Truyền thông Đức giải mã thành công của Việt Nam trong chống Covid-19
Cập nhật: 01/06/2020
Trang thông tin Marzahn-hellersdorf ở Berlin vừa nhìn nhận sự thành công của Việt Nam trong chiến dịch chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bài viết của trang này nhận định 3 yếu tố - hành động sớm, truy dấu tiếp xúc và tuyên truyền chính là chìa khóa giải mã câu chuyện chống dịch thành công của Việt Nam.
Tranh cổ động tuyên truyền phòng chống dịchCovid-19. Ảnh:Thanh Tùng/TTXVN. |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trang thông tin này dần lời các chuyên gia y tế cho biết sự kết hợp các yếu tố từ phản ứng sớm và nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho đến truy dấu tiếp xúc chặt chẽ, tiến hành cách ly và thông tin rộng rãi một cách hiệu quả đã giúp quốc gia có 95 triệu dân này kiểm soát tốt dịch bệnh và chưa có một trường hợp nào tử vong do mắc Covid-19.
Theo bài báo, Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với sự bùng phát của dịch vài tuần trước khi ghi nhận những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, ngay cả khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời điểm đó tuyên bố "chưa có bằng chứng rõ ràng" bệnh lây nhiễm từ người sang người.
Ngay từ đầu tháng 1/2020, Việt Nam đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đến giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch cũng như tăng cường kiểm tra y tế tại các cửa khẩu, sân bay và cảng biển.
Một ngày sau khi Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 hôm 23/1, Việt Nam đã hủy tất cả các chuyến bay đi và đến từ Vũ Hán.
Gavi: 4 “đòn đánh” giúp Việt Nam kiểm soát Covid-19 thành công
Vào dịp Năm mới, chính phủ nước này đã tuyên chiến với dịch bệnh và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trùng thời điểm WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Ngay từ ngày 1/2, Việt Nam đã công bố dịch khi mới chỉ ghi nhận 6 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Việt Nam đã dừng tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và sau đó đến cuối tháng 3 cũng ngừng nhập cảnh đối với người nước ngoài.
Ngoài những biện pháp quyết liệt trên, Việt Nam cũng đã nhanh chóng và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong nước, trong đó có việc phong tỏa một khu vực có trên 10.000 người ở phía Bắc Hà Nội - trường hợp phong tỏa quy mô lớn đầu tiên được thực hiện bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, các trường học tiếp tục được yêu cầu đóng cửa.
Theo giáo sư về các bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, tốc độ phản ứng của Việt Nam là yếu tố chính dẫn đến thành công trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông cho rằng việc hành động sớm ngay từ cuối tháng 1, đầu tháng 2 so với các nước khác là điều rất hữu ích để kiểm soát dịch bệnh.
Hành động nhanh chóng của Việt Nam đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng và cho đến 13/2, nước này chỉ ghi nhận 16 trường hợp mắc Covid-19. Khi đợt lây nhiễm bùng phát liên quan đến một trường hợp trở về từ nước ngoài, Việt Nam đã tiến hành truy dấu chặt chẽ tiếp xúc của người nhiễm bệnh và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội trở thành "điểm nóng" của dịch bệnh, giới chức y tế Việt Nam đã kiểm tra khoảng 15.000 người liên quan, trong đó có khoảng 1.000 nhân viên y tế và yêu cầu những người này tự theo dõi, cách ly.
Theo ông Thwaites, việc truy dấu tiếp xúc của Việt Nam rất chi tiết, không chỉ là các trường hợp tiếp xúc trực tiếp mà cả các trường hợp gián tiếp và đây là một trong những biện pháp độc đáo của Việt Nam so với các nước khác trong việc phòng chống dịch. Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp được đưa vào cách ly tại các cơ sở y tế, khách sạn hay doanh trại quân đội, trong khi các trường hợp tiếp xúc gián tiếp được hướng dẫn cách ly tại nhà. Thời điểm ngày 1/5 trên cả nước có khoảng 70.000 người được cách ly tại các cơ sở của nhà nước, trong khi khoảng 140.000 người cách ly tại nhà hoặc trong các khách sạn.
Việt Nam xác định chống Covid-19 là “vấn đề không của riêng ai”
Nghiên cứu cũng cho thấy trong số 270 bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, có 43% là các trường hợp không có triệu chứng. Điều này cho thấy giá trị của việc truy dấu và cách ly tiếp xúc một cách nghiêm ngặt. Nếu không chủ động nhắm mục tiêu vào những người có nguy cơ nhiễm bệnh, virus có thể đã lan ra cộng đồng trước khi được phát hiện.
Ngoài việc phản ứng nhanh và truy dấu tiếp xúc, việc cung cấp thông tin và tuyên truyền cộng đồng cũng góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19. Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã thông báo rõ ràng với công chúng về sự bùng phát của dịch bệnh. Các trang web chuyên biệt, đường dây nóng điện thoại và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để thông báo cho người dân về các thông tin dịch bệnh mới nhất và tư vấn y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi tin nhắn đến người dân qua hệ thống SMS. Cả hệ thống tuyên truyền vào cuộc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.
Theo Giáo sư Thwaites, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đối phó với sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như dịch SARS từ năm 2002 và dịch cúm gia cầm sau đó đã giúp chính phủ và nhân dân có những bước chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với dịch Covid-19.
Trang thông tin nói trên cũng cho hay Việt Nam đã dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 4 sau ba tuần áp dụng, và hiện không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng trong hơn 40 ngày. Các công ty, trường học đã mở cửa trở lại và cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường./.
Từ khóa: Covid-19, kinh nghiệm Việt Nam, bài học Việt Nam, khống chế dịch bệnh thành công
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN