Trẻ em bị lạm dụng tình dục trực tuyến - Những con số đáng báo động tại ASEAN
Cập nhật: 23/09/2024
Đạt thỏa thuận, COP29 vẫn gây tranh cãi về tài chính khí hậu (Ngày 27/11/2024)
Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi đô thị xanh (Ngày 28/11/2024)
VOV.VN - Cảm giác tội lỗi và sợ bị kỳ thị khiến nhiều trẻ em tiếp tục là nạn nhân của tình trạng lạm dụng trực tuyến đang rất nghiêm trọng tại ASEAN. Diễn đàn ASEAN lần thứ 3 về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng diễn ra tại Bali từ ngày 25 - 27/9 là cơ hội để các nước khu vực đưa ra hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này.
Một nghiên cứu lớn vào năm 2022 do nhóm nhân quyền ECPAT, UNICEF và Interpol thực hiện với sự hỗ trợ của Safeonline đã tiết lộ phạm vi đáng báo động của vấn đề. Tại Philippines, 20% trẻ em từ 12-17 tuổi cho biết, đã từng bị lạm dụng tình dục trực tuyến, tại Campuchia là 11%, 9% ở Thái Lan, 4% ở Malaysia, 2,2% ở Indonesia và 0,7% ở Việt Nam.
Châu Á- nơi có tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet cao nhất thế giới, với hơn một nửa số nạn nhân trẻ em cho biết, lần đầu tiên được tiếp cận trực tuyến, chủ yếu thông qua phương tiện truyền thông xã hội hoặc nền tảng trò chơi. Những kẻ phạm tội không chỉ sử dụng Internet để chia sẻ hình ảnh khiêu dâm của trẻ em mà còn cố gắng tiếp cận để gặp mặt trực tiếp, đe dọa và lạm dụng. Nghiên cứu cũng cho thấy, cả bé trai và bé gái đều là nạn nhân, cả ở vùng nông thôn cũng như thành thị. Điều đáng lo ngại hơn là những kẻ phạm tội lạm dụng tình dục trực tuyến cũng đến từ vòng tròn cá nhân đáng tin cậy xung quanh trẻ em chứ không phải là những người lạ trên các trang web đen. Nhiều trẻ em cho biết, không muốn tiếp cận cảnh sát hoặc các cơ quan chức năng khác để tố cáo vì lo lắng sẽ bị đổ lỗi. 1/3 nạn nhân cho biết, không dám tiết lộ với bất kỳ ai và cảm thấy tội lỗi vì chính những điều mình làm hàng ngày.
Hàng triệu hình ảnh và video về trẻ em được chia sẻ trên Internet, trong khi chính quyền ngày càng bối rối. Họ thiếu các công cụ và nguồn lực để chống lại tội phạm trong lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm các đơn vị chuyên trách và hệ thống cảnh báo mạnh mẽ. Lực lượng an ninh cũng không được đào tạo chuyên sâu về phòng ngừa và ứng phó với lạm dụng tình dục trẻ em - điều cần được thể chế hóa từ cấp Học viện. Chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật ở các nước ASEAN phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn làn sóng lạm dụng này.
Do đó, Diễn đàn ASEAN lần thứ 3 về bảo vệ trẻ em trực tuyến diễn ra tại Bali từ ngày 25-27/9 là cơ hội để các nước trong khu vực hành động từ các chính sách đến đào tạo, thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cuộc thảo luận tập trung vào những chiến lược mới để chống lại sự gia tăng theo cấp số nhân của nạn bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến ở Đông Nam Á và đặc biệt là vai trò của cơ quan thực thi pháp luật.
Cảnh sát và các cơ quan chức năng nên tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức phi chính phủ, công ty công nghệ và các nhóm cộng đồng để xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại nạn bóc lột tình dục trẻ em.
Những nỗ lực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại ASEAN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Ví dụ, năm 2019, các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức, bóc lột và lạm dụng trực tuyến. Những sáng kiến đáng khích lệ trong khu vực mà các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng như Indonesia, các sĩ quan được đưa vào cộng đồng để nâng cao nhận thức về phòng ngừa tội phạm, trong khi ở Philippines, cảnh sát sử dụng các kênh truyền thông xã hội cho mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, đối phó với vấn đề này không chỉ là vấn đề tiền bạc, nguồn lực cho hoạt động của lực lượng an ninh mà còn là về việc xây dựng lòng tin với cộng đồng và đảm bảo rằng trẻ em cảm thấy đủ an toàn để tiếp cận những người có thẩm quyền mà không sợ bị phán xét.
Từ khóa: trẻ em, lạm dụng tình dục trực tuyến, nạn nhân của lạm dụng tình dục trực tuyến, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, asean
Thể loại: Thế giới
Tác giả: phạm hà/vov-jakarta
Nguồn tin: VOVVN