Trẻ lớp 1 học online, bố mẹ cũng phải là “giáo viên”
Cập nhật: 03/09/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Để dạy học trực tuyến học sinh lớp 1 hiệu quả, cha mẹ, giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ và có những chiến lược phối hợp giữa gia đình, nhà trường chặt chẽ giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến.
Ngày 03/09, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", với sự tham dự của hàng ngàn giáo viên và phụ huynh.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã có nhiều chia sẻ, gợi ý dành cho các bậc phụ huynh, giáo viên để giúp học sinh lớp 1 vượt qua trở ngại tâm lý, sẵn sàng cho việc học trực tuyến.
Con học trực tuyến, bố mẹ phải đồng hành cùng giáo viên
Đối với bố mẹ, theo PGS.TS Trần Thành Nam, điều quan trọng trước tiên là tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều rất thú vị cần khám phá. Cha mẹ cũng có thể ngồi xuống nói chuyện với con về ý nghĩa của việc đi học, chuẩn bị cho trẻ biết trước về những gì sẽ diễn ra khi học trực tuyến như một cơ hội để có nhiều niềm vui và có nhiều bạn bè mới.
Bên cạnh đó, để con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn thì cha mẹ cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học. Tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi… cần bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ.
Một điều rất quan trọng mà PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý, vì trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn học để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh. Nên cha mẹ cũng cần xác định vai trò mình là một giáo viên/ huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công trong các nhiệm vụ học tập.
Cha mẹ cũng cần có thái độ cam kết đồng hành giúp trẻ sẵn sàng về thể chất (ăn uống khoa học, nghe, nhìn, giao tiếp tốt, hợp tác và tự lập) giúp con sẵn sàng về mặt nhận thức (như khả năng tập trung, sự tò mò, mong muốn khám phá) và sẵn sàng về mặt xã hội (như tự tin tham gia hoạt động, tuân thủ quy tắc, tôn trọng quyền của người lớn).
“Để giúp con tập trung chú ý trong giờ học trực tuyến, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương để dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt con. Và mỗi khi tâm trí con đi lang thang thì hãy nhìn vào tờ giấy note nhắc nhở ấy để mang sự chú ý của mình vào bài học. Hãy sáng tạo và hào phóng khen thưởng để giúp con có động lực tập trung học tập”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn. Ví dụ như gia đình sẽ không sử dụng các thiết bị màn hình từ lúc nào đến lúc nào để tập trung làm việc gì đó. Tổng thời gian quy định các thành viên được truy cập internet là mấy giờ và gia đình sẽ sử dụng một ứng dụng dùng chung để khóa thiết bị khi hết thời gian cho phép.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bố mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ những nguyên tắc này bằng cách ký cam kết cùng với con dưới bảng nội quy. Nội quy sẽ được dán ở chỗ dễ nhìn nhất và tất cả mọi người đều phải tuân thủ.
“Bố mẹ lưu ý là học trực tuyến tước mất các cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng của con như các giờ tập thể dục hoặc trò chơi đuổi bắt, các con chạy chơi trên sân vì vậy trong cuộc sống gia đình cần phải bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, chăm sóc thú cưng...”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý.
Áp lực sẽ triệt tiêu hứng thú học tập của trẻ
Để giúp học sinh lớp 1 học trực tuyến hiệu quả, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo viên nên dành tuần đầu tiên cho việc thiết lập mối quan hệ, làm quen và các trò chơi để kết nối với trẻ. Giới thiệu cho trẻ những lời chào thú vị trên trực tuyến có thể là một ý tưởng hay để áp dụng trong các bài học về sau. Trẻ sẽ học tích cực hơn khi đã biết và thân thiết với các thành viên trong lớp.
“Giáo viên cũng cần dành tuần đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với cha mẹ, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình như cách để giúp trẻ trở thành một học sinh độc lập. Khuyến khích trẻ thực hiện các nhiệm vụ ở nhà, hình thành thói quen học tập như ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng cách, rèn cách làm việc với sách và đồ dùng học tập”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Một lưu ý quan trọng là trẻ lớp 1 sẽ cảm thấy bất an nếu giáo viên không hiện diện ở đó cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, giáo viên cần cài đặt chế độ để hình ảnh của cô luôn nổi trên màn hình chính (kể cả trong lúc nghỉ giải lao). Và lý tưởng là giáo viên thu sẵn các video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn, các hoạt động thể dục giữa giờ với hình ảnh của cô giáo đang hướng dẫn các con có thể là ý tưởng hay để giúp cô chuyển từ hoạt động học tập này sang hoạt động học tập khác mà vẫn giữ được sự kết nối.
Vì sự chú ý của học sinh lớp 1 không dài quá 15 phút, để bài giảng không quá tải với học sinh, giáo viên nên giới hạn lại thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Sau 4 phiên như vậy thì sẽ nghỉ. Việc học online như vậy sẽ năng suất và hiệu quả hơn theo phương pháp Pomodoro.
“Chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học chất lượng”. Vì vậy, việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải được cân nhắc dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em”- PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, học sinh lớp 1 cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên qua đó phát triển các kỹ năng vận động tinh và phối hợp tay mắt cũng như là một hình thức thư giãn giữa các bài học. Vì vậy giáo viên phải rất chú ý đến các hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy của mình, để tạo điều kiện cho con được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, giáo viên phải ý thức học online khó khăn hơn nên việc hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường. Thầy cô cần tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập.
“Để hấp dẫn học sinh trên bài giảng trực tuyến, giáo viên cần rất sáng tạo trong các hình thức ghi nhận, khen thưởng. Giáo viên cần chuẩn bị các hình dán ngôi sao, trái tim, bông hoa cùng lời khen để tặng các con một cách hào phóng và thường xuyên trong các tiết học. Giáo viên thậm chí có thể thống nhất với cha mẹ để quy đổi số bông hoa điểm thưởng của cô trên lớp trực tuyến thành những phần thưởng hữu hình do chính cha mẹ giám sát và trao thưởng tại nhà”, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam gợi ý.
Cũng trong buổi tọa đàm "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", PGS.TS Trần Thành Nam có gửi đến bốn thông điệp ý nghĩa tới phụ huynh và giáo viên: “Bớt một chút kỳ vọng – Thêm một chút kỳ công”; “Bỏ một chút tôn ti – Tăng một chút tôn trọng”; “Giảm một chút chỉ trích – Thêm một chút chỉ dẫn”; “Bớt một chút ầm ầm – Thêm một chút ấm áp”.
Từ khóa: học trực tuyến, học online, học sinh lớp 1, năm học mới, dịch COVID-19, giáo viên, máy tính, thiết bị trực tuyến
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2