Trái cây ĐBSCL: Liên kết lỏng lẻo, khó xây dựng thương hiệu
Cập nhật: 1 ngày trước
Thu hút kiều hối gần 16 tỷ USD: Điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam 2024
Cấu trúc lại ngành hàng: Nông dân, doanh nghiệp song hành phát triển
VOV.VN - Câu chuyện thiếu liên kết, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không theo tín hiệu thị trường đã khiến cho trái cây ở khu vực khó cạnh tranh với các nước có cùng chủng loại, đây đã và đang là vấn đề nan giải trong sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL.
Theo bà Ngô Tường Vy, Công ty Chánh Thu – một trong những công ty xuất khẩu trái cây hàng đầu khu vực, ĐBSCL đang vấp phải đó là sự manh mún, nhỏ lẻ, “một vườn có thể trồng 5 -10 loại cây”.
Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết khiến đã khiến cây ăn trái vùng ĐBSCL gặp khó trong xây dựng thương hiệu. Ông Huỳnh Thanh Minh, HTX nông nghiệp Long Bình, một trong những HTX sản xuất xoài keo lớn nhất huyện An Phú chia sẻ, HTX có khoảng 90 ha diện tích liên kết trồng xoài với người dân, khi tham gia liên kết đều tuân thủ theo đúng quy trình canh tác bền vững, sản phẩm xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích liên kết còn hạn chế, chưa thể xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung.
“Trong hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật như: mô hình phun mưa cục bộ, rồi sử dụng các loại phân hữu cơ, giảm tât cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, rồi chung tôi sử dụng việc tưới nhỏ giọt và sử dụng nước sông… để nhằm giảm thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, để áp ứng người tiêu dùng trong nước cũng như ngoài nước. Chúng tôi hướng tới nâng cao tay nghề cho bà con thành viên cũng như nâng cao chất lượng, làm sao để sản xuất ra đơn hàng chất lượng và nâng cao giá trị”, ông Huỳnh Thanh Minh cho hay.
Thực tế, quy mô sản xuất đang có tình trạng thiếu tập trung, phân tán diễn ra phổ biến, sản xuất của mỗi hộ dân bình quân khoảng 0,7 ha, trong khi đó, yêu cầu để cấp 1 mã số vùng trồng tối thiểu là 10 ha, việc liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp còn ít và còn nhiều loại trái cây chưa liên kết chặt giữa nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu.
Với sản lượng trái cây hàng năm trên 200.000 tấn, Cần Thơ đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ nhìn nhận, thành phố khuyến khích người dân hình thành những vùng cây ăn trái tập trung, liên kết thành vùng chuyên canh để sản xuất theo quy trình, kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.
“Hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo hướng chuyên canh có điều kiện để thiết lập và cấp mã vùng trồng, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu và gắn với truy suất nguồn gốc, nâng cao giá trị. Còn sản phẩm cây ăn trái đặc sản, cây ăn trái bản địa theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp đặt hàng thì TP. Cần Thơ gắn kết với doanh nghiệp, gắn kết với thị trường để phát triển từng loại cụ thể”, ông Trần Thái Nghiêm cho biết.
Một trong những mắt xích quan trọng để trái cây xuất khẩu đạt hiệu quả cao đó là mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Đây là hai tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng của mối liên kết.
Nhiều năm lăn lộn với nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu khẳng định, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai việc liên kết với các hợp tác xã và nhà nông. Khó khăn mấu chốt và khó giải quyết trong ngày một ngày hai là vấn đề chia sẻ quyền lợi giữa doanh nghiệp với nhà nông. Nguyên nhân do cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn "khư khư" quyền lợi bản thân nên rất khó đồng hành trong thời gian dài hoặc những lúc thị trường bất ổn.
Đây cũng là trăn trở của ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam: “Xây dựng chuỗi liên kết hết sức quan trọng, chúng ta tạo thành cái chuỗi mà phân chia trách nhiệm, vai trò, lợi ích…thì mới phát triển bền vững; nếu mạnh của ai người đó làm, nông dân sản xuất là việc của nông dân, còn doanh nghiệp thu mua là việc của doanh nghiệp thì rủi ro rất lớn cho thành phần tham gia chuỗi đó”.
Thời gian qua, việc áp dụng kỹ thuật của một số người dân ở ĐBSCL chưa được quan tâm đúng mức, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro của các lô hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi không tuân thủ nguyên tắc bốn đúng trong sử dụng gây rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu và uy tín nông sản Việt Nam.
Một trong những bất cập, trở ngại mà nông sản vùng ĐBSCL đang gặp phải là hạ tầng logistics. ĐBSCL đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản và gần 70% các loại trái cây. Tuy nhiên, có tới 70% lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL phải chuyển về TP.HCM và Vũng Tàu để xuất khẩu khiến chi phí vận tải tăng cao.
“Do tự người dân làm nên cơ sở hạ tầng chưa ổn; quy hoạch vùng trồng không đồng bộ; những đường giao thông đi vào cánh đồng…đầu tư của nhà nước và nhân dân còn chậm, chưa đẩy nhanh được tiến độ; nên việc vận chuyển hàng hóa bị châm lại, trung chuyển nhiều lần làm trái cây nó bị dập mất khoảng 30%, dập 30% là rất lớn”, ông Huỳnh Thanh Minh, HTX nông nghiệp Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ.
Một số nước nhập khẩu như Mỹ, Australia, EU và nhiều quốc gia khác yêu chiếu xạ trước khi xuất khẩu nên khiến cho nông sản trong vùng gặp thêm trở ngại khi xuất khẩu. Hiện nay, tại Cần Thơ và Hậu Giang đã có trung tâm chiếu xạ với quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu về chiếu xạ trước khi xuất khẩu của các doanh nghiệp và hai Trung tâm này đã góp phần giảm tải cho các trung tâm chiếu xạ tại TP. HCM, tạo sức cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL.
“Tạo ra thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL, chúng ta có những cơ sở đạt chuẩn. Mong muốn giúp đỡ cho các doanh nghiệp tạo thành gói dịch vụ trọn vẹn, như vậy tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Trọng Tín, Công ty chiếu xạ Cần Thơ cho biết.
Hiện phần lớn trái cây ở ĐBSCL xuất khẩu dưới thương hiệu của các công ty khác, kể cả là công ty nước ngoài, chỉ một số ít công ty xuất khẩu xây dựng được thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu là bài toán nan giải, cần có thời gian, chiến lược dài hạn và có sự hỗ trợ, đồng hành của người dân, bởi quyết định chất lượng trái cây chính là người nông dân.
Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã “bộc lộ” những hạn chế về chuỗi liên kết, cung ứng và xây dựng thương hiệu. Việc xuất khẩu thô chiến tỷ trọng lớn đã khiến cho sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam đang thua thiệt so với nhiều quốc gia khác. Trong phần cuối của loạt bài “Để miền trái ngọt vươn mình bứt phá” chúng tôi sẽ làm rõ những thời cơ, thuận lợi để ngành hàng trái cây vùng ĐBSCL chuyển mình, khẳng định thế mạnh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài viết cùng loạt bài: "Để miền trái ngọt vươn mình bứt phá"
Bài 1: Vì sao chưa thể xây dựng thương hiệu trái cây “Made in Vietnam”
Bài 2: Liên kết lỏng lẻo, khó xây dựng thương hiệu
Bài 3: Cấu trúc lại ngành hàng - Nông dân, doanh nghiệp song hành phát triển
Từ khóa: Liên kết, xây dựng thương hiệu, trái cây, cây ăn trái, ĐBSCL,trái cây đbscl ,hoa quả,miền tây
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nhóm pv/vov - đbscl
Nguồn tin: VOVVN