Trực thăng V-280: Lợi thế cạnh tranh của Mỹ trước Nga và Trung Quốc
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Siêu trực thăng đa nhiệm V-280 Valor được coi là ứng viên tiềm năng để thay thế các phi đội trực thăng của Mỹ.
Lục quân Mỹ dự định đưa trực thăng tàng hình V-280 Valor vào sử dụng từ năm 2030 nhằm tránh sự phụ thuộc vào Không quân và Hải quân trong các chiến dịch tấn công luồn sâu.
Mẫu trực thăng Bell V-280 Valor. Ảnh: arstechnica.com |
Cạnh tranh khốc liệt
Để đối phó với Nga và Trung Quốc, Lầu Năm Góc đang chạy nước rút nhằm sở hữu trực thăng tấn công tầm xa thay thế các máy bay UH-60 Black Hawks và AH-64 Apache cũ đang trong biên chế, cũng như lấp khoảng trống do máy bay OH-58 Kiowa Warrior (loại biên từ năm 2014) để lại. Theo Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, các máy bay thuộc chương trình Máy bay Trinh sát Tấn công tương lai (Future Attack Reconnaissance Aircraft - FARA) bay nhanh hơn, xa hơn, tải trọng lớn hơn so với các phiên bản hiện có, sẽ thay thế một nửa (khoảng 350 chiếc) trực thăng Apache trong các đơn vị trinh sát - tấn công hạng nặng.
Hiện, Lục quân Mỹ đang tiến hành nâng cấp các trực thăng Apache lên chuẩn E (AH-64E Guardian) - phiên bản mạnh nhất hiện nay - bằng cách nâng cấp hệ thống động cơ, điện tử và vũ khí. Defense World cho biết,vào đầu những năm 2030, Lục quân Mỹ cần một dòng trực thăng đa năng thuộc chương trình Máy bay Lên thẳng Tương lai (Future Vertical Lift - FVL) với bán kính chiến đấu trên 300 hải lý, có tải trọng ít nhất là 4,5 tấn, có thể bí mật tiếp cận mục tiêu, vượt qua radar của đối phương, đồng thời thích hợp với tác chiến trong môi trường đô thị để thực hiện đồng thời nhiệm vụ tấn công, do thám và trinh sát...
Yêu cầu của Thủy quân lục chiến Mỹ có phần cao hơn, bán kính hoạt động phải trên 450 hải lý; khi động cơ hoạt động với 90% công suất, tốc độ bay phải đạt 295 hải lý/h, khi động cơ hoạt động 100% công suất, trực thăng phải đạt tốc độ hơn 330 hải lý/h. Ngoài ra, máy bay sẽ có các hệ thống mô đun có thể nhanh chóng được nâng cấp, mở rộng hoặc thay thế nhờ giao diện phần mềm được tiêu chuẩn hóa nhằm giúp cập nhật các hệ thống trên máy bay và phương tiện mặt đất dễ dàng và rẻ hơn trong tương lai.
Phát triển các loại trực thăng quân sự là công việc kéo dài hàng thập kỷ và tốn kém. Riêng dòng Boeing V-22 Osprey đang được quân đội Mỹ sử dụng, đã cướp đi sinh mạng của 30 người trong các cuộc thử nghiệm. V-22 Osprey đang có một vài bất lợi, ngoài bị mang tiếng không an toàn do hàng loạt tai nạn chết người, giá cả cũng bị đội nhiều so với mức ban đầu. Hiện tại, ít nhất có bốn mẫu trực thăng đang được đưa vào “tầm ngắm” là S-97 Raider - có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như trinh sát, hỗ trợ đổ bộ đường không hay tấn công hạng nhẹ; V-280 Valor - có thể cất-hạ cánh thẳng đứng và bay như một máy bay bình thường, dạng V-22 Osprey; SB-1 Defiant (SB>1 Defiant), và mẫu thiết kế của hãng Karem Aircraft.
Mẫu trực thăng SB-1 Defiant. Ảnh: sputniknews.com |
Bộ Quốc phòng Mỹ đã dành riêng 100 triệu USD cho V-280 và 100 triệu USD cho Defiant để phát triển nguyên mẫu. Tại hội nghị Hội Lục quân Mỹ (AUSA) diễn ra từ ngày 26 - 28/3, tướng Rugen cho biết, với ngân sách hơn 20 triệu USD mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Lục quân có kế hoạch thử nghiệm thêm đối với cả V-280 Valor (đã bay thử hơn 1 năm) và SB-1 Defiant (mới bay thử); việc thử nghiệm sẽ được hoàn tất trong năm nay, tháng 3/2020, Lục quân sẽ chọn ra 2 công ty để chế tạo máy bay mẫu, năm 2022 - 2023 là thời điểm 2 công ty này trình diễn sản phẩm.
V-280 Valor - siêu trực thăng đa nhiệm lý tưởng của Mỹ
Trong số các nguyên mẫu trực thăng được để mắt đến, thông tin đề cập nhiều nhất phải kể đến Bell V-280 Valor, được phát triển từ năm 2013. Nó là kết quả hợp tác giữa Bell Helicopter và Lockheed Martin, General Electric (GE), Moog, IAI của Israel, TRU Simulation & Traning, Astronics, Eaton, GKN Aerospace, Lord, Meggit và Spirit AeroSystems. Với kích thước nhỏ và linh hoạt, sử dụng công nghệ lai Tilrotor, Bell V-280 Valor là kết hợp độc đáo giữa khả năng cơ động của trực thăng và tốc độ của phi cơ cánh cố định, cần ít không gian cất và hạ cánh.
Điểm đặc biệt của V-280 là động cơ phản lực được thiết kế cố định, trong khi các trục cánh được thiết kế chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ trực thăng và cánh cố định, sử dụng hệ thống điều khiển cơ - điện tử 3 kênh, càng hạ cánh có thể thu được vào trong thân và cánh cửa khổ 1,8 m ở hai bên sườn cho phép đổ bộ binh sĩ nhanh chóng và hướng súng tấn công xuống các mục tiêu trên mặt đất. V-280 sở hữu đuôi hình chữ V lớn giúp máy bay hoạt động ổn định và tin cậy hơn. V-280 có thể bay với tốc độ gấp đôi các trực thăng thông thường và tầm hoạt động rộng hơn rất nhiều so với các loại trực thăng hiện nay, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và hạ cánh trên địa hình phức tạp, khoang chứa rộng hơn trực thăng UH-60 25%, đặc biệt phù hợp cho việc sơ tán thương binh, có thể cẩu theo một khẩu pháo M777 với tốc độ 280 km/h.
Bell đã sử dụng vật liệu tổng hợp, xếp lớp theo cấu trúc tổ ong cùng với lõi carbon cho thân máy bay, cánh và đuôi, cho phép tiết kiệm 30% trọng lượng toàn máy bay trong khi vẫn có thể trang bị cabin chống đạn cho V-280 Valor. Có giá thành rẻ hơn V-22 và do thiết kế đặc thù, V-280 không chỉ mất một nửa thời gian để chế tạo so với V-22 mà lại có giá chỉ tương đương UH-60. Trong lần thử nghiệm gần đây, V-280 đạt tốc độ 555 km/h; các đặc tính của máy bay phù hợp với các yêu cầu của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Máy bay lưỡng thể cánh quạt nghiêng - phản lực V-280 có hai phiên bản vận tải và tấn công với các thông số cơ bản: dài: 15.4m; rộng: 24.93m; cao: 7m; trọng lượng rỗng: 15.000kg; trọng lượng cực đại khi cất cánh: 26.000kg; động cơ: 2 động cơ tua-bin T64; cánh quạt: đường kính 11 m; tốc độ hành trình: 519 km/h; phạm vi tác chiến: 900 - 1.400 km; trần bay: 1.800 m; tầm hoạt động 3.900 km; kíp lái: 4; có thể chuyên chở: 14 binh sỹ, hoặc 5,4 tấn hàng hóa.
Phiên bản V-280 với pháo và tên lửa cùng một số vũ khí có lái dẫn khác, có khả năng phối hợp tác chiến cùng xe tăng Abrams, đảm đương nhiệm vụ chi viện hỏa lực trên không và triển khai các phương tiện bay không người lái mà không bị ảnh hưởng bởi hệ thống cánh quạt khi đang bay… có thể được chế tạo căn cứ vào yêu cầu của Lục quân Mỹ. V-280 sử dụng công nghệ cảm biến tối tân của chương trình tiêm kích tàng hình F-35 - Hệ thống Phân phối Khẩu độ (DAS), được ví là “mắt của Chúa”. 6 camera hồng ngoại độ phân giải cao gắn trên thân máy bay cho phép quan sát 360 độ theo thời gian thực. Thông tin từ cảm biến của hệ thống DAS có thể hiển thị lên mũ bay tích hợp hoặc màn hình trong buồng lái, mang lại hiệu suất tác chiến vượt trội. Ngoài ra, V-280 sẽ sử dụng một số thành phần cảm biến phát hiện và nhắm mục tiêu của trực thăng tấn công Apache.
Tập đoàn Bell đang áp dụng các kỹ thuật che chắn hồng ngoại, thiết kế khí động học độc đáo giúp máy bay khó bị kẻ thù phát hiện hơn. Bell kỳ vọng mỗi chiếc V-280 Valor sẽ có chi phí sản xuất tương đương với các mẫu máy bay như Boeing AH-64E Apache Guardian (35,5 triệu USD) hay Sikorsky MH-60M Black Hawk. Lục quân Mỹ dự định đưa trực thăng tàng hình V-280 Valor vào sử dụng từ năm 2030 để tránh phụ thuộc vào Không quân và Hải quân trong các hoạt động tấn công luồn sâu và đây sẽ trở thành máy bay tàng hình đầu tiên của Lục quân Mỹ.
Với tính cơ động, tiết kiệm nhiên liệu, độ tin cậy, mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, cùng khả năng thực hiện nhiệm vụ đa dạng, lại không phức tạp như các máy bay cánh xoay thế hệ trước (V-22 Osprey), khi hoàn thành thử nghiệm và đi vào trang bị, Bell V-280 Valor sẽ là dòng máy bay giá rẻ tốc độ cao hàng đầu thế giới. Hiện nhiều quốc gia như Australlia, Anh và Canada đang bày tỏ sự quan tâm đối với loại trực thăng đa nhiệm này./.
Từ khóa: Trực thăng V-280 Valor, siêu trực thăng đa nhiệm, Mỹ, Nga, Trung Quốc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN