TP HCM: Trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng vọt

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Hiện tại, dù chưa phải đỉnh dịch, nhưng số ca bệnh hô hấp nhập viện tại TP.HCM đã bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt trong 2 tuần trở lại đây. Các bệnh viện nhi đồng đang đưa ra kịch bản chuẩn bị đối phó với tình trạng quá tải.

Bệnh nhi nhập viện do hô hấp tăng vọt

Sáng nay, đưa con 4 tuổi đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, chị Phan Thị Mỹ Châu, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, con chị lên cơn sốt và ho nhiều. Lo lắng nên chị đã tức tốc đưa con đi lên tận TP.HCM để được khám từ sớm.

“Chiều hôm qua bé đi học bình thường, rồi về nhà thì đừ người, khóc, cho nên sáng nay mình đưa lên đây luôn. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm họng và yêu cầu theo dõi 2 ngày nếu không bớt sẽ phải xét nghiệm máu”, chị Mỹ Châu chia sẻ.

Còn chị Thị Giang từ Bình Phước thì đã chăm con ở Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 gần 1 tháng nay. Bé bị nóng sốt, tím tái toàn thân. Sau khi điều trị ở bệnh viện địa phương, bé được chuyển lên tuyến trên. “Bé bị viêm phổi nặng, sau khi điều trị một thời gian thì tiếp tục bị tiêu chảy, kèm ói. Mấy bữa nay bé mới ổn, không ói, không tiêu chảy nữa, tình trạng đã giảm vài ngày. Nhưng bác sĩ vẫn chưa thông báo về việc chuẩn bị xuất viện hay chưa”, chị Giang cho biết.

Tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đang điều trị cho khoảng 210 trẻ nội trú.

BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hai tuần gần đây, khoa tiếp nhận số bệnh nhân gia tăng từ 20-25% so với cách đây 1 tháng.

Có một số trẻ nhập viện nặng phải nằm phòng cấp cứu do suy hô hấp nặng, trong đó nhiều trẻ phải hỗ trợ thở oxy, thở máy. Hiện tại, phòng cấp cứu của khoa đang có khoảng 20 bệnh nhi, chiếm tỷ lệ 10-15% tổng số trẻ nội trú của khoa. Phần lớn độ tuổi các trẻ này là dưới 3 tuổi.

Theo bác sĩ Phong, số ca bệnh hô hấp đã bắt đầu tăng nhưng vẫn chưa phải đỉnh dịch. Hằng năm, đỉnh dịch hô hấp có thể diễn ra vào tháng 11. Bệnh viện  đã chủ động các biện pháp sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, các kịch bản đối phó với bệnh nặng, dự kiến thường xảy ra vào quý 4 hàng năm.

“Diễn biến của bệnh đường hô hấp thời điểm này cũng không phải quá khác biệt gì so với mọi năm. Triệu chứng bệnh nặng ở trẻ cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhớ, đặc biệt là vấn đề tiêm ngừa cho trẻ. Phụ huynh lưu ý nếu trẻ có đủ điều kiện tiêm ngừa thì hãy tiêm, và chú ý xem những mũi vaccine nào còn thiếu thì mình nên lưu ý đưa trẻ đi tiêm ngừa”, BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong khuyến cáo.

Không có bệnh hô hấp mới

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ mắc các bệnh hô hấp nhập viện điều trị đã tăng gần gấp đôi so với một tuần trước.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị số lượng bệnh nhi hô hấp tăng cao so với các tháng khác trong năm.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân hô hấp tương đương so với cùng kỳ năm 2023 (bệnh viêm tiểu phế quản 129% và viêm phổi 90,8% so với cùng kỳ năm 2023).

“So sánh trong vòng 5 năm (2019-2024), số lượng bệnh nhân hô hấp trong năm 2024 tương đương với các năm trước đó. Vì vậy, đây không phải đợt bệnh hô hấp mới, mà là đợt tăng bệnh hô hấp do các siêu vi thông thường theo mùa hàng năm”, BS Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho hay, thông thường, bệnh hô hấp có hai mùa tăng, là mùa trời mát chuyển sang trời nóng, và mùa trời nóng chuyển sang trời hơi se lạnh (trong khoảng tháng 10 đến tháng 12). Vào thời điểm cuối năm thì số ca bệnh hô hấp sẽ tăng cao hơn.

Nguyên nhân là do thời tiết phù hợp cho virus phát triển. Đồng thời, đây là thời điểm trẻ em đến trường học sau hè, môi trường tiếp xúc của trẻ nhiều thì có nguy cơ lây từ trường về nhà. Đó là những yếu tố làm cho bệnh hô hấp tăng cao.

Để đối phó với tình trạng bệnh gia tăng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã xây dựng phương án dự phòng, bao gồm tăng cường giường bệnh và chia sẻ bệnh nhân giữa các khoa khác nhau như Khoa Nội tổng quát, Khoa Tiêu hoá, Khoa Thận. Đặc biệt, các bệnh nhi có thể điều trị ngoại trú và chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết.

“Đối với một số trẻ nhỏ, nhất là dưới 6 tháng, khi bị bệnh hô hấp thì có khả năng khó thở nhiều hơn nên số lượng trẻ nhập viện đông. Đặc biệt một số trẻ có cơ địa suyễn hoặc có sẵn bệnh phổi mãn tính nên khả năng nhiễm bệnh nhiều hơn. Đa số các đợt nhập viện là do viêm tiểu phế quản và tới theo mùa”, BS Trương Hữu Khanh lưu ý.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh viêm phổi ở trẻ như ho kèm thở nhanh hơn bình thường, đưa trẻ đến bệnh viện khám kịp thời.

Các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xem xét nhập viện gồm: thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không uống được, tím tái.

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh hô hấp nặng gồm trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh (tim, phổi), các bệnh lý thần kinh cơ, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, có bất thường về nhiễm sắc thể do hội chứng Down...

Từ khóa: hô hấp, trẻ em,nhập viện,đỉnh dịch,viêm đường hô hấp,dấu hiệu viêm phổi,Bệnh viện Nhi đồng 1,Bệnh viện Nhi đồng 2

Thể loại: Xã hội

Tác giả: kim dung/vov-tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan