VOV.VN - Thông tin nhanh từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.4 độ Kinh Đông, nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11.
10:22
Thông tin nhanh từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.4 độ Kinh Đông, nằm trên đất liền ven biển giữa Hưng Yên và Ninh Bình.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.
10:11
Cảnh sát đường thủy Phú Thọ tăng cường hướng dẫn người dân trên các sông, Hồ Hòa Bình, Hồ Đại Lải phòng chống cơn bão Wipha
Nhóm PV Phi Long – Sỹ Thành đang có mặt tại Phú Thọ đưa tin: Trước diễn biến phức tạp và cường độ mạnh của cơn bão số 3 (bão WIPHA), lực lượng Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa.
Để ứng phó với cơn bão số 3, Đội Cảnh sát đường thủy trực 100% quân số; đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, đã bố trí 3 tàu tuần tra, 21 xuồng máy công suất từ 40 đến 115 HP và hơn 1000 áo phao, phao tròn, dụng cụ nổi, thiết bị cứu sinh, cứu đắm…
Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ quản lý, lực lượng Cảnh sát đường thủy còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu dự phòng để hoạt động, phối hợp ứng phó trong mùa lũ bão; tăng cường kiểm tra các bến đò, bến phà, tàu thuyền vận tải, các phương tiện nuôi trồng thủy sản... nhắc nhở, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Đội Cảnh sát đường thủy đã tiến hành tuyên truyền, ký cam kết đối với 36 chủ bến khách ngang sông, 292 phương tiện thuyền chở khách tại Hồ thủy điện Hòa Bình và Hồ Đại Lải, hơn 600 chủ phương tiện tàu chở hàng và người dân sinh sống trên sông... yêu cầu neo đậu đảm bảo an toàn. Lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát đường thủy khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, chủ động tìm chỗ trú ẩn, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; tuyệt đối không cho phương tiện tàu thuyền lưu thông khi cơn bão chưa tan.
09:56
Phóng viên Vũ Lợi, VOV Tây Bắc thông tin: Do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm qua đến rạng sáng nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra mưa lớn toàn tỉnh. Tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (cũ) nay là xã Thanh Yên, tỉnh Điện Biên, mưa lớn đã làm cầu treo Pa Thơm bị đứt.
Cầu treo Pa Thơm bị đứt.
Theo người dân tại hiện trường cho biết, vào khoảng 8h30 cầu treo Pa Thơm nối bản Pa Xa Lào đi các bản Huổi Moi, Púng Bon bị đứt 1 bên dây văng. Thời điểm này có 1 xe ô tô bán tải và 1 xe máy đang qua cầu. Chiếc xe ô tô bị rơi thẳng xuống sông Nậm Núa, trong xe có 3 người, xe máy bị rơi xuống phần đất phía dưới cầu. Người đi xe máy bị thương nhẹ, 3 người trong ô tô được người dân cứu kịp thời nhưng bị thương khá nặng và đang được đưa đi cấp cứu.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành phong tỏa hiện trường, phân luồng giao thông và tìm kiếm chiếc xe bị rơi.
Phóng viên Trường Giang/VOV Đông Bắc thông tin: Mưa to và gió cấp 6-7, có nơi giật cấp 8-9 suốt đêm và rạng sáng nay ảnh hưởng đến khiến nhiều khu vực ven biển và nội địa tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù công tác phòng chống bão số 3 cơ bản được đảm bảo, toàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại lớn nhưng rải rác vẫn có cây xanh gãy đổ, một số mái tôn, biển quảng cáo bị lật, rơi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và cản trở công tác ứng cứu khẩn cấp.
Bộ đội biên phòng Đảo Trần (đặc khu Cô Tô) dọn dẹp cây cối gãy đổ và giúp người dân dựng lại các công trình bị ảnh hưởng do bão
Nhiều phường xã tại đặc khu Vân Đồn, ven biển Hạ Long và Quảng Yên đều ghi nhận cây xanh cỡ nhỏ gãy đổ. Từ rạng sáng nay, các lực lượng chức năng đã khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo giao thông thông suốt.
Các tổ công tác và phương tiện các lực lượng công an, quân đội, biên phòng chia thành nhiều mũi tuần tra, khảo sát và dọn dẹp cây xanh gãy đổ, xử lý các điểm mất an toàn. Tại một số điểm đồi núi có tình trạng sạt trượt taluy dương cũng đã được triển khai khoanh vùng, chăng dây cảnh báo nguy hiểm và dọn dẹp sơ bộ phần lòng đường, đảm bảo lưu thông thông suốt.
Cảnh sát PCCC dọn dẹp cây xanh gãy đổ tại các tuyến phố trung tâm TP Hạ Long cũ
09:43
Phóng viên Bá Thăng/VOV.VN tại Nghệ An thông tin: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to. Tại xã miền núi Nhôn Mai, từ ngày 21/7 đến thời điểm này mưa liên tục, tình trạng sạt lở đất đá trên địa bàn xã này đã tiến sát một số hộ dân.
Trước nguy cơ mất an toàn do núi Phà Mạt xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 300m, có những đoạn độ hở vết nứt lên tới 1,5m. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND xã Nhôn Mai đã quyết định di dời khẩn cấp 19 hộ dân của bản Xói Voi với 68 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đến nhà văn hóa của bản để tránh trú.
Di dời người dân đến khu vực an toàn
Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng chuẩn bị công tác hậu cần, làm giường tạm, hỗ trợ bà con di dời đến khu vực an toàn. Mưa to kèm theo gió lớn tại bản Phá Kháo đã làm tốc mái 15 nhà dân. Hiện tại, xã Nhon Mai đang huy động lực lượng cùng người dân khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của bão số 3, xã đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó với bão, đặc biệt là mưa, lũ, sạt lở sau hoàn lưu bão. Đây là địa bàn xã thường xảy ra sạt lở, lũ quét. Tháng 5 vừa qua, tại xã nãy cũng xuất hiện lũ quét gây thiệt hại lớn.
09:38
Theo ghi nhận của phóng viên Hải Hà và Đinh Trung/VOV.VN: Tại xã Trần Phú, thành phố Hà Nội (gồm 6 xã thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức trước đây) là vùng đất trũng nằm sát sông Bùi – vốn từ lâu đã được mệnh danh là “vùng rốn lũ” của Hà Nội. Trong mùa mưa bão những năm trước, mưa lớn kết hợp xả lũ từ các hồ thủy điện đã nhấn chìm hàng trăm héc-ta hoa màu, nhà cửa của người dân cả tháng.
Lãnh đạo xã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú, hiện nay chính quyền địa phương đã kích hoạt phương án phòng chống thiên tai cấp độ cao. Về lực lượng ứng phó tại chỗ, xã huy động 1.200 đồng chí từ dân quân tự vệ, lực lượng xung kích xã, ban, ngành đoàn thể xã và các thôn, căn cứ tình hình mức độ rủ do huy động tăng cường lực lượng theo từng cấp độ.
Vùng trũng đang gấp rút gia cố bờ bao, khơi thông cống rãnh, di chuyển tài sản, vật nuôi lên cao. Trạm bơm dã chiến được đặt tại các điểm xung yếu. Hệ thống cảnh báo lũ, tin nhắn khẩn cấp cũng được kích hoạt đến từng hộ dân.
09:35
Phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN đang có mặt tại Ninh Bình đưa tin:
Tại xã Hải Hậu, tỉnh Ninh Bình, mưa lớn kéo dài, ngập cục bộ một số cánh đồng. Lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ ngập úng cục bộ tại một số khu vực sản xuất.
Để chủ động ứng phó, từ 5h sáng 22/7, lực lượng xung kích, cán bộ UBND xã Hải Hậu đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa các tuyến giao thông chính, khu dân cư, trường học và các cánh đồng lúa. Qua kiểm tra, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống giao thông, hạ tầng, công trình thủy lợi vẫn an toàn, không ghi nhận sự cố nghiêm trọng. Mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại một số cánh đồng lúa. Khu vực dân cư, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã không xảy ra ngập úng.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hải Hậu, cho biết: “Xã đã chủ động phương án phòng chống thiên tai ngay từ đầu mùa mưa bão, tổ chức lực lượng trực 24/24h tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý sự cố. Hiện nay mưa lớn gây ngập một số diện tích lúa, tuy nhiên toàn bộ hệ thống giao thông, hạ tầng, khu dân cư đều an toàn, người dân vẫn sinh hoạt, sản xuất bình thường. Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, mực nước để kịp thời vận hành hệ thống tiêu úng, hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân”.
09:24
Hà Nội sẽ có mưa lớn gây nguy cơ gãy đổ cây xanh, ngập úng đô thị
Phóng viên Văn Ngân/VOV.VN có mặt tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin: Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Bộ cho biết, trong 24h qua, thành phố Hà Nội có mưa vừa, cục bộ có mưa to.
Lượng mưa từ 7h ngày 21/7 đến 7h ngày 22/7 phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi lớn hơn như ở Hương Sơn lên tới 58,2mm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Bộ
"Trong 24 đến 48h tới, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ sáng 22/7 đến sáng 23/7 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 40 - 120mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều 23/7 có mưa, mưa vừa và có nơi có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ chiều 24 đến 25/7, thành phố Hà Nội có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 30 - 50mm, có nơi trên 80mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1", ông Nguyễn Văn Hiệp nhận định.
Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng. Làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường và giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông.
Dự báo lượng mưa tại các khu vực ở Hà Nội
09:18
Cán bộ chiến sỹ công an phường Tân Hoà hỗ trợ người dân sơ tán tránh ảnh hưởng của cơn bão số 3
Nhóm PV Phi Long – Sỹ Thành đang có mặt tại Phú Thọ đưa tin: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn khu vực thượng nguồn, dẫn đến nước lũ trên các sông dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản, vật nuôi, lực lượng Công an phường Tân Hoà đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể, nhân dân hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời tài sản, vật nuôi và sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Đến nay, Công an phường Tân Hoà đã di dời 12 hộ với 60 nhân khẩu ra khỏi nơi có nguy cơ mất an toàn đến các nhà văn hóa trên địa bàn phường đảm bảo an toàn, cung cấp đồ ăn, nơi ngủ nghỉ trong thời gian sơ tán cho toàn bộ người dân. Đồng thời đảm bảo nơi chứa tài sản, vật nuôi an toàn trong thời gian di dời để nhân dân yên tâm thực hiện phòng chống bão lũ.
09:16
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Ngọc Hòa - Lê Thanh/VOV.VN: Đến thời điểm hiện tại các xã ven biển thuộc xã Thái Thuỵ, tỉnh Hưng Yên, thời tiết không mưa, có gió to nhưng trời nắng.
Chính quyền xã Thái Thuỵ vẫn túc trực, kiểm tra nhắc nhở bà con không được chủ quan vì đây là những dấu hiệu thời tiết thường xuất hiện trước khi bão vào đất liền.
09:14
Phóng viên Dương Thuật/VOV ghi nhận tại quận Long Biên (cũ), Hà Nội: Sáng 22/7 có mưa nhỏ kèm theo gió giật. Dù vậy, nhiều người dân vẫn tập thể dục tại công viên Ngọc Thụy và công viên Long Biên.
Cây xanh gãy đổ ở công viên Ngọc Thụy
Cây xanh gãy đổ ở phố Vạn Hạnh
Do ảnh hưởng của bão số 3, gió giật mạnh đã quật đổ một số cây xanh trên phố Vạn Hạnh (phường Việt Hưng) và trong công viên Ngọc Thụy (nay thuộc phường Bồ Đề). Các cây bị bật gốc đều là cây xanh mới trồng, chưa bén rễ vững nên không trụ được trước sức gió mạnh.
09:02
Nhóm phóng viên Tiến Dũng – Văn Giang/VOV.VN đang có mặt tại tỉnh Bắc Ninh thông tin: Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của rìa phía Tây hoàn lưu cơn bão số 3, tại tỉnh Bắc Ninh có gió mạnh.
Tại các khu vực phường, xã và vùng lân cận như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Lương Tài - gió mạnh dần cấp 4, cấp 5, giật cấp 6, cấp 7. Dự báo tác động của mưa lớn sẽ gây ngập úng cây trồng, khiến cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.
Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi các xã: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.
Theo ghi nhận sáng ngày 22/7 tại lưu vực sông Cầu địa phận tỉnh Bắc Ninh, gió thổi mạnh, mực nước có biến động nhẹ, trời nhiều mây, chưa mưa. Đặc biệt người dân đã hạn chế ra đường để tránh khi cơn bão số 3 đổ bộ.
08:58
Ghi nhận của nhóm phóng viên Lê Hải - Hoàng Thuyên tại Thanh Hóa: Do ảnh hưởng cón bão số 3, đêm 21, rạng sáng ngày 22/7 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa lớn, kéo dài nên đã gây ngập một số tuyến đường, phố.
Với sức gió chưa lớn nhưng đã xuất hiện nhiều cây bị bật gốc, nằm chắn ngang đường, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Khu vực ven biển gió nhẹ, mưa khá lớn và kéo dài suốt đêm đến sáng nay. Các tuyến phố ven biển được dung để tập kết tầu thuyền của ngư dân, các hoạt động kinh doanh buôn bán tạm dừng hoạt động.
08:53
Nhóm PV Phi Long – Sỹ Thành đang có mặt tại Phú Thọ đưa tin: Tại một số nơi thuộc các phường của TP Việt Trì cũ, nhất là xung quanh hồ Văn Lang, tranh thủ thời tiết đẹp, nắng và gió nhẹ, nhiều người dân ra tập thể dục và tranh thủ câu cá.
Người dân ra chơi tại hồ Văn Lang.
Một số người dân cho biết, đã được nghe, thông tin về cơn bão số 3 là cơn bão mạnh. Tuy nhiên, có thể Phú Thọ chỉ là vùng bị ảnh hưởng, không phải nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp nên việc phòng tránh cũng không đến mức căng thẳng như ở một số địa bàn ven biển, nơi bão đổ bộ.
Tuy nhiên, cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, nên mọi người vẫn cần lưu ý và cảnh giác.
08:35
Phú Thọ đã sơ tán 229 hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn
Nhóm phóng viên Phi Long - Sỹ Thành đang có mặt tại Phú Thọ đưa tin: Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tính đến 7h sáng 22/7 trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các xã, phường đã sơ tán 229 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Cụ thể: sơ tán 30 hộ xóm Bãi Khoai, xã Dũng Tiến (Mỵ Hoà cũ); 2 hộ xóm Thia, phường Tân Hoà (xã Yên Mông cũ); sơ tán 7 hộ xóm Khả, xã Nật Sơn (xã Hùng Sơn cũ); 2 hộ xóm Thăm, xã Mường Hoa (xã Suối Hoa cũ); Sơ tán 59 hộ xóm Dài, xã Mường Vang (xã Tuân Đạo cũ); 36 hộ xóm Thanh Mai, xã Mai Hạ (xã vạn Mai cũ); sơ tán 6 hộ xã Đà Bắc (2 hộ xóm Ngù xã Hiền Lương cũ, 04 hộ xóm Tràng, xã Tú Lý cũ); Sơ tán 63 hộ xã Mường Động; 8 hộ, xóm Chanh, xã Kim Bôi; 16 hộ, xóm Can Thượng, xã Cao Phong.
Công tác triển khai ứng phó và khắc phục thiệt hại, UBND tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3. Lãnh đạo các xã và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và TKCN các xã, phường đã huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân sơ tán đến nơi an toàn.
Được biết, từ 19h ngày 21/7 đến 7h ngày 22/7 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa tại một số trạm: An Bình (xã An Bình): 93,6mm; Yên Trị (xã Yên Trị) 64,6mm; BQL Ngọc Sơn (xã Lạc Sơn): 64,4mm; Hồ Cạn Thượng (xã Xuân Lãng): 63,0mm; Kim Tiến (xã Kim Bôi): 62,8mm; Đoàn Kết (xã Yên Trị): 62,2mm; Yên Thủy (xã Hàng Trạm) 58,0mm; Vĩnh Đồng (xã Kim Bôi) 55,2mm; Thủy điện Miền Đồi 54,8mm; Độc Lập (xã Độc Lập) 52,2mm; Lạc Lương 51,4mm... các trạm còn lại trong tỉnh có mưa nhỏ đến mưa vừa, lượng mưa từ (2-50)mm.
08:28
Phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN đang có mặt tại Ninh Bình đưa tin: Đến 8 giờ sáng nay (22/7), mực nước biển tại khu vực Hải Thịnh đã cao hơn so với thời điểm 6 giờ sáng và đã dâng đến chân đê tại một số vị trí.
Lực lượng công an, quân sự, dân quân và các đơn vị chức năng vẫn đang duy trì lực lượng trực tại các điểm xung yếu, thường xuyên kiểm tra hiện trạng thân đê, kịp thời gia cố những vị trí có dấu hiệu thấm, rò rỉ.
Hiện nay, nước đã vào đến chân đê nhưng toàn tuyến đê biển, đê sông vẫn đang an toàn, chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng.
Lực lượng phòng chống thiên tai tại chỗ đang sẵn sàng phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mọi tình huống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai địa phương tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra khu vực ven đê, bãi biển để đảm bảo an toàn, đồng thời theo dõi sát các thông tin tiếp theo từ chính quyền địa phương.
08:13
Bão số 3 đang ở ven biển các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 22/7, tâm bão ở khoảng 20,2°N; 106,7°E (ven bờ biển Hải Phòng–Ninh Bình). Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75–88km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 3, tại các đặc khu ven biển đã có gió mạnh: Bạch Long Vĩ cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà cấp 8; Tiên Yên cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn cấp 6, giật cấp 8
Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An có mưa vừa đến rất to, phổ biến 70–150mm, có nơi >200mm.
Dự báo 19h ngày 22/7 bão số 3 trên đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hoá, cấp 6, giật cấp 8; 7h ngày 23/7 bão trên Thượng Lào và suy yếu thành vùng áp thấp
Do ảnh hưởng của bão, Bắc vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu): gió cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 12; sóng cao 2–4m, vùng gần tâm bão 3–5m; biển động rất mạnh. Nam vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư): gió cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng cao 2–4m; biển động mạnh.
07:49
Phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN đang có mặt tại Ninh Bình đưa tin: Tại Xã Kim Đông, Ninh Bình chủ động ứng phó với bão, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh.
Sáng 22/7/2025, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Lê Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Kim Đông, tỉnh Ninh Bình cho biết đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị ứng phó với bão đã được xã triển khai nghiêm túc theo 5 công điện chỉ đạo của tỉnh.
Theo ghi nhận, trời mưa suốt đêm, đến khoảng 5h30 sáng nay, mưa to hơn kèm theo gió mạnh cấp 6-7, giật trên cấp 7. Xã Kim Đông đã bố trí lực lượng trực 24/24, kiểm tra các điểm xung yếu, cử lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời rà soát các hộ dân tại khu vực vùng trũng có nguy cơ ngập lụt để sẵn sàng phương án di dời khi cần thiết.
Lãnh đạo xã Kim Đông tiếp tục bám sát diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật thông tin để chỉ đạo kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
07:40
Phóng viên Lê Hải - Hoàng Thuyên có mặt tại tỉnh Thanh Hoá phản ánh: Do ảnh hưởng của con bão số 3, đêm 21, rạng sáng 22/7, tỉnh Thanh Hoá có mưa lớn, gió nhẹ. Mới đầu giờ sáng nhưng trên các tuyến đường chính của tỉnh Thanh Hoá đã xuất hiện nhiều điểm ngập, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Mưa lớn gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường ở Thanh Hóa
Đại Lộ Lê Lợi đã xuất hiện cây đổ, đường ngập nước do ảnh hưởng gió, mưa từ đêm qua
07:35
Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN thông tin: Sáng nay tại Hà Nội trời nhiều mây, gió mạnh nhưng sinh hoạt của người dân vẫn bình thường.
Người dân Hà Nội vẫn tập thể dục ở Bờ Hồ
Sáng 22/7, thời tiết khu vực Hà Nội ghi nhận nhiều mây và gió mạnh. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ các trạm đo mưa tự động, lượng mưa tại đa số địa bàn không lớn. Ngoại trừ một số điểm như Mỹ Đức và Hai Bà Trưng có lượng mưa vượt ngưỡng 60mm, phần lớn các khu vực khác chỉ ghi nhận lượng mưa phổ biến dưới 50mm.
Dự báo trong khoảng thời gian từ 5h đến 6h30 sáng, thời tiết tại các phường nội thành như Hai Bà Trưng Hoàn Kiếm,... thời tiết mát mẻ, không có mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tập thể dục ngoài trời.
Ghi nhận tại các công viên và vườn hoa như Pasteur, Tràng Tiền, bờ hồ Hoàn Kiếm… nhiều người dân đi bộ, chạy bộ và đạp xe nhộn nhịp như thường lệ.
Ông Thanh một người dân ở Bạch Đằng cho biết: "Đối với tôi chạy bộ buổi sáng là thói quen hàng ngày. Biết là mưa bão có thể nguy hiểm, nhưng sáng nay trời không mưa lớn, đường khô nên tôi tranh thủ làm vài vòng cho khỏe người".
Quán nước vỉa hè trên phố cổ vẫn đông người trò chuyện.
Tại khu vực phố cổ, các hoạt động sinh hoạt diễn ra bình thường, không bị xáo trộn bởi thời tiết. Những quán nước vỉa hè vẫn đông người đàn ông ngồi trò chuyện, các hàng ăn sáng như phở Lâm Hàng Vải, bún riêu, bún mọc... vẫn đỏ lửa phục vụ thực khách. Không khí sinh hoạt sáng đầu tuần vì thế vẫn giữ nhịp quen thuộc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3.
07:17
Phóng viên Cao Thắng/VOV.VN đang có mặt tại Thái Nguyên thông tin: Lúc 7h sáng nay tại Thái Nguyên bắt đầu có gió nhẹ, mưa lất phất.
Hiện công tác chuẩn bị phòng chống bão lũ ứng phó với cơn bão số 3 đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai quyết liệt, đặc biệt các tổ dân phố được chính quyền gửi công văn qua nhóm Zalo thông báo đến từng hộ gia đình để chuẩn bị các phương án tốt nhất ứng phó với bão số 3 với phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt cảnh báo người dân không ra ngoài khi bão về nếu không cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng.
Hiện các sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn diễn ra bình thường.
Mọi hoạt động của người dân ở Thái Nguyên vẫn diễn ra bình thường vào sáng nay
Theo dự báo của Đài KTTV tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ 21/7 đến đêm 23/7, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 150mm, có nơi trên 200mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc. Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng. Làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường và giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông.
07:01
Tin nhanh về diễn biến bão số 3
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 6h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 106.9 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 170 km về phía Nam Tây Nam, cách Hải Phòng khoảng 60 km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 50 km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 70 km về phía Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (89-102 km/h), giật cấp 13.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin: Sáng sớm nay, bão số 3 đã tiến sát đất liền khu vực Bắc Bộ nước ta. Tính đến 6h sáng nay, vị trí tâm bão cách Hưng Yên - Ninh Bình khoảng 70km, cách Thanh Hóa khoảng 100km.
Dự báo sau 10h sáng nay, bão số 3 sẽ đi vào đất liền, khu vực Nam Hải Phòng và Ninh Bình. Với cường độ khoảng cấp 9 giật cấp 10-11, sâu trong đất liền cường độ khoảng cấp 6-7 giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đã gây ra mưa rất lớn cho các tỉnh ven vịnh Bắc Bộ từ hôm qua, 21/7 đến hôm nay, với lượng mưa cục bộ có nơi lên đến trên 200mm.
Dự báo, cường độ mưa tiếp tục tăng cường trong hôm nay và ngày mai, với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, một số nơi có thể trên 500mm.
"Trọng tâm mưa vẫn là các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các khu vực khác có thể mưa ít hơn nhưng lượng mưa cũng có thể lên đến 100-200mm. Ngoài nguy cơ mưa lớn gây ngập úng đô thị, chúng tôi còn cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất", ông Khiêm cho biết.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thông tin về diễn biến bão số 3 vào thời điểm 6h sáng nay (22/7)
06:52
Phóng viên Tiến Dũng/VOV.VN tại Bắc Ninh thông tin: Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 21 - 23/7, bão số 3 sẽ gây mưa to đến rất to và dông ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của rìa phía Tây hoàn lưu trước bão số 3.
Dự báo từ ngày 21 - 23/7, do ảnh hưởng trực tiếp từ phần phía Tây Bắc hoàn lưu bão số 3, thời tiết nhiều mây, có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các xã, phường dự báo sẽ có mưa lớn với lượng mưa phổ biến 120-170mm bao gồm: Sơn Động; Vân Sơn; Đại Sơn; An Lạc; Dương Hưu, Tuấn Đạo, Tây Yên Tử, Yên Định, Sơn Hải, Tân Sơn, Biên Sơn, Sa Lý, Kiên Lao, Biển Động, Lục Ngạn...
Người dân tại Từ Sơn vẫn tập thể dục buổi sáng như thường ngày
Tuy nhiên, khoảng đầu giờ sáng nay ( ngày 22/7), tại khu vực phường Từ Sơn, thời tiết gió nhẹ, không mưa. Người dân vẫn tụ tập đến các công viên để tập thể dục... và tham gia giao thông như ngày bình thường.
06:50
Các xã vùng biển tỉnh Hưng Yên đang mưa lớn
Phóng viên Ngọc Hoà/VOV.VN đưa tin: Theo ghi nhận của Phóng viên Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam lúc 6h sáng, tại khu vực các xã ven biển Hưng Yên đang có mưa vừa, có lúc mưa to kèm gió, nhưng chưa mạnh.
Đếm qua và sáng nay, tại các xã ven biển như Thái Thuỵ, Đông Thuỵ Anh, Tiền Hải, Đồng Châu.... mưa to và gió. Đến thời điểm này, hàng trăm tàu bè đã về nơi tránh trú an toàn. Các nhà hàng, khu du lịch được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, lán tạm để hạn chế thiệt hại trước nguy cơ gió lớn.
Theo thống kê, tỉnh Hưng Yên có 737 tàu cá tại 11 xã với khoảng 2.600 lao động tham gia. Đến 15 giờ chiều 21/7, toàn bộ tàu cá cuả tỉnh đã vào bến neo đậu an toàn. Trong đó, neo đậu tại các bến trong tỉnh là 1.102 phương tiện, neo đậu ngoài tỉnh là 30 phương tiện, 1 tàu cá đang hoạt động ở khu vực biển của tỉnh Cà Mau không bị ảnh hưởntg của bão số 3.
Tàu thuyền ngư dân xã Thái Thuỵ đã được neo đậu an toàn
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 6h sáng nay, tâm bão số 3 đang cách Quảng Ninh khoảng 170 km về phía Nam Tây Nam, cách Hải Phòng khoảng 60 km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 50 km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 70 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (89-102 km/h), giật cấp 13.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 km/h. Khu vực ven biển Hải Phòng - Hưng Yên đang là vùng bão gió mạnh nhất lúc này. Lưu ý tác động gió mạnh tăng cường ở các khu đô thị nhiều nhà cao tầng.
06:33
Đặc khu Cô Tô chưa ghi nhận thiệt hại lớn do bão
Phóng viên Trường Giang - CTV Thu Báu/VOV-Đông Bắc cho biết: Vùng biển đặc khu Cô Tô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3 suốt đêm qua, từ khoảng 1h sáng nay cấp 8, giật cấp 9-10 kèm mưa lớn. Từ 21h tối ngày 21/7, toàn bộ khu vực đặc khu Cô Tô đã bị mất điện, gây khó khăn lớn cho công tác ứng phó bão trong đêm, đặc biệt tại các khu sơ tán, điểm tránh trú và các đơn vị cứu hộ đóng quân trên đảo.
Đặc khu Cô Tô mất điện từ 21h đêm qua
Các lực lượng chức năng đã triển khai máy phát điện dự phòng tại các địa điểm trọng yếu như trạm y tế, UBND và các điểm sơ tán, ứng trực xử lý tình huống.
Tại thôn Hồng Hải, lực lượng CSGT đã nhanh chóng có mặt xử lý hiện trường một cây bị gió quật ngã, thông đường trở lại, đảm bảo lưu thông cho các lực lượng chức năng và phương tiện cứu hộ.
Cột cờ Tổ quốc trên đảo Thanh Lân 6h sáng nay
Từ khoảng 5h sáng nay, gió và mưa đều giảm cấp tại Cô Tô, hiện tại chỉ còn mưa nhỏ. Bí thư Đảng uỷ đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân cho biết hiện tại các thôn khu và các đảo đều đảm bảo an toàn cho người dân, toàn đặc khu chưa ghi nhận thiệt hại nào đáng kể.
06:26
Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc thông tin: Tại khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng hiện trời không mưa, thỉnh thoảng có gió theo từng cơn. Tuy nhiên, trong đêm qua, từ khoảng 22h đến 2 giờ sáng nay, mưa khá to, gió rít từng hồi.
Đặc khu Bạch Long Vĩ vào thời điểm sáng nay (22/7)
Tại Đồ Sơn, trong đêm qua cũng có nhiều đợt mưa lớn. Hiện Đồ Sơn có gió cấp 4, cấp 5, trời không mưa. Bão số 3 chưa có ảnh hưởng lớn đến địa bàn Đồ Sơn; tuy nhiên, địa phương lo ngại bão đổ bộ và mưa lớn trong sáng nay, đúng thời điểm nước lên, có thể gây ngập cục bộ tại một số khu vực trũng thấp.
Tại đặc khu Cát Hải hiện cũng đang có gió cấp 4, cấp 5; trời không mưa. Còn riêng tại đặc khu Bạch Long Vĩ đêm qua và rạng sáng nay có mưa to, gió lớn. Theo thông tin từ UBND đặc khu Bạch Long Vĩ, tại đây đang có gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 12. Chính quyền và các cơ quan chức năng đặc khu Bạch Long Vĩ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có có tình huống phát sinh.
Đặc khu Bạch Long Vĩ đêm 21 rạng sáng 22/7
Để công tác phòng chống bão số 3 đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hai do bão gây ra, lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, trực 24/24 giờ đến khi có tin cuối cùng về bão số 3; chủ động các phương án, bảo đảm tuyệt đối an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
06:12
Phóng viên Đình Trung - Tuấn Nam/VOV1 thông tin: Do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn ven biển tỉnh Ninh Bình đang có mưa, sức gió cấp 4, cấp 5, cấp sóng cấp 5. Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 3, trong những ngày qua lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và ban quản lý cảng cá tỉnh Ninh Bình (xã Hải Thịnh, Ninh Bình) đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực. Tại khu vực dân cư, chính quyền địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huy động lực lượng ứng trực 24/7 hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn tính mạng tài sản.
Các tàu cá neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Ninh Cơ
Tại các xã ven biển của tỉnh Ninh Bình, chính quyền địa phương và người dân cũng đang khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó bão số 3. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hải Thịnh, Ninh Bình cho biết, toàn xã đã huy động gần 1000 người, các phương tiện vật tư, xe cẩu, xe tải sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Hệ thống loa truyền thanh thường xuyên phát những thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Theo Ban quản lý cảng cá Ninh Bình, đến nay đã có hơn 600 phương tiện tàu cá vào neo đậu tại 3 cảng cá Quần Vinh, Ninh Cơ và Hà Lạn. Hàng nghìn ngư dân đã về bờ an toàn. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Ninh Bình cho biết: tại 3 cảng cá khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh, lực lượng chức năng, chính quyền và bộ đội biên phòng đang phối hợp chặt chẽ đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân. Đơn vị chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng trực, cứu hộ cứu nạn trong và sau bão.
VOV.VN - Với những người làm nghề dự báo ở Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, có khi cả tuần không ghé về nhà, để đảm bảo túc trực 24/24h canh bão. Đặc biệt như cơn bão số 3 (bão Wipha) lần này.
05:51
Quảng Ninh: Xuyên đêm phòng, chống bão số 3
Phóng viên Duy Thái/VOV-Đông Bắc thông tin: Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, đêm 21, sáng 22/7, Quảng Ninh triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bão, chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Toàn tỉnh tập trung chống bão với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.
Lực lượng chức năng phường Hà An kiểm tra, rà soát công tác neo đậu và đảm bảo an toàn cho phương tiện tại khu vực Bến Giang.
Phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có hơn 77% diện tích là mặt nước. Trên địa bàn phường hiện đang có gần 290 tàu thuyền của người dân địa phương và ngư dân các nơi khác neo đậu tránh, trú bão; gần 500 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Để bảo đảm an toàn, nhiều tổ công tác đã được chính quyền địa phương thành lập; liên tục tuần tra, kiểm soát, không để người dân tự ý quay lại phương tiện, lồng bè; đồng thời bảo vệ ANTT, an toàn tài sản cho nhân dân.
Đại úy Nguyễn Văn Dương Trưởng Công an phường Hà An cho biết: Để phòng ngừa vấn đề ANTT trật tự phức tạp sau khi cơn bão đi qua, đó là vấn đề tranh chấp tài sản khi các lồng bè của người dân trôi dạt, đơn vị cũng yêu cầu người dân là có các biện pháp đánh dấu, sơn, kẻ vạch, chụp ảnh lồng bè… để làm sao sau khi bão đi qua có thể thuận lợi nhất trong việc xác định tài sản cũng như đảm bảo tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Đồng thời rà soát, quản lý các đối tượng về hình sự, ma túy, không để các đối tượng này lợi dụng mưa bão hoạt động phạm tội.
Hơn 100 mét đê xung yếu tại tuyến đê Hà An được khẩn trương gia cố trong chiều 21/7
Lãnh đạo đặc khu Vân Đồn cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự đặc khu có mặt tại trung tâm chỉ huy đêm 21/7 để trực tiếp theo dõi, điều hành, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống bão theo đúng phương châm “4 tại chỗ”
Nằm ở hạ lưu, phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh có tổng diện tích 123km2, trong đó có khoảng 95km2 là mặt nước. Để bảo đảm an toàn trước cơn bão số 3, gần 100 mét đê đất Hà An xung yếu đã được gia cố, ngăn sóng biển tràn vào khi triều cường dâng cao.
Đêm 21 rạng sáng 22/7, địa phương huy động hơn 600 cán bộ, lực lượng vũ trang và người dân túc trực 24/24 giờ tại 24 thôn, khu để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh. Hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo bão, phương án sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm đều được chuẩn bị sẵn sàng.
Từ 21h45 ngày 21/7, cầu Bãi Cháy cấm các phương tiện xe máy lưu thông do ảnh hưởng của bão. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã bố trí lực lượng, ứng trực xuyên đêm để kiểm soát, hỗ trợ người dân qua cầu an toàn
Ông Lê Mạnh Tuyến Chủ tịch UBND phường Hà An cho biết: Ngay sau khi bão đổ bộ vào UBND phường đã tiếp tục rà soát với các cống tiêu thoát nước trên địa bàn để có kế hoạch tiêu thoát nước khẩn trương, tránh việc ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân. Đồng thời cũng rà soát với các hộ tiến hành chằng chống lồng bè để bảo đảm cho người dân có thể đi vào hoạt động trở lại sớm nhất.
05:38
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ sáng sớm 22/7 đến ngày 23/7, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
05:24
Bão số 3 cách Hải Phòng 70km, giật cấp 13
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cô Tô có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà có gió mạnh cấp 8; Tiên Yên có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; trạm Thái Bình có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; …
Ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 130mm.
Hồi 4 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 140km, cách Hải Phòng 70km; cách Hưng Yên khoảng 80km, cách Ninh Bình khoảng 100km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 13; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
05:19
Cảnh báo dông, tố lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ trên phạm vi khu vực Hà Nội
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu tiếp tục phát triển và gây mưa cho khu vực Đoài Phương, Yên Xuân, Hoà Lạc, Hương Sơn, Đại Xuyên, Phú Xuyên, Chuyên Mỹ, Ứng Hoà, Ba Vì, Yên Bài của thành phố Hà Nội.
Trong khoảng từ 30 phút đến 3 giờ tới, vùng mây này tiếp tục gây mưa cho các khu vực trên, sau đó sẽ lan sang các phường/xã khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
VOV.VN - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 21h ngày 21/7, vị trí tâm bão vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam. Như vậy so với sáng nay cách Quảng Ninh -Hải Phòng 220km, bão đã rút ngắn 2/3 khoảng cách ở thời điểm này
Từ khóa: bão số 3, bão số 3, bão wipha, giông lốc, gió giật mạnh, mưa lớn,trực tiếp bão số 3