Trị tận gốc "quái xế" lộng hành
Cập nhật: 10/11/2024
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
Nghị định 147/2024/NĐ-CP: Ngăn chặn vi phạm trên không gian mạng
VOV.VN - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý đối với các nhóm “quái xế” trên đường phố, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tiếp diễn - bất chấp hậu quả.
Đã vài ngày trôi qua, song dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn thương tâm khiến một cô gái tử vong khi chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hà Nội). Điều đau lòng hơn cả là vụ tai nạn lại do những “quái xế” tuổi vị thành niên gây ra.
Có thể nói, những vụ tai nạn thương tâm khiến mỗi chúng ta đều cảm thấy bất an, lo lắng. Phải chăng chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe? Trả lời câu hỏi này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, mấu chốt của vấn đề là công tác tuyên truyền, giáo dục cho các cháu nhận thức được trong quá trình tham gia giao thông nguy hiểm như thế nào. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần giám sát giao thông một cách triệt để, ngăn chặn các vụ đua xe trái phép không diễn ra là tốt nhất.
"Để trị tận gốc thì chúng ta phải áp dụng chính sách toàn dân, toàn diện, không thể trông chờ riêng vào lực lượng chức năng. Bởi vì không đủ nhân lực để đứng ở khắp mọi nơi mới giám sát được. Như vậy thì chính người dân thông báo thông tin kịp thời để ngăn trước khi đua xe xảy ra", TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Công an TP Hà Nội, trong 9 tháng qua, chỉ riêng các tổ công tác 141 đã bắt giữ gần 800 phương tiện với các đối tượng có hành vi điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách… Riêng với vụ việc xảy ra đêm 3/11 tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, đội 6, Phòng CSGT Hà Nội đã tạm giữ 20 xe máy, xử lý gần 40 thanh, thiếu niên có hành vi vi phạm giao thông.
Riêng trong tháng 10 vừa qua, sau gần 1 tháng triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông lứa tuổi học sinh, lực lượng CSGT, CSGT-TT toàn thành phố xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trong nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ gần 3.000 phương tiện các loại.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để gửi thông báo đến Sở GD&ĐT Hà Nội.
Phương tiện các đối tượng sử dụng đua xe trái phép thường đứng tên người khác. Trong khi theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu chủ xe chính là người đua xe trái phép. Vấn đề này, TS Khương Kim Tạo đề xuất, bất luận phương tiện đó là của người đua xe hay là của người khác thì nên tịch thu. Có thể vi phạm lần đầu là cảnh cáo còn tái phạm tiếp thì tịch thu.
Bên cạnh việc xử lý trực tiếp người điều khiển phương tiện giao thông, cơ quan chức năng sẽ gắn trách nhiệm và xử lý những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện. Có như vậy, mới ngăn chặn được tận gốc, ngăn chặn từ trước, tức là an toàn chủ động để xử lý tất cả những vấn đề này, TS Khương Kim Tạo cho biết.
Một chế tài đủ mạnh, một giải pháp truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người, đặc biệt là thanh thiếu niên; và sự vào cuộc quyết liệt từ phía gia đình - nhà trường- xã hội… Chỉ có như vậy mới mong chấm dứt được nạn đua xe trái phép, không để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm và cùng nhau xây dựng một “văn hóa giao thông”, tôn trọng Pháp luật.
Từ khóa: quái xế, quái xế lộng hành, đua xe, bão đêm, đua xe hà nội, bắt quái xế,quái xế
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: diệu linh/vov2
Nguồn tin: VOVVN