“Trước giờ tổng khởi nghĩa” vẫn tươi nguyên khí thế cách mạng
Cập nhật: 18/08/2020
Apple lần đầu bán iPhone 15 Pro với giá thấp hơn
Lonely Planet picks out Hanoi of Vietnam among 10 dream trips in Asia
VOV.VN - Đọc “Trước giờ tổng khởi nghĩa” mới thấy tác giả viết thật, nói thật, rất sống động.
Cuối xuân 1994 tôi đến gia đình nhà báo lão thành Trần Lâm, nguyên Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam ở số 5 Trần Phú mời ông viết về Đài Phát thanh Quốc gia. Ông bỗ bã, điều mà hồi đương chức hiếm thấy:
- Cậu gãi đúng chỗ ngứa rồi đấy. Tôi đang nghĩ tranh thủ nghỉ hưu viết một cái gì đó về Đài, lỡ sau này lẫn, quên hết thì tiếc lắm!
Tuần sau ông gọi điện cho tôi bảo định viết về ba bài học kinh nghiệm của Đài Phát thanh Quốc gia, nhưng xem ra khô khan quá nên chuyển sang hồi ký “Những chặng đường gian nan và kỳ thú”. Tôi hỏi lại:
- Sao phải chịu gian nan, thử thách mà bác gọi là kỳ thú ạ?
Ông cười vang như rung cả ống nghe:
- Gian nan thật, nhưng thú vị lắm chứ. Tôi định mở đầu cuốn sách về cái duyên đến với nhà Đài là tuyên truyền, tức là ngày đầu tham gia cách mạng chuyên leo trèo cột điện, ngọn cây căng cờ, biểu ngữ ủng hộ Việt Minh, đặc biệt là chiều 17/8/1945 thả lá cờ lớn trước sảnh Nhà hát lớn Hà Nội…
Tôi sốt ruột:
-Thế bác có ghi chép lại không?
- Không, có mà cũng chẳng nhớ nữa…”
Từ đó đến nay, nhất là thời gian viết bút ký tư liệu lịch sử “Dòng sông trên cao” tôi đi hết Viện bảo tàng Hồ Chí Minh đến bảo tàng Cách mạng rồi nhờ bạn ở Lưu trữ Quốc gia tìm kiếm, nhưng cũng chẳng thấy một ghi chép hay cuốn sách nào của Trần Lâm về mối tơ duyên ấy.
Bìa sách "Trước giờ Tổng khởi nghĩa". |
May mắn làm sao, năm ngoái, trong lễ ra mắt bức tượng nhà báo lão thành Trần Lâm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ Hà Nội, anh Trần Điện Biên, con trai của ông tặng phòng truyền thống nhà Đài cuốn sách quý “Trước giờ tổng khởi nghĩa” (Ký ức của một cán bộ tuyên truyền xung phong Dân chủ Đảng của Trần Quảng Vận). Xin nói thêm Trần Quảng Vận là tên khai sinh của Trần Lâm.
Cuốn sách khổ 13X19 với 48 trang do Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản năm 1946, số kiểm duyệt 1025 ngày 2 tháng11 năm 1946, in tại nhà in Thái Bình, 39 Hàng Cót, Hà Nội, giá bìa 3USD.
Tác giả xưng là Lâm, là mình, là chàng khi bắt đầu câu chuyện bằng lời kể giản dị “Lâm đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm lần này là lần thứ ba, từ chập tối. Trời vừa mưa phùn xong. Những ngọn đèn điện lù mù, không đủ sáng. Người qua lại thưa thớt. Thỉnh thoảng một đẫy xe tay chạy bán sống bán chết, trên xe những hình mập tròn, quần áo nhà binh màu vàng, ưỡn mình ra đằng sau, luôn luôn văng ra những tiếng Nhật nghe tục tằn, hung tợn…”
Đấy là khung cảnh Hà Nội cuối chiều 12 tháng 8 năm 1945. Lúc này các đoàn thể Cứu quốc hoạt động sôi nổi với khẩu hiệu trung tâm là “Diệt Nhật cứu Nước”. Lâm và Thành (bí danh của ông Tích - BT) được cấp trên của Đội tuyên truyền xung phong Dân chủ thành Hoàng Diệu chỉ đạo bằng mọi cách phải làm sôi nổi dư luận, tạo không khí chống Nhật và tay sai ngay giữa lòng Hà Nội. Làm thế nào để được việc lại bảo đảm an toàn, tránh sự khủng bố của hiến binh Nhật. Lâm và Thành ở nhờ nhà người bạn ở một khu phố vắng vẻ. “Nhà rộng, có cổng kín đáo, lại có lối thoát ra sau. Khi động, chỉ nhảy một cái là qua tường sang một vườn chuối rậm rạp, rồi luồn qua một bãi Thể dục rộng lớn”.
Lâm và Thành nghĩ cách bố trí loa phóng thanh gắn trên Tháp Rùa và tưởng tượng “Một buổi sớm mai giữa hồ Hoàn Kiếm trên ngọn Tháp Rùa một lá cờ đỏ sao vàng to bằng mặt bàn, có người trợn mắt xì xào là to bằng cái chiếu ngạo nghễ, phấp phới như thách thức bọn Hiến binh Nhật và lũ “chó”. Ý tưởng hay ho nhưng lực bất tòng tâm. Không lấy đâu ra giây điện không ngấm nước để nối từ bờ ra Tháp Rùa. Cảnh tượng “Ngày 16 tháng 8 năm 1945 nhân dân Thủ đô ở khu vực Bờ Hồ sẽ được nghe những lời kêu gọi nổi dậy chống phát xít Nhật, Pháp…” cứ quay cuồng trong đầu.
Lâm và Thành giả làm người Hải Dương lên các cửa hàng ở Hà Nội mua giây điện, thuê máy phóng thanh. Mọi thứ đã sẵn sàng thì ngày 15 tháng 8 xuất hiện sự kiện mới làm thay đổi mà hai anh gọi là “chiến lược”. Giới công chức của chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn trước cửa Nhà hát lớn vào ngày 17/8/1945 để xác định vị thế, thái độ nói chuyện với Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. Đội thanh niên xung phong Dân chủ thành Hoàng Diệu nhận nhiệm vụ cướp micro, diễn giả tuyên truyền chống phát xít Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tung cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ.
Có hai vấn đề đặt ra là cử diễn giả và phủ lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn từ tầng hai sảnh Nhà hát Lớn, gây ấn tượng mạnh mẽ cho đồng bào và uy hiếp đối phương. Về cử diễn giả, Trần Quảng Vận viết: “Thật là một cảnh tượng cảm động vô cùng khi anh Ch. (quên bí danh) và chị Kính (*), hai người được hân hạnh chọn làm diễn giả lộ vẻ sung sướng ra ngoài mặt.
Anh Ch. có tài thu hút thính giả trong những cuộc bàn cãi. Anh bộc lộ hết lòng tin tưởng trong lời nói, trong dáng điệu, lý luận chắc chắn… Tuy anh chưa nói chuyện trước quần chúng đông bao giờ, nhưng Lâm đã biết năng lực nên đề cử với tiểu tổ để anh làm diễn giả… Chị Kính điềm đạm, ít nói, nhưng khi nói thì dứt khoát, đâu ra dấy, tiếng nói rắn rỏi, giọng miền Trung, nghe rất ngọt tai…”
Tiểu tổ công tác phân công anh Thành phụ trách tổ chức tự vệ, anh Lâm kiếm vải may cờ đỏ sao vàng và rải lá cờ trước sảnh Nhà hát lớn.
Tác giả đặt tít cho phần này là “Say sưa trong công việc” và viết “ Lúc nào Lâm cũng tưởng tượng thấy lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ phủ từ tầng hai Nhà hát lớn xuống tận chân tường. Lâm nhớ lại những giải lụa vàng và đỏ song song từ tầng hai nhà hát rơi xuống đất, trông thật ngoạm mục và long trọng trong buổi nói chuyện của ông Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim cử ra mấy tuần trước.
Trong trí tưởng tượng, Lâm thấy những giải lụa đỏ bằng những lá cờ đỏ sao vàng chói lọi. Chàng vừa làm vừa nghĩ liên miên…Lần này chính tay Lâm sẽ treo cờ trước hàng vạn đồng bào, chứ không để sơ suất như trong buổi xung phong ở rạp hát phố Hàng Da, cuộc diễn thuyết xung phong giữa màn kịch thứ ba, trước mắt non một trăm “chó săn” của Nhật, mình vàng cổ khoang trắng. Lâm tiếc mãi là anh phụ trách treo cờ và lúng túng, và trong đêm tối, vì tắt đèn đã treo lá cờ sau tấm phông che sân khấu, trong lúc diễn giả hùng hồn kêu gọi đồng bào nổi dậy tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo giặc Nhật” ở rạp…
Lần này vinh dự treo cờ sẽ về tay Lâm. Chàng tự hào, sung sướng vô bờ bến…”.Sau nhiều lần tranh luận với Thành, Lâm quyết định sẽ may một lá cờ dài 6 thước, rộng 4 thước.
Tác giả cuốn sách quý dành sự yêu thương đến dịu dàng cho đầu đề nhỏ “Một bàn tay bé nhỏ và lá cờ lịch sử”. Trần Quảng Vận trải lòng: “Thời kỳ đó vải đỏ không sẵn, mua nhiều là lộ chuyện. Lâm đến nhà vị hôn thê (**), một cửa hàng vải, tơ lụa. Từ ngày hoạt động chàng vẫn dấu vợ chưa cưới, một thiếu nữ hiền hậu, có cảm tình với phong trào cách mạng, nhưng chưa đánh đuổi được tính e dè của phụ nữ Việt Nam ít hoạt động. Nàng đoán biết Lâm định dùng vải đỏ làm cờ, nhưng vì kính nể, vì kín đáo nàng không hỏi tò mò mà đi tìm hộ chàng đủ số lụa đỏ và vàng may lá cờ lớn.
Cầm bọc lụa trong tay Lâm nghĩ bụng “Nếu bất hạnh anh có làm sao trong cuộc xung phong này chắc em sẽ ân hận đã mua giúp anh những vật này”. Chàng không dám nói cảm tưởng đó, chỉ nắm thật chặt tay vị hôn thê như để truyền những luồng tư tưởng đó sang nàng. Một bàn tay bé nhỏ cũng xiết chặt tay Lâm. Chàng có cảm tưởng người yêu đã hiểu tấm can tràng, đã có linh tính báo cho biết trước một sự nguy hiểm sắp tới. Hôm ấy là chiều 15 tháng 8, Lâm vội vã đưa vải cho một chị trong tiểu tổ may cờ…”
Ngày 16/8/1945 Lâm cùng Thinh, đồng chí trong Tiểu tổ xung phong đến nhà in ở Hàng Cót in truyền đơn hô hào quốc dân chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Công việc không hoàn hoàn bí mật mà bán công khai. Ba tiếng “Tổng khởi nghĩa” thành tiếng nói chung của đồng bào, như một sức mạnh tuyệt đối. Lâm và Thinh không mang theo tự vệ, không mang theo súng đi thẳng vào nhà in. “Chàng và Thinh đã sùi bọt mép, khi ngọt, khi xẳng với chủ nhà in một tiếng đồng hồ” mà chủ nhà vẫn chưa nghe ra, còn do dự. Lâm tinh quái nghĩ ra một kế “tay đút túi quần, bành ngón tay cái ra cho có vẻ là một khẩu súng ngắn”. Chủ nhà in đành đồng ý, và hôm đó in xong truyền đơn.
Trước cuộc mít tinh chiều 17/8 không khí Hà Nội lạ thường, vừa yên lặng chờ đợi một điều gì đó to lớn lắm sắp diễn ra, vừa bàn luận sôi nổi trong các tụ điểm đông người về lực lượng Việt Minh và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim về hiến binh Nhật có ra tay quyết liệt hay không. Tác giả thuật lại “Có người nơm nớp đoán có sự gì sắp xẩy ra nguy hiểm, nhưng vì tinh thần đã được kích thích nhiều, vì tò mò, cũng có người đi để ủng hộ Việt Minh, không mấy người chịu ở nhà chiều 17/8.
“Suốt buổi sáng (17/8) Lâm bận tíu tít, cũng như Thành và các đồng chí trong tiểu tổ. Chị Kính ngồi riêng một góc buồng, trầm ngâm. Ai nhìn thì chỉ mỉm cười. Chị không bồng bột, sung sướng như khi mới được hân hạnh chọn làm diễn giả. Giờ phút nghiêm trọng gần đến làm chị bồn chồn, tuy chị đã quen vào sinh ra tử. Vì vậy chị cố sức làm ra vẻ bình tĩnh. Chị nhẫm đi nhẫm lại bài diễn văn sắp đọc trước máy truyền thanh… Lâm ghé qua nhà anh Ch trao cho bài diễn văn mới chữa lại cho hợp tình thế và dặn dò giờ họp buổi chiều.
Mọi người thấp thỏm, nóng ruột… song chàng đi mua giây thừng, giây gai để luồn vào mép cờ, buộc vào thành bao lơn trước cửa Nhà hát lớn. Cờ may xong, căng thử ra sàn nhà mới thấy rộng và dài quá chừng, tưởng như phủ được kín một bên Nhà hát lớn…Lâm gói ghém cờ vào một bọc kín, to bằng chiếc vali nhỏ, cất một nơi rồi đi thăm địa điểm”.
“Trước giờ tấn công” Lâm đi dò đường. Tác giả dành hai trang sách miêu tả tỷ mỷ con đường đến Nhà hát lớn. Có cái gì đó đánh vào tâm não, lo lắng, nghi ngờ đến cảnh giác pha chút băn khoăn đến bức bách như không khí trước cơn dông. Phải có 3 người mới thả được cờ, nhưng Lâm mới kiếm được 2 phù hiệu bảo vệ. Chàng đi kiểm tra hết các cửa tầng hai, đánh dấu từng địa chỉ cần thiết trên bản đồ, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo sợ bị lộ. Nếu bị lộ thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ? “Lâm định chợp mắt, nhưng không sao ngủ được. Chàng bồn chồn nghĩ đến lát nữa… Lâm nghĩ đến người thiếu nữ hiền hậu mà chàng yêu tha thiết. Không biết lúc này nàng có biết là chồng chưa cưới sắp xung phong trong một cuộc biểu tình nguy hiểm không?
Có lúc chàng tưởng tượng một dãy liên thanh miệng đen ngòm chỉa vào cửa Nhà hát lớn. Có lúc chàng rùng mình nghĩ đến một cảnh tượng thảm thương: súng Nhật lia quét đám dân chúng thủ đô đông nghịt ở công trường. Nhưng chàng thấy ngay ý tưởng đó là vô lý hết sức, chỉ do đầu óc hoảng hốt tạo ra. Sự thật nếu có nguy hiểm thì chỉ có những đồng chí của chàng và chàng có lẽ sẽ bị Nhật bắn hay bắt mà thôi. Nghĩ vậy chàng hơi yên tâm”
Thiêng liêng, xúc động và rắn rỏi nhất là giây phút được lệnh tấn công. Tác giả viết “Giọng Thành sang sảng như tiếng chuông, rắn rỏi như những nhát búa đập xuống đe:
-Đồng chí Lâm treo cờ, hai đồng chí Ba, Thịnh tự vệ. Địa điểm và phương pháp đồng chí Lâm đã rõ, tùy cơ ứng biến. Đồng chí Lâm sẵn sàng chưa?
Lâm nắm tay giơ ngang thái dương, đứng thẳng người trả lời “Sẵn sàng!”
Thực hiện chủ trương biến cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành cuộc biểu tình biểu dương lực lượng quần chúng cách mạng của Mặt trận Việt Minh thật không dễ dàng chút nào.
Giờ khởi sự quan trọng nhất đã đến. Lâm cùng đồng chí trong tiểu tổ Dân chủ Đảng len lỏi vào Nhà hát. Lâm ôm lá cờ lớn gói kỹ, ngoài phủ áo mưa nên không ai để ý. Theo kế hoạch, sau khi diễn giả nói lời kết thúc thì Lâm tung cờ từ sảnh hai xuống. Lúc này, trước Nhà hát, một bên là đoàn Hướng đạo, một bên là đoàn âm nhạc. Quan sát không thấy sát khí, Lâm cũng hơi yên tâm. Bỗng chàng giật mình đánh thót:
- Để kết luận… chúng tôi…
Diễn giả báo trước giờ khởi sự đã đến. Chàng lùi lại, đưa mắt nhìn hai tự vệ. Nhanh như cắt, hai bạn đứng vào thế thủ, Lâm biến vào phòng sau, rồi lùi ra cầm bọc cờ. Diễn giả vẫn chưa dứt. Lâm lại phải giấu tạm bọc cờ vào bức tường phía trong. Rồi tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Diễn giả vừa ngừng. Lâm vội lôi nhanh lá cờ ra. Mười người đứng trong bao lơn nhìn thấy. Ba rút súng dọa: “Im”. Giọng đanh thép, mắt sáng quắc, môi mím chặt:
- Không ai động đậy.
Diễn giả ngừng. Tiếng reo hò vẫn nổi dậy cuồn cuộn như nước tràn qua đê vỡ xen lẫn tiếng vỗ tay. Tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh” từ trong rừng người phát ra ầm ầm. Tất cả hơn mười vạn đôi mắt đều dán chặt vào lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn vừa tung ra, từ bao lơn nhà hát lớn che kín một khoảng cửa trung tâm. Màu đỏ chói sao vàng tươi thắm làm ngay ngất lòng người thủ đô.
Lâm nhớ mãi ba phút im lặng gần như đứng tim. “Nghe Ch. Nói, không người nào không bị lôi cuốn vì sự hăng hái của chàng, lòng hăng hái lộ ra tiếng nói. Lâm chăm chú nghe như bất cứ một thính giả nào khác. Bỗng tiếng nói im bặt, rồi tiếng lục bục, rồi từ rừng người ồn ào, hỗn độn đưa lên. Lâm chột dạ “biến cố gì chăng?”. Lâm vẫn nghe tiếng Ch. Thét thất thanh “Im, im”. Vô hiệu quả. Tiếng Ch. không vào máy nữa. Linh tính báo cho biết có chuyện không hay xẩy đến. Lâm lùi lại sau. Ba và anh bạn tự vệ vẫn lăm lăm hai khẩu súng trong tay. Một cái đưa mắt hiểu nhau, ba chàng lui vào phòng kính, xuống thang gác… Thoáng nhìn, Lâm hiểu ngay tình thế. Vì Ch. vừa nói vừa làm nhiều điệu bộ, dậm chân khoa tay mạnh quá chạm phải máy truyền thanh, nên máy hỏng. Mấy anh chuyên môn đang loay hoay chữa. Ba bốn nòng súng đen ngòm chĩa vào ngang đầu… Ba phút sao mà dài thế…” Lâm thở hắt như trút gánh nặng trên vai khi tiếng nói phát ra từ hai ống phóng thanh:
“Đồng bào Việt Nam!
Trong tình thế nghiêm trọng, chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bất lực, lại yêu cầu yên lặng chờ đợi lệnh của những viên thủ lĩnh lừng khừng, nhu nhược.”
Hơn mười vạn đôi mắt dán chặt vào diễn giả, như nuốt từng lời. Ch. nói như thét: Giờ này, đồng bào hãy cùng chúng tôi hô to “Việt Nam độc lập”, “Việt Minh vạn tuế”. Tiếng hô “Độc lập”, “Vạn tuế”, “Ủng hộ Việt Minh” vang trời. Diễn giả Ch. đi xuống thì lập tức chị Kính mạnh mẽ bước lên trong tiếng vỗ tay không ngớt. Chị nói rành rẽ: “Hỡi các chị em Việt Nam. Mọi nỗi thắc mắc về tình thế nước nhà chị em đã vừa nghe anh bạn giải thích; nguy khó vẫn nhiều, nhưng biết cương quyết chiến đấu thì sự toàn thắng sẽ về phần ta, Tổ quốc của ta sẽ mở mặt với toàn cầu. Cách mạng Việt Nam thành công. Phụ nữ Việt Nam giải phóng!”. Nhiều chị, nhiều anh nữa lên diễn đàn. “Một thanh niên nhảy lên bục diễn đàn giới thiệu bài TIẾN QUÂN CA kể qua lịch sử oai hùng của nó và chính tác giả cao giọng ca vang”Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới…” Lần đầu tiên TIẾN QUÂN CA chính thức ra mắt quốc dân. Rồi bài Diệt phát xít, Chiến sỹ Việt Nam lần lượt được tung ra làm vang một góc thủ đô.
Sau đó một đại biểu công chức đứng trước máy lúng túng xin lỗi thính giả và khán giả không theo đúng được chương trình, vì xẩy ra “những việc bất ngờ”. Mấy bài diễn văn của các giới bị gác lại. Vị đại biểu công chức yêu cầu giải tái thì bỗng một chiến sỹ cách mạng hô anh em giữa nguyên hàng ngũ đi biểu tình, tuần hành. Tất cả mọi người hưởng ứng. Rừng người từ từ chuyển động. Từ hai ống loa vẫn tung ra những bản hùng ca. Cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, các đoàn thể với biểu ngữ theo sau, thứ tự đi qua các phố. Lâm chạy ra đón đầu đoàn biểu tình ở một góc phố rồi nhanh chóng leo lên vài ba bậc cột điện, một tay bám chặt, một tay bắc loa vào miệng hô : “Ủng hộ” thật to, tức thì tiếng đáp lại “Việt Minh” Mỗi đoàn thể đi qua trước mặt Lâm đều hô ba lần như thế. Đến vườn hoa Hàng Đậu, trời đổ mưa to, nhưng đoàn người vẫn đông thêm, vẫn rầm rập đi trong mưa…”
Khi đưa cho tôi hai tập bản thảo viết tay “Những năm tháng gian nan mà kỳ thú”, nhà báo lão thành Trần Lâm dặn “Nếu thấy chỗ nào cụ thể, miên man quá thì cậu bỏ bớt dùm nhé. Tôi không làm được vì “văn mình vợ người” mà”. Nhưng tôi trả lời ngược lại “Giá như bác thêm nhiều đoạn “miên man” vào các sự kiện lịch sử thì hay lắm ạ. Chính đó là những dòng văn rất báo chí, văn chương mà cũng rất gan ruột của người viết” Ông giãy nẩy “ Này, này, tôi không làm văn nhé, tôi tả thật, nói thật đấy”. Đối chiếu nhiều sách, báo nói về cuộc biểu tình có một không hai chiều 17/8/1945 với “Trước giờ tổng khởi nghĩa” mới thấy tác giả viết thật, nói thật, rất sống động. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định không có cuộc biểu tình đảo chiều ngày 17 tháng 8 thì không có sự kiện lịch sử ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Trần Quảng Vận – Trần Lâm là một nhân vật trong sự kiện và cũng là người góp phần nhỏ bé của mình làm nên sự kiện lịch sử của Dân tộc. Một cuốn bút ký nóng hổi đi cùng sự kiện lớn lao như thể, tác giả không thể quên. Tôi đọc gần hết những tác phẩm của Trần Lâm, đối chiếu với tác phẩm này ngộ ra một điều giản dị, chỉ có “Trước giờ tổng khởi nghĩa” chiến sỹ Đảng Dân chủ trí thức trong đội quân xung phong thành Hoàng Diệu mới nói về tâm trạng cá nhân trước việc lớn, mới nói đến tình yêu tha thiết với người mình yêu say đắm, mới trải lòng chân thành với bạn hữu nhiều đến thế. Ông không muốn mọi người nói nhiều về mình. Bởi vậy nên những dòng trích từ tác phẩm hơi nhiều về chân dung, tâm trạng để hiểu thêm một chút về người chiến sỹ cách mạng, nhà báo lão thành Trần Lâm./.
Chú thích:
(*) Ch.là ông Châu. Chị Kính là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng.
(**) Vị hôn thê là bà Trần Thị Ý, tức phát thanh viên Vân Yến của Đài Tiếng nói Việt Nam, là phu nhân nhà báo lão thành Trần Lâm.
Từ khóa: Trước giờ tổng khởi nghĩa, sách Trước giờ tổng khởi nghĩa
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN