Trung Quốc mở chuyên ngành hôn nhân nhằm ngăn “lười kết hôn và ngại sinh con”
Cập nhật: 19/08/2024
Lệnh ngừng bắn ở Lebanon -“tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột Trung Đông? (28/11/2024)
Indonesia lý giải nguyên nhân và chiến lược thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (28/11/2024)
VOV.VN - Lần đầu tiên mở ngành đào tạo chuyên gia hôn nhân, Trung Quốc muốn cứu vãn tình trạng “lười kết hôn, ngại sinh con” ở nước này.
Trường Đại học Nghề Dân chính thuộc Bộ Dân chính Trung Quốc, được Bộ Giáo dục Trung Quốc cho phép mở chuyên ngành đại học về hôn nhân đầu tiên của Trung Quốc. Hiện có 70 sinh viên đăng ký theo học ngành này trong năm nay.
Việc một trường đại học mở chuyên ngành đầu tiên về hôn nhân có thể cho thấy một thực trạng là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn xu hướng suy giảm dân số, giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số đang hiện hữu. Khoảng 300 triệu người Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ hưu trong thập kỷ tới – tương đương với dân số của Mỹ.
Bên cạnh đó, năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp dân số Trung Quốc sụt giảm do tỷ lệ sinh thấp, đẩy nhanh quá trình già hóa dân số và điều này sẽ có tác động lâu dài và sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, giới trẻ Trung Quốc đa phần đều thích lựa chọn sống độc thân hoặc trì hoãn việc kết hôn do triển vọng trong việc làm kém, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn ở mức cao và niềm tin tiêu dùng thấp khi tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chậm lại.
Theo các thông tin liên quan, chuyên ngành này tập trung vào biên giới phát triển của lĩnh vực hôn nhân, phổ biến văn hóa hôn nhân và gia đình; thúc đẩy cải cách phong tục hôn nhân; bồi dưỡng những sinh viên có chiều sâu và tầm nhìn đa văn hóa, có kiến thức và năng lực nghiên cứu, nắm vững các kỹ năng quản lý đăng ký kết hôn, tư vấn hôn nhân và gia đình, lập kế hoạch cho việc tổ chức các đám cưới cao cấp; thiết kế và phát triển sản phẩm mai mối, đồng thời có khả năng tham gia vào dịch vụ hôn nhân và gia đình trọn chu kỳ.
Với việc chuyên ngành này ra đời, các sinh viên tốt nghiệp sẽ là những người tiên phong trong công tác thúc đẩy người dân kết hôn, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Bên cạnh đó, sẽ là những người tuyên truyền loại bỏ những phong tục cưới xin lạc hậu, ví dụ như tình trạng đòi sính lễ cao, giúp người dân giảm áp lực khi kết hôn.
Theo số liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố, số cặp đôi mới cưới tăng lên 7,68 triệu vào năm 2023. Con số này cao hơn 845.000 cặp so với năm 2022. Dữ liệu này được đưa ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cam kết vào tháng 3 rằng chính phủ Trung Quốc sẽ nỗ lực hướng tới “một xã hội tạo điều kiện hết mức cho các cặp vợ chồng sinh con và thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng, lâu dài”, cũng như giảm chi phí sinh con, nuôi dạy và giáo dục con cái.
Có thể thấy, việc nhà trường và nhà nước cùng tập trung vào công tác thúc đẩy hôn nhân sau dấu hiệu tỷ lệ kết hôn tăng, mang lại hy vọng tỷ lệ sinh sẽ được cải thiện, giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc già hóa dân số, ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.
Ấn Độ đã vượt lên Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái. Dân số Trung Quốc tính cuối năm 2023 giảm nhanh trong năm thứ 2 liên tiếp, với số ca sinh giảm mạnh xuống mức chỉ tương đương 50% tổng số ca sinh trong năm 2016. Trong khi số người kết hôn giảm xuống mức kỷ lục năm 2022. Năm 2021, nước này bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ 3. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa cải thiện được tình trạng suy giảm nhân khẩu học.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ sinh giảm là do chi phí sinh hoạt tăng cao cũng như số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động và theo đuổi giáo dục đại học ngày càng tăng, người trẻ tuổi ít quan tâm đến việc ổn định cuộc sống so với các thế hệ trước đó.
Để đối phó với tình trạng dân số giảm, thời gian tới, Trung Quốc sẽ cải thiện chính sách hỗ trợ gia tăng tỷ lệ sinh. Trong báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng phát triển năm 2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ hướng đến việc thiết lập môi trường sinh và nuôi dạy con “thân thiện” để thúc đẩy tỷ lệ sinh, đảm bảo cân bằng giới tính, giảm chi phí chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục.
Nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, cả chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã, đang và sẽ khởi xướng nhiều kế hoạch khác nhau, chẳng hạn như hoàn thiện hơn nữa chính sách về chế độ nghỉ phép của cha mẹ, cải thiện cơ chế chia sẻ với các chủ doanh nghiệp các chi phí liên quan đến người lao dộng và phát triển hơn nữa các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó là khuyến khích thanh niên kết hôn, sinh thêm con, hỗ trợ tài chính khi sinh con. Nhiều thành phố còn đưa ra các sáng kiến mai mối khác nhau, có nơi còn tiến xa đến mức lập cơ sở dữ liệu những cư dân chưa kết hôn, theo dõi tình trạng của các đôi hẹn hò, giúp họ giải quyết các vướng mắc và cuối cùng tiến tới hôn nhân.
Dưới các chính sách dân số đúng đắn của nhà nước, tỷ lệ sinh của Trung Quốc có tăng hay không còn phụ thuộc vào ý thức của những người trẻ tuổi đang trong độ tuổi kết hôn, cũng như mong muốn có thêm con hay không của từng hộ gia đình.
Từ khóa: hôn nhân, trung quốc, chuyên ngành hôn nhân, chuyên gia hôn nhân, đào tạo về hôn nhân, lười kết hôn, ngại sinh con, dân số giảm, dân số trung quốc
Thể loại: Thế giới
Tác giả: tuấn đạt/vov-bắc kinh
Nguồn tin: VOVVN