Trung Quốc và tham vọng mạng lưới giao thông trên không

Cập nhật: 14/12/2024

VOV.VN - Mạng lưới giao thông trên không được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mặt đất, đem lại cho người dân đô thị một cách đi lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Nói đến giao thông trên không, có lẽ nhiều người chỉ hình dung ra sự di chuyển của các máy bay thương mại trên bầu trời. Còn một hệ thống giao thông với sự tham gia của các phương tiện di chuyển hàng ngày dành cho người dân, với mô hình tương tự như hệ thống giao thông mặt đất dường như vẫn còn xa vời. Nhưng trong một báo cáo mới đây, Trung Quốc đã đưa ra một thông tin rất ấn tượng, đó là mạng lưới giao thông trên không tại các thành phố lớn ở quốc gia này sẽ cơ bản hình thành trong khoảng từ 2-3 năm tới. Mạng lưới giao thông này được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mặt đất, đem lại cho người dân đô thị một cách đi lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông trên không

Được đưa ra lần đầu vào năm 2010, đưa vào quy hoạch quốc gia lần đầu năm 2021 và đưa vào Báo cáo công tác Chính phủ lần đầu tiên như một lực lượng sản xuất chất lượng mới và động lực mới cho tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2024, nền kinh tế tầm thấp đang bước vào giai đoạn phát triển “thần tốc” ở Trung Quốc sau 14 năm có khái niệm này.

Năm 2024 được gọi là “năm đầu tiên phát triển kinh tế tầm thấp” của Trung Quốc. Trong động thái mới nhất, hôm 18/11, theo thông tin tiết lộ tại Diễn đàn Hàng không Điện Quốc tế 2024 ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này, 6 thành phố đã được chọn thí điểm vận hành máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL), hay còn gọi là taxi bay ở Trung Quốc, gồm Hợp Phì, Hàng Châu, Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Trùng Khánh.

Trung Quốc từng trải qua quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mạnh mẽ của đường cao tốc và đường sắt cao tốc, “kinh tế tầm thấp” được nhận định sẽ là trọng tâm tiếp theo trong “cơn bão cơ sở hạ tầng” của nước này.

Theo “Báo cáo xu hướng phát triển kinh tế tầm thấp” do Liên minh kinh tế tầm thấp Trung Quốc công bố ngày 27/11, trong 2-3 năm tới, mạng lưới giao thông trên không và cơ sở dịch vụ bay mặt đất tại các thành phố lớn chính của nước này sẽ cơ bản hoàn thành.

Việc phát triển giao thông trên không được cho là nhu cầu tất yếu khi dân số đô thị liên tục gia tăng và vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng ở Trung Quốc. Là phương thức vận tải mới giúp các thành phố giải quyết các vấn đề trên trong tương lai, giao thông trên không được đánh giá là có nhiều lợi thế, tiềm năng và có thể đem lại cho người dân đô thị một cách đi lại nhanh hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Trước tiên, giao thông trên không có thể giải tỏa đáng kể vấn đề ùn tắc giao thông mặt đất. Đường sá có hạn, lưu lượng giao thông cao, khiến ùn tắc giao thông trở thành một vấn nạn trong đời sống hàng ngày của người dân đô thị. Giao thông trên không có thể tận dụng không gian phía trên của thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông mặt đất.

Thông qua các phương tiện như thiết bị không người lái và ô tô bay, con người có thể đi lại ở trên không, không chịu sự hạn chế của giao thông mặt đất và rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển.

Ngoài ra, giao thông trên không còn được đánh giá là hiệu quả và linh hoạt. So với phương thức vận tải mặt đất truyền thống, giao thông trên không có thể bay theo đường thẳng, tránh các hạn chế của đèn giao thông, nút giao thông và các phương tiện vận tải mặt đất khác, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả đi lại.

Giao thông trên không còn có thể được sắp xếp linh hoạt theo nhu cầu, tránh bị hạn chế về đường bay, chuyến bay cố định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, giao thông trên không có thể sử dụng năng lượng sạch như điện, năng lượng mặt trời, do vậy có lượng khí thải carbon thấp, giúp giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tất nhiên, giao thông trên không cũng phải đối mặt với một số thách thức và vấn đề, như hệ thống cơ sở hạ tầng trên không, điều tiết và kiểm soát không lưu hay an toàn bay, đặc biệt là vấn đề chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận lợi thế và tiềm năng của giao thông trên không, với tư cách là một phương thức vận tải mới ở các thành phố trong tương lai tại quốc gia tỷ dân.

Ưu thế trong khai thác thương mại phương tiện giao thông trên không

Trung Quốc đang thí điểm rộng rãi việc phát triển kinh tế tầm thấp. Hồi tháng 5, Phoenix Wings, công ty con của công ty giao hàng SF Express, đã sử dụng máy bay không người lái giao một lô vải tươi từ Hải Khẩu, Hải Nam đến Chu Hải, Quảng Đông.

Tháng 8, gã khổng lồ về giao nhận thực phẩm Meituan của Trung Quốc đã triển khai dịch vụ máy bay không người lái (UAV) mang đồ ăn, thức uống và các hàng hóa thiết yếu đến tận tay khách hàng đang dạo bước trên Trường Thành ở ngoại ô Bắc Kinh.

Tháng 10, Meituan cũng triển khai tuyến máy bay không người lái đến cửa khẩu Phú Điền - cảng đất liền nối Hong Kong và Thâm Quyến, giúp người dân Hong Kong có thể đặt đồ ăn và đồ uống thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat hoặc ứng dụng  Meituan. Người mua tại hai địa phương thậm chí có thể hoàn tất đơn hàng trước khi làm thủ tục hải quan, sau khi làm xong, khách có thể đến điểm hạ cánh được chỉ định bên cạnh cửa khẩu để nhận đồ mang đi. Toàn bộ thời gian chỉ mất 10 phút.

Có thể thấy, kịch bản ứng dụng phong phú đang là một lợi thế lớn của Trung Quốc trong phát triển kinh tế tầm thấp và nhiều công nghệ mới khác.

Trong đó, UAV đã trở thành kịch bản trưởng thành nhất ở nước này, với khả năng ứng dụng rộng rãi trong công tác hậu cần, tuần tra giao thông, cứu hộ khẩn cấp, đo đạc và vẽ bản đồ hay vận chuyển hàng hóa.

Công nghệ eVTOL cũng đang dần hoàn thiện và ngày càng có nhiều kịch bản ứng dụng có người lái được phát triển.

Riêng về năng lực sản xuất, đây cũng là thế mạnh của Trung Quốc. Do nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ, nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc, như Ehang, AutoFlight, XPeng Aeroht đã nhanh chóng vươn lên trở thành những công ty chủ chốt trong ngành chỉ trong vài năm.

Cũng theo “Báo cáo xu hướng phát triển kinh tế tầm thấp”, đến năm 2030, thị trường eVTOL của Trung Quốc ​​sẽ vượt 100.000 chiếc. Còn theo công ty tư vấn CCID Consulting của Trung Quốc, ngành công nghiệp eVTOL đã tăng trưởng 77,3% vào năm 2023 ở nước này, đạt 980 triệu nhân dân tệ (hơn 135 triệu USD), quy mô thị trường của ngành này dự kiến sẽ tăng vọt lên mức 9,5 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,3 tỷ USD) vào năm 2026. The Economist - tờ tuần báo nổi tiếng của Anh cũng dự báo, Trung Quốc sẽ chiếm 50% thị trường eVTOL toàn cầu trong tương lai.

Tất nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn sẽ cần được tính toán toàn diện, kỹ lưỡng và thấu đáo hơn, bởi hiện nay do Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm và thí điểm, nên các khu vực không phận thường là khép kín.

Mặc dù vậy, theo truyền thông nước này, trào lưu học bay thể thao đang nở rộ ở Nam Ninh, Quảng Tây, trong đó có các các học viên thế hệ 6X. Điều này đã phần nào cho thấy sự háo hức của người dân Trung Quốc trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức giao thông trên không ở nước này.

Khó khăn và thách thức

Thách thức và khó khăn là điều khó tránh khỏi và cũng không ít khi Trung Quốc tăng tốc phát triển kinh tế tầm thấp, trong đó có mạng lưới giao thông trên không.

Giao thông trên không trong đô thị là kịch bản chính của nền kinh tế tầm thấp. Để xây dựng một đô thị trở thành “thành phố trên không”, ngoài việc quy hoạch khoa học và hợp lý về tài nguyên vùng trời tầm thấp, còn cần phải tạo ra hệ thống “đường trên không” kỹ thuật số và xây dựng các quy tắc giao thông trên không để hỗ trợ các chuyến bay tầm thấp an toàn, có trật tự, thông minh và hiệu quả.

Theo các chuyên gia nước này, hiện tại, sự phát triển kinh tế tầm thấp ở Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và nhìn chung sẽ phải mất 15 năm, thậm chí lâu hơn để đạt đến giai đoạn tương đối trưởng thành. Vấn đề mà nước này gặp phải hiện  nay là mức độ số hóa thấp và cơ sở hạ tầng trọng yếu chưa hoàn thiện.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu bay ở độ cao thấp, mâu thuẫn giữa tài nguyên vùng trời tầm thấp cực kỳ hạn chế ở các khu vực thành thị với nhu cầu ngày càng tăng về không gian cho các chuyến bay tầm thấp cũng sẽ trở thành vấn đề nổi cộm. Không vực tầm thấp sẽ là vấn đề hàng đầu mà Trung Quốc cần gấp rút giải quyết trong quá trình phát triển ngành kinh tế này.

Những thách thức về quản lý cũng là bài toán đặt ra trong quá trình thiết lập hệ thống dịch vụ vận tải tầm thấp.

Ngoài việc nghiên cứu và phát triển các loại thiết bị bay thông minh hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn, cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng mặt đất, để đẩy nhanh việc hiện thực hóa bức tranh “bay” đối với người dân, việc thiết lập một hệ thống dịch vụ giao thông tầm thấp tốt là điều cần thiết. Đây cũng là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu về hiệu suất của nền kinh tế tầm thấp khi đã phát triển thành quy mô và việc đảm bảo an toàn vận hành.

Một khó khăn khác, theo ông La Quân, Chủ tịch điều hành Liên minh kinh tế tầm thấp Trung Quốc, đó là “không có mô hình kinh doanh đã trưởng thành nào để nền kinh tế tầm thấp Trung Quốc có thể học hỏi từ nước ngoài”.

Mặc dù vậy, theo dự báo của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, đến năm 2025, quy mô thị trường kinh tế tầm thấp của Trung Quốc sẽ lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ, khoảng 206 tỷ USD. Đến năm 2035, con số này sẽ đạt 3.500 tỷ nhân dân tệ, hơn 480 tỷ USD.

Có thể thấy, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm để có hình thành một mạng lưới giao thông trên không như một phần trong phát triển hạ tầng đô thị, từ quy hoạch không gian, xây dựng các quy tắc giao thông đến phát triển các loại phương tiện phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Nhưng có thể thấy mục tiêu hình thành mạng lưới giao thông này trong vòng 2-3 năm tới là một kế hoạch đầy tham vọng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết bài toán ách tắc giao thông hóc búa tại nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Từ khóa: Trung Quốc, giao thông trên không,Công nghệ eVTOL

Thể loại: Thế giới

Tác giả: bích thuận/vov-bắc kinh

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập