Trường tư lo thiếu thời gian dạy chương trình riêng nếu không học hè
Cập nhật: 10/07/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN -Bên cạnh chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường tư vẫn có chương trình riêng, nếu chỉ học vỏn vẹn 9 tháng, sẽ không đủ thời gian để thực hiện.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng Dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng; thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.
Riêng đối với trường tư thục, năm học 2020-2021 vẫn thực hiện quy định theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT. Nhưng Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng phù hợp hơn về thời gian học tập, rèn luyện ở trường và thời gian nghỉ hè của học sinh.
Trước thông tin này, nhiều trường ngoài công lập lo ngại rằng, nếu các trường tư cũng phải nghỉ hè 3 tháng, không được dạy trước khai giảng, sẽ rất “khó sống”.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, ngoài chương trình của Bộ, các trường ngoài công lập vẫn có chương trình giáo dục riêng và cần có thời gian để thực hiện chương trình này. Mục tiêu nhằm dạy cho trẻ những kỹ năng để phát triển toàn diện.
Từng là giảng viên đại học, giáo viên THPT và hiện tại đang quản lý trường tiểu học, bà Hiền cho rằng, ở tất cả các bậc học, thì tiểu học là thời điểm các kỹ năng của một học sinh hình thành rất cơ bản: “Chúng tôi muốn đưa các chương trình giáo dục để hình thành kỹ năng cho các con. Nhưng để thực hiện chương trình đó, không thể bó buộc trong 9 tháng. Hơn 20 năm nay, chúng tôi đều tựu trường từ 1/8, như vậy mới đảm bảo đủ thời lượng dạy các kiến thức, kỹ năng, và triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế diễn ra trong thời gian hè”, bà Hiền cho biết.
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đoàn Thị Điểm cũng cho rằng, nếu không có chương trình giáo dục riêng, nằm ngoài khung chương trình của Bộ, trường tư sẽ không tồn tại, cũng không có phụ huynh nào cho con học trường tư.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, việc học các kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khóa trong thời gian hè cũng xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh học sinh.
“Chúng tôi nghiêm túc không dạy chương trình mới, song việc tựu trường sớm là nhu cầu có thực của phụ huynh. Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, nhiều gia đình không có chỗ gửi con, gửi trẻ về quê hoặc để tự chơi, từ đó xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trước đây, Hà Nội từng có thông điệp thời gian nghỉ hè phải mở cổng trường. Không phải để dạy chương trình mới mà để đón học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi an toàn cho các em’, bà Hiền nói.
Do đó, bà Nguyễn Thị Hiền kiến nghị Bộ giữ nguyên quy định như Thông tư 13 hiện hành, không sửa đổi quy định nghỉ hè với các trường ngoài công lập.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng, trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, có trường tư đã phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản do phải đóng cửa trường nhiều tháng liền.
Nếu mỗi năm nghỉ hè 3 tháng, đồng nghĩa với việc giáo viên không có lương, lãng phí cơ sở vật chất.
“Đặc thù của trường tư là tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Dịch Covid-19 là một đại họa, cả thế kỷ mới gặp 1 lần, nhưng nếu hiện nay mỗi năm đều nghỉ hè 3 tháng, các trường đóng cửa hoàn toàn, không khác gì một “đại họa” giáng xuống các trường tư”, ông Khang lo ngại.
Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cùng quan điểm rằng, nghỉ hè 3 tháng là quá nhiều. Đứng trên góc độ vừa là giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh, bà Dương cho rằng, thời gian nghỉ hè dài, nhiều cha mẹ sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc, giữ an toàn cho trẻ: “Ngày nay các con có thể tiếp xúc với rất nhiều thú chơi không tốt, cha mẹ phải lo lắng cho các con hơn nhiều so với thời chúng tôi ngày xưa. Để tạo sân chơi cho trẻ dịp hè, nhiều bố mẹ phải đưa các con đến lớp học đàn, tập bơi... ngày 2-3 ca như vậy, không phải bố mẹ nào cũng làm được”.
Bà Văn Thùy Dương cho rằng, Bộ cần có quy định linh hoạt về thời gian nghỉ hè cho cả khối trường tư thục và công lập, bởi lẽ, điều kiện tự nhiên, học tập ở mỗi vùng miền là khác nhau.
“Ở khu vực miền núi, có những thời điểm mưa bão, sạt lở nhưng vẫn nằm trong thời gian năm học, nên chăng chương trình nên được đưa vào các tháng khác an toàn hơn. Tôi cho rằng cần có quy định mềm mỏng về thời gian nghỉ hè, Bộ nên kiểm soát đầu ra chương trình, chất lượng đào tạo, các vùng miền cần có sự uyển chuyển. Thời gian học hè, không phải chỉ dạy kiến thức, mà quan trọng là đào tạo kỹ năng mềm, vốn sống cho học sinh”, bà Dương nhấn mạnh.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An cũng cho rằng, trước khi ban hành quy định, chính sách, cần xem xét đánh giá những tác động xã hội. Trong bối cảnh các dịch vụ xã hội ngày càng có sự cải thiện, song chưa thể phát triển như nhiều nước khác, việc trẻ em không đến trường trong thời gian dài sẽ rất khó khăn cho bố mẹ để đảm bảo an toàn cho con.
“Chúng ta đã cố gắng trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhưng đâu đó vẫn có những sự việc như trẻ nghỉ học, đuối nước dịp hè, tai nạn... Do đó, cần lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh, xem họ có thực sự muốn con nghỉ hè dài ngày, hay vẫn muốn con có sân chơi, có nơi hoạt động an toàn”, bà An nói./.
Từ khóa: nghỉ hè, học thêm, trường tư, trường ngoài công lập, giáo dục
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN