Trực tiếp: Quốc hội thảo luận Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số
Cập nhật: 01/11/2019
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
VOV.VN -Trước phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.
Hôm nay 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; thảo luận dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp ngân sách Nhà nước, việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp
Quốc hội thảo luận Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số |
Góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên, đồng thời ban hành chính sách phải đi đôi với nguồn lực thực hiện.
Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn tới 1 nghìn 957 xã và 20 nghìn 176 thôn đặc biệt khó khăn. Đây là khu vực còn tồn tại "5 nhất" so với cả nước : vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; và tỷ lệ người nghèo cao nhất.
Việc Quốc hội dự kiến thông qua Đề án phát triển xã hội vùng đặc biệt khó khăn được các đại biểu Quốc hội đồng tình và nhận định đây là một bước tiến lớn. Trong đó, vấn đề đặt ra là tạo cơ sở hàng lang pháp lý hiệu quả để thúc đẩy phát triển khu vực này. Điểm mới của Đề án là Quốc hội ban hành chính sách và sau đó bố trí nguồn lực đảm bảo cho Đề án hoạt động có hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng, thách thức khó khăn lớn nhất của đề án lần này là tạo ra cơ chế chính sách phát huy tính tự chủ của người dân .
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn Hòa Bình phân tích: “Cần thực hiện như thế nào để cùng với các nguồn lực của nhà nước, xã hội đầu tư phải khơi dậy được tính tự chủ, coi người dân là trung tâm thì Đề án mới thực sự đạt được hiệu quả, phát triển một cách bền vững những chính sách hỗ trợ, chính sách tạo điều kiện, thậm chí là đầu tư về cơ sở hạ tầng, bởi nếu người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn không phát huy nội lực của mình để bắt kịp được các mục tiêu, chính sách mà chỉ là trông chờ rồi mong muốn nguồn lực từ bên ngoài thì khi kết thúc chương trình sẽ không thu được kết quả như mong đợi”.
Một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Vùng miền núi dân tộc thiểu số có những văn hóa riêng. Vì vậy giải pháp phải tôn trọng văn hóa cũng như tập quán của họ. Dựa vào đó đưa vào những giải pháp làm sao họ có thể giữ được tập tục, tập quán để tồn tại trong văn hóa dân tộc. Thứ hai làm thế nào phát triển nghề của mình, giúp người dân ở đó phát triển, tránh việc người dân phải di dân, tha hương rồi chúng ta mới đưa ra những giải pháp nhưng không hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, Đề án và quyết tâm thực hiện để nâng cao đời sống thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn là hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu chủ trương đúng mà quá trình thực thi chưa tốt thì hiệu quả cũng sẽ không được cao.
“Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách cụ thể, tuy nhiên phải nói rằng trong quá trình tổ chức thực hiện còn những mặt khiếm khuyết đó là: vấn đề con người, tài chính, tôi cho rằng cốt lõi đó là vấn đề tài chính. Cho nên lần này tôi nghĩ là Chính phủ cũng phải có phân kỳ dự trù ngân sách phân bổ vốn là trung và dài hạn để đầu tư quyết liệt cho vùng miền này mà đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, xã hội”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, để Đề án Phát triẻn kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn phát huy hiệu quả, cần phải đặt mục tiêu phát triển trong tổng hòa các yếu tố, kinh tế- văn hóa- xã hội- an ninh- quốc phòng, từ đó phát huy lợi thế từng vùng, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi./.
Từ khóa: quốc hội, kinh tế- xã hội, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN