TP.HCM chuyển đổi hình thức đầu tư, tái khởi công cây cầu bị “treo” nhiều năm
Cập nhật: 21/06/2024
VOV.VN - Sáng nay (21/6), dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM) chính thức được khởi công trở lại, sau gần 6 năm dừng thi công dang dở. Đây là cây cầu nằm trên trục chính giao thông kết nối các quận: Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh mà gần chục năm nay, người dân phải chật vật khi lưu thông trên cầu tạm ùn tắc triền miên.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã được khởi công từ đầu năm 2018 theo hình thức đầu tư đối tác công tư (BOT) với dự kiến hoàn thành thông xe trong năm. Thế nhưng khi xây dựng được 70% khối lượng công việc thì công trình phải tạm ngừng thi công cho đến nay, do chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng và vướng mắc về cơ chế đầu tư không phù hợp.
Nay dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã được chuyển từ hình thức đầu tư BOT trước đây sang hình thức đầu tư công và chính thức khởi công trở lại.
Ông Dương Văn Nhân (khu phố 5, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân) một trong các hộ dân hưởng ứng bàn giao mặt bằng sớm cho dự án chia sẻ, rất phấn khởi khi dự án “treo” lâu nay được tái khởi động lại và ý kiến người dân được tiếp thu.
“Khi cầu bị sập phải di chuyển qua 2 cầu tạm thì nhiều phương tiện xe cỡ lớn của bà con bị hạn chế lưu thông, gây khó khăn cho nhiều người. Đây là tuyến đường khá quan trọng, nhưng khi xây dựng theo hình thức BOT là phải thu phí người đi đường khi đưa vào sử dụng. Thành thử ra cánh tài xế họ phản đối. Khi mà Nhà nước điều chỉnh lại hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước là bà con rất là mừng” - ông Dương Văn Nhân nói.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), đây cũng là dự án đầu tiên TP.HCM áp dụng cơ chế chuyển từ hình thức BOT sang đầu tư công.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM cho biết, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý dự kiến hoàn thành cuối năm nay, cùng với đường Tân Kỳ - Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1A đến trung tâm TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
“Có thể nói đây là công trình đầu tiên thành phố chuyển đổi từ phương thức BOT sang đầu tư công. Khi hoàn thành, công trình này sẽ giải quyết vấn đề nút thắt giao thông rất là lớn, khi mà toàn bộ dòng xe từ Quốc lộ 1A di chuyển về trung tâm TP.HCM phải chờ qua cây cầu tạm trong thời gian rất lâu. Và đây cũng là công trình tạo ra trục kết nối mới, tạo điều kiện phát triển cho quận Bình Tân cũng như các đơn vị xung quanh trong thời gian tới” - ông Lương Minh Phúc nói.
Dự án có mục tiêu xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý bằng bê-tông cốt thép với tổng chiều dài 385m, trong đó phần cầu dài 83m; mặt cắt ngang cầu 4 làn xe ô tô cùng 2 lề đi bộ. Dự án cũng xây dựng đường gom 2 bên cầu dài 367m, cùng 86m kè bê-tông cốt thép dự ứng lực dọc 2 bên bờ kênh Tham Lương tại vị trí cầu. Với tổng mức đầu tư là 491 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 44 tỷ đồng, chí phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật 190 tỷ đồng, chi phí thanh toán cho nhà đầu tư trước đây là 230 tỷ đồng.
Từ khóa: dự án treo, TP.HCM, hình thức đầu tư, dự án treo, dự án cầu, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: tỷ huỳnh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN