Triển lãm “Đồng vọng” lần đầu tiên công bố tác phẩm sắp đặt đồ họa mở
Cập nhật: 14/10/2023
VOV.VN - “Đồng vọng” là chủ đề triển lãm sắp đặt đồ họa mở do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là triển lãm đầu tiên, công bố đến công chúng yêu nghệ thuật một số thành tựu của các họa sĩ trong việc thực hành những nghiên cứu về nghệ thuật đồ họa mở của 8 tác giả là giảng viên và cựu sinh viên của khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Trong không gian nhà Thái học, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình ảnh Tiên nữ - cánh diều và mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà, Non cao đường dài, Vinh quy bái tổ,… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng cùng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống, về đạo học, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong mỹ thuật. Bên cạnh đó là những đối thoại, là tình yêu với di sản của các tác giả qua các hình tượng nghệ thuật.
Không chỉ có vậy, bên trong mỗi tác phẩm, người xem còn được khám phá những nét riêng của mỗi kỹ thuật, phương pháp, chất liệu thể hiện tranh in. Vẻ đẹp của tranh khắc gỗ, khắc cao su, hay in nổi, in lõm được lạ hóa khi ở trong trạng thái và không gian 3 chiều thực, tương tác với chuyển động gió, với kiến trúc và ánh sáng, với người xem…
Với seri 390 tranh khắc gỗ, họa sĩ Phan Hải Bằng giới thiệu tới người xem tác phẩm “Ngẫu Liên”, như một cuộc đối thoại giữa hình thể với không gian, mộc bản với mực và giấy Trúc chỉ. Bộ tác phẩm của anh được xây dựng trên cơ sở khai thác các hình ảnh, biểu tượng của sen: hoa, lá, đài, hạt, thân, củ, kết hợp và biến tấu với những hình tượng khác của sự sống: bầu sữa mẹ, mặt trăng, mặt trời, hoa lá…tạo nên những hình ảnh riêng, độc lập. “Sen vừa đời thực, vừa cao sang. Bởi sự phong phú về ý nghĩa, hình tượng hoa sen gần gũi trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần con người. Khi sống trong một môi trường nào đó, con người sẽ học tập, tiếp thu vốn sống nhất định. Khi làm công việc liên quan đến sáng tạo, những điều bạn thu nhận được sẽ tự động được thể hiện trong tác phẩm của mình. Chữ “ngẫu” có ý nghĩa như vậy”- họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết.
Trên thế giới, trong 40 năm trở lại đây, nghệ thuật đồ họa đã được mở rộng biên giới, từ những tác phẩm 2 chiều thành 3 chiều, đa chiều, tranh nhiều lớp, tranh sắp đặt đồ họa. Từ năm 2009, các giảng viên khoa đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu có những thực hành, sau đó đến năm 2013 đã củng cố được kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành của các giảng viên, đưa vào giảng dạy bộ môn Nghệ thuật đồ họa mở cho sinh viên.
“Đồ họa mở là lĩnh vực chưa được phổ biến rộng rãi. Chính vì thế triển lãm “Đồng vọng” là dịp chúng tôi có thể đưa khái niệm này ra ngoài nhà trường, đồng thời để công chúng thấy rằng nghệ thuật đồ họa đi lên từ truyền thống, tư tranh khắc gỗ, từ giấy dó. Và nó vẫn có thể kết nối được với những tư duy hiện đại trong thực hành nghệ thuật, vãn có thể phản ánh được vấn đề xuyên suốt của văn hóa, lịch sử.”- PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng đồ họa nói.
“Thể hiện tác phẩm đồ họa trong không gian đa chiều, nhiều lớp sẽ giúp cho tác giả có nhiều cơ hội bộc lộ tư tưởng, tình cảm, đáp ứng việc thực hành nghệ thuật đương đại, đặc biệt là có sự kết nối với không gian. Đó là những yếu tố quan trọng của đồ họa mở. Trước đây, các nghệ sĩ đã kết hợp tranh đồ họa với nghệ thuật trình diễn, cũng là một cách tương tác với không gian, tương tác với người xem một cách mạnh mẽ hơn”- PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương nói.
Thông thường, các triển lãm sắp đặt thường diễn ra ở ngoài trời hoặc những không gian hiện đại. Việc tổ chức triển lãm tại một địa chỉ văn hóa như Văn Miếu Quốc Tử Giám như một cách đối thoại với quá khứ, thử nghiệm một phong cách sáng tác mới, đúng với tinh thần mà 8 nghệ sĩ tham gia triển lãm “Đồng vọng” hướng tới.
Từ khóa: triển lãm, đồng vọng, công bố, tác phẩm, sắp đặt, đồ họa mở, văn miếu
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: phương thúy/vov6
Nguồn tin: VOVVN