Trẻ em có cần tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19 không?
Cập nhật: 10/12/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Trong khi biến thể mới Omicron vẫn đang được giới khoa học tìm hiểu, nhiều bậc cha mẹ thắc mắc liệu trẻ em có cần tiêm mũi nhắc lại để bảo vệ khỏi biến thể này hay không.
Theo dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, vaccine Pfizer-BioNTech có vẻ kém hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron. Hôm 8/12, Pfizer và BioNTech thông báo kết quả phòng thí nghiệm cho thấy vaccine 2 liều ban đầu có thể không đủ để ngăn ngừa lây nhiễm, mặc dù vẫn có thể bảo vệ khỏi bệnh nặng. Tuy nhiên, tiêm mũi nhắc lại dường như cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể Omicron.
Tuy nhiên, khi nói đến trẻ em, một số chuyên gia y tế và chuyên gia về vaccine cho biết, còn quá sớm để biết liệu chúng có cần tiêm nhắc lại hay không.
Dẫn lời Tiến sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ) và là đồng giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine của Bệnh viện Nhi Texas: “Trẻ em có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nói chung với vaccine, ít nhất là trong thời gian đầu. Sau khi tiêm liều thứ 2, hy vọng chúng vẫn có thể đạt được phản ứng miễn dịch với vaccine khá tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều điều chưa biết và mũi tăng cường có cần thiết hay không có thể thì vẫn đang được nghiên cứu”.
Vào tháng 10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép tiêm vaccine Pfizer ngừa COVID-19 liều thấp hơn cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã khuyến nghị mọi người trên 18 tuổi nên tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi 2 vaccine Pfizer hoặc Moderna 6 tháng hoặc sau khi hoàn thành các liều cơ bản vaccine Johnson & Johnson 2 tháng.
Tuần trước, Pfizer đã xin các cơ quan quản lý liên bang cấp phép cho mũi tiêm thứ 3 của mình cho thanh niên 16 và 17 tuổi. Tiến sĩ Simon Li, Phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Rutgers, nhà điều tra chính trong thử nghiệm lâm sàng vaccine Pfizer cho trẻ em, cho biết: “Rõ ràng tiêm chủng là một phương pháp tuyệt vời để chuẩn bị và ngăn ngừa mắc COVID-19 nghiêm trọng. Đối với mọi biến thể xuất hiện đều là như vậy. Và tôi sẽ rất sốc nếu hiệu quả đó không đúng với trường hợp của biến thể Omicron”.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, đã chia sẻ với CNN vào tháng trước rằng có khả năng trẻ em từ 12 - 15 tuổi sẽ cần tiêm nhắc lại, nhưng có thể không cần thiết. Trẻ em trong độ tuổi này có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và những thanh thiếu niên khỏe mạnh có phản ứng miễn dịch tốt hơn và mạnh hơn nhiều so với người lớn tuổi. Không có điều gì gây ngạc nhiên nếu khả năng bảo vệ của vaccine kéo dài hơn 6 tháng ở những người này.
Theo Tiến sĩ Li, kết quả thử nghiệm vaccine cũng phù hợp với đánh giá của ông Fauci. “Đó là những gì chúng ta đang thấy, liều lượng cần để tạo ra phản ứng miễn dịch rất mạnh ở trẻ em sẽ thấp hơn nhiều”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hotez cho biết không nhất thiết phải rút ngắn khoảng thời gian giữa mũi tiêm nhắc lại với các mũi tiêm cơ bản. Tiêm liều tăng cường quá sớm có thể không mang lại nhiều hiệu quả. Nói cách khác, nếu bạn đợi 6 tháng, thì kháng thể trung hòa virus có thể sẽ tăng mạnh hơn so với việc bạn tiêm sau 4 tháng.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron và vai trò của các mũi tiêm tăng cường trong việc bảo vệ con người khỏi lây nhiễm nó.
Ông Li nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác Omicron có độc tính như thế nào. Chúng tôi chỉ biết một thực tế rằng nó rất dễ lây lan. Hơn nữa, những đứa trẻ trong cuộc thử nghiệm Pfizer mà ông đang thực hiện có độ tuổi từ 6 tháng đến 11 tuổi, và một số trẻ hiện chỉ mới hoàn thành liều thứ 2. Vì vậy, chưa thể đề cập đến mũi nhắc lại cho trẻ em ngay lúc này”.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng sẽ phải xác định xem liều thứ 3 có an toàn cho trẻ em hay không./.
Từ khóa: mũi nhắc lại, trẻ em tiêm mũi nhắc lại, tiêm vaccine covid-19, vaccine covid-19
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN