TPHCM: Vì sao bảo tàng nơi đông đúc chỗ đìu hiu?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Bảo tàng là 1 trong những điểm du lịch, tham quan của du khách và người dân TP HCM. Tuy nhiên, không phải bảo tàng nào cũng thu hút đông người xem.
TP HCM có 10 bảo tàng lớn do các cơ quan nhà nước quản lý, khai thác. Các bảo tàng này chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Bảo tàng vốn được xem là một trong những điểm du lịch, tham quan của cả du khách lẫn người dân TP. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng thu hút đông người tham quan, có những bảo tàng khá đìu hiu.
Cảnh vắng vẻ hàng ngày ở Bảo tàng Mỹ thuật. |
Buổi sáng ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khá đông khách du lịch nước ngoài và các đoàn bộ đội, học sinh đến tham quan. Ngoài số hiện vật, tư liệu khổng lồ về chiến tranh khốc liệt mà bảo tàng này lưu giữ thu hút khách đến tìm hiểu, các hoạt động có liên quan như trưng bày chuyên đề, giao lưu với nhân vật, đổi mới cách sắp xếp và trang trí hiện vật bằng ánh sáng… cũng giúp bảo tàng luôn đông khách. Bảo tàng còn phần song ngữ Việt- Anh khá chi tiết cho từng hiện vật, tư liệu để khách có thời gian tự tìm hiểu, các nội dung trưng bày cũng theo hướng khách quan, thể hiện các ý kiến đa dạng.
Một nhóm họa sỹ người Thái Lan đem theo phiên dịch khi đến tìm hiểu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. |
Ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết, yếu tố thu hút khách đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ngày càng đông là ở sự thay đổi hình thức bên ngoài, nội dung trưng bày, các dịch vụ kèm theo. Thời gian gần đây, bảo tàng thường xuyên chỉnh lý các nội dung trưng bày, đưa thiết bị công nghệ vào để giúp khách nắm nội dung tốt nhất.
Thế nhưng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong không nhiều bảo tàng ở TP HCM ngày nào cũng đông khách. Phần lớn các bảo tàng khác chỉ có khách vào thứ Bảy, Chủ nhật, dịp nghỉ lễ hoặc nhân dịp có các triển lãm, trưng bày, còn ngày thường thì khá đìu hiu.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thì luôn đông khách. |
Có một số nguyên nhân khiến bảo tàng chưa hút khách, trong đó có thể kể đến nguyên nhân khách quan là người dân TP và cả khách du lịch trong nước chưa có thói quen tìm đến bảo tàng. Chị Nguyễn Thanh Tú, nhà ngay ở quận 1, chỉ vài phút đi xe máy, thậm chí là đi bộ cũng đến được nhiều bảo tàng, nhưng rất ít khi chủ động đến tham quan, trừ khi có bạn bè, người quen mời dự triển lãm…
“Người dân mình ít chọn điểm đến là bảo tàng. Tôi chỉ đến bảo tàng khi nào người ta tổ chức triển lãm. Có lần tôi nói chuyện với một Việt kiều, họ hỏi tôi là sao tôi không đến bào tàng, tôi nói là tôi không có thời gian thì họ phê bình tôi. Họ nói, nơi đó là nơi mà giúp bạn hiểu rõ tất cả những gì xảy ra trong xã hội nơi bạn đang sống, nếu bạn đến bảo tàng tìm hiểu thì bạn thấy rất thú vị”- Chị Tú nói.
Cùng với nguyên nhân khách quan do người dân ít chọn bảo tàng làm điểm đến tham quan, tìm hiểu thì còn có nguyên nhân chủ quan ở chính các bảo tàng. Cụ thể như Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ với các hiện vật, bộ sưu tập khá hấp dẫn nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp cũng là một điểm trừ. Hiện bảo tàng này đang được nâng cấp, vừa sửa chữa vừa xây mới với mong muốn có đông khách hơn sau bao nhiêu năm đìu hiu.
Còn Bảo tàng Mỹ thuật cũng vậy, dù có thể nhận thấy bảo tàng đã rất nỗ lực trong trưng bày nhưng vẫn thiếu một không gian lộng lẫy tương xứng với các tác phẩm nghệ thuật. Một hướng dẫn viên du lịch đang đưa khách tham quan bảo tàng này kể, công việc của chị thường xuyên đưa khách du lịch nước ngoài đến đây để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật và đa số khách đều tiếc khi không gian trưng bày thiếu đi sự lung linh, rực rỡ, thậm chí là thiếu ánh sáng.
Hệ thống ánh sáng hiện đại ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh khiến không gian trưng bày trở nên thu hút. |
Một điểm đáng buồn nữa là hiện nay, việc giải thích, bàn luận một cách am hiểu, cặn kẽ, sâu sắc bằng tiếng Anh khi khách có nhu cầu ở phần lớn các bảo tàng của TP còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị Phương Lan, nhân viên Phòng Văn hóa, Viện Goethe TP HCM kể, hàng năm Viện này đón rất nhiều đoàn nghệ sỹ người Đức đến biểu diễn, giao lưu văn hóa và các bảo tàng của thành phố là điểm đến không thể thiếu.
Đợt này, chị sắp đón một đoàn khách là các họa sỹ người Đức đến TP HCM, có một số yêu cầu tìm hiểu chuyên sâu về mỹ thuật thông qua bảo tàng. Qua khảo sát tiền trạm, theo chị, hiện chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng TP HCM luôn có sẵn phần giải thích chuyên sâu, chi tiết bằng tiếng Anh và làm tốt việc này. Các bảo tàng còn lại nếu khách có nhu cầu thì phải liên hệ trước hoặc gửi email rồi bảo tàng trả lời sau. Khách nước ngoài sau khi xem qua, muốn tìm hiểu sâu hơn cũng phải chờ.
“Khả năng truyền tải thông tin của các bảo tàng trong TP chưa được nhiều. Chẳng hạn như, các vị khách nước ngoài có nghiên cứu thì họ rất muốn là sau khi đi thăm bảo tàng mà họ có câu hỏi thì họ sẽ hỏi ai, họ muốn có những cuộc nói chuyện với những người có chuyên môn. Điều này ở các bào tàng nước ngoài rất dễ dàng vì bào tàng luôn có đội ngũ có chuyên môn, túc trực ở bảo tàng và có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào, vào bất cứ lúc nào. Còn ở Việt Nam mình, dường như điều đó rất hạn chế”- chị Phương Lan cho biết thêm.
Như vậy, để bảo tàng hút khách hơn thì chính các bảo tàng phải tự đổi mới mình, từ cách trưng bày, nội dung trưng bày đến cách giới thiệu, truyền tải cho người xem, người nghe. Tất cả phải đồng thời có chiều rộng và chiều sâu. Tức là có tính đại chúng để ai cũng có thể xem được, hiểu được, cảm thấy thích được, đồng thời phải có tính chuyên sâu để phục vụ những khách có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu./.
Tiếp nhận hiện vật hiến tặng bảo tàng Mặt trận tổ quốc Việt Nam
Bảo tàng dược học độc đáo giữa lòng đô thị Bình Dương
Từ khóa: bảo tàng, bảo tàng mỹ thuật, vì sao bảo tàng đìu hiu, du khách
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN