụng lợi thế của công nghệ số trong thúc đẩy truyền thông, triển khai ngoại giao văn hóa, ngoại giao công chúng, tăng cường giới thiệu các danh hiệu qua các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Instagram, Facebook… hoặc là xây dựng sơ đồ các danh hiệu UNESCO. Ví dụ ở Anh, họ xây dựng sơ đồ 58 danh hiệu và đấy cũng là những điểm du lịch để giới thiệu cho du khách rất hiệu quả. Hoặc là có bảo tàng số, tour tham quan, mã QR Code, nghệ thuật thính giác đương đại.. để tăng cường hiệu quả tuyên truyền cao,.

Đề xuất thứ bảy, cần có các hoạt động chiến lược quảng bá Việt Nam có trọng tâm trọng điểm trọng lượng ở tầm quốc tế.

“Chúng ta có thể có chiến lược quảng bá tập trung vào 4-5 lĩnh vực, tại 4-5 địa bàn và với các hình ảnh và thương hiệu Việt Nam có chất lượng và hiệu quả hoặc có thể cân nhắc tổ chức các hội nghị quốc tế tầm toàn cầu. UNESCO cũng rất kỳ vọng chúng ta có thể cân nhắc tổ chức kỳ họp Ủy ban Di sản thế giới hoặc Ủy ban Liên Chính phủ về di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta cũng có năng lực tổ chức các hoạt động quốc tế rất tốt và được UNESCO đánh giá cao. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh giới thiệu về văn hóa hình ảnh Việt Nam là đổi mới sáng tạo nhưng cũng rất đậm đà bản sắc dân tộc”, bà Lê Thị Hồng Vân nêu quan điểm.

Phát huy lợi thế từ vai trò thành viên Ủy ban di sản thế giới

Ngày 22/11 vừa qua, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với 121/171 phiếu hợp lệ. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Ủy ban di sản thế giới và lần này trúng cử với số phiếu cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, đây cũng là cơ hội để chúng ta thiệu đến bạn bè quốc tế về hình ảnh Việt Nam đổi mới hội nhập sáng tạo phát triển bền vững nhưng cũng rất đậm đà bản sắc dân tộc và giàu truyền thống.

Đại sứ cho rằng, điều đó thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với năng lực dẫn dắt, khả năng điều hành của Việt Nam cũng như những đóng góp rất chất lượng, hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời điều này cũng thể hiện một lần nữa tính đúng đắn trong việc triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương như chỉ thị 25 của Ban Bí thư cũng như việc triển khai hiệu quả chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Việc tham gia vào Ủy ban di sản thế giới tạo cơ hội cho chúng ta được tham gia đóng góp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực rất quan trọng, then chốt này của UNESCO, của Liên Hợp Quốc về lĩnh vực văn hóa, di sản.

Từ khóa: di sản, danh hiệu unesco,phát triển bền vững, di sản văn hóa việt nam,đại sứ việt nam bên cạnh unesco, đại sứ lê thị hồng vân

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: hoàng kiều trang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập