Tròn 1 năm Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội: Bế tắc và thụt lùi

Cập nhật: 27/02/2020

VOV.VN - Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục lâm vào bế tắc, tròn 1 năm sau hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội (27-28/2/2019).

Triển vọng cho con đường đối thoại Mỹ- Triều cũng không mấy sáng sủa khi Triều Tiên phải căng mình chống dịch Covid-19, vốn đang hoành hành tại nước láng giềng Hàn Quốc, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung cho chiến dịch tranh cử Tổng thống với mục tiêu tái đắc cử thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa.

tron 1 nam thuong dinh my-trieu tien tai ha noi: be tac va thut lui hinh 1
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Lãnh đạo Triều Tiên Kim tại hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội tháng 2/2019. Ảnh: BBC.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp tại Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều vào tháng 6 sau đó và nhất trí nối lại đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên cuộc gặp cấp chuyên viên giữa hai bên tại Thụy Điển vào tháng 10/2019 không đạt được bất cứ tiến bộ nào. Từ đó đến nay, không chỉ các cuộc đàm phán hạt nhân song phương rơi vào tình trạng đình trệ, mà căng thẳng giữa hai nước cũng liên tục leo thang do chính quyền của Tổng thống Trump thông qua các biện pháp siết chặt trừng phạt Triều Tiên. Mất kiên nhẫn với thái độ đàm phán của Mỹ, Triều Tiên cũng tiến hành 13 đợt thử vũ khí, trong đó phóng 25 vật thể bao gồm cả các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm.

Mối quan hệ Mỹ - Triều bước sang một trang mới sau khi Mỹ phớt lờ hạn chót vào cuối năm ngoái, với việc Triều Tiên tuyên bố sẽ trình làng các vũ khí chiến lược mới, từ bỏ ràng buộc giao ước ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Những cảnh báo này làm gia tăng lo ngại về bóng ma hạt nhân đang quay trở lại, với mức độ nghiêm trọng“chưa từng có”.

Bất chấp cảnh báo qua lại nhưng vẫn có hy vọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với việc hai bên để ngỏ cánh cửa đàm phán. Đến thời điểm này, mọi thứ vẫn đang trong tầm kiểm soát khi chưa có bất cứ thêm một vụ thử mới nào từ phía Triều Tiên từ đầu năm đến nay. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng cần phải sớm nối lại các cuộc đối thoại để không bỏ lỡ động lực đàm phán.

Theo bà Kang, Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để tạo điều kiện cho đối thoại: “Chính phủ Hàn Quốc theo đuổi tiến trình đối thoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ gần đây và chúng tôi lấy làm tiếc về việc Triều Tiên vẫn chưa quay trở lại bàn đàm phán bất chấp những nỗ lực, kiên nhẫn của chúng tôi. Chính phủ Hàn Quốc cam kết tiếp tục ủng hộ con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.

Bất chấp những nỗ lực của Hàn Quốc, giới quan sát không mấy lạc quan vào triển vọng đàm phán Mỹ- Triều, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên đang phải tập trung nguồn lực đối phó với dịch Covid-19, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng quá bận rộn với kế hoạch tranh cử vào tháng 11 tới.

Trong một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống Trump đang giảm sự quan tâm tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên trong mùa bầu cử khi thực hiện một loạt các thay đổi trong nhóm đàm phán của mình, gần đây nhất là đề cử Phó đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, ông Alex Wong, cho một vị trí khác tạiLiên Hợp Quốc. Tổng thống Trump thậm chí còn không đề cập đến Triều Tiên trong bài phát biểu thông điệp hàng năm đầu tháng này. Tuy nhiên, đó chỉ là những vật cản nhỏ trên con đường đàm phán Mỹ-Triều vì hòn đá tảng lớn nhất hiện vẫn là việc hai bên không tin tưởng vào các cam kết của nhau cũng như cách tiếp cận khác nhau về tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Đánh giá về mối quan hệ Mỹ- Triều trong thời gian tới, Giáo sư Koh Yoo-hwan nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk cho rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh kéo dài và quyết tâm thực hiện điều mà họ gọi là “đột phá trực diện”, vì nước này hiểu rằng Mỹ sẽ không thay đổi cách tiếp cận trong tương lai gần, đặc biệt trong việc nới lỏng trừng phạt- yêu cầu tiên quyết của Triều Tiên hiện nay. Tổng thống Trump khó có thể đưa ra một quyết định được coi là bước đi nhượng bộ trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của các cử trong trong cuộc bầu cử sắp tới./.

Từ khóa: Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Thượng đỉnh Trump-Kim, đàm phán Mỹ-Triều, phi hạt nhân hóa, tròn một năm

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập