Tổng tuyển cử năm 1976 - bước chuyển mình mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam
Cập nhật: 23/04/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
[VOV2] - GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: Cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1976 thể hiện sự nhất quán của Đảng ta, là một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự thống nhất về mọi mặt của Nhà nước Việt Nam.
Cách đây 45 năm, ngày 25 tháng 04 năm 1976, hơn 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước Việt Nam tiến lên theo con đường CNXH, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với GS, TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
# PV: Thưa ông, ngày 06/01/1946, nhân dân ta từ Bắc đến Nam, đã nô nức đi bầu cử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ. Cuộc Tổng tuyển cử này có vai trò và ý nghĩa quan trọng, làm tiền đề cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức vào ngày 25 tháng 04 năm 1976. Vậy ông có thể cho biết bối cảnh cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được diễn ra như thế nào?
- GS, TS Trần Ngọc Đường: Cuộc tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, được diễn ra sau khi nước nhà được độc lập. Chúng ta biết 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập và ngày 03/09 thì Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp phiên đầu tiên. Trong phiên họp đó Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trong đó nhiệm vụ thứ ba là nhanh chóng tổ chức cuộc tổng tuyển cử để về đối ngoại, nhân dân thế giới thừa nhận về mặt pháp lý Nhà nước non trẻ của chúng ta, còn về đối nội thì như Chủ tịch HCM đã nói: nhân dân tin tưởng và phấn khởi vì đất nước được độc lập, do đó phải tiến hành bầu cử ngay cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ sau hàng nghìn năm sống dưới chế độ phong kiến thực dân khổ cực. Trong bối cảnh lúc bấy giờ chính quyền của ta còn non trẻ ngàn cân treo sợi tóc, ở Nam Bộ cũng như Nam Trung Bộ thì giặc Pháp gây hấn và cuộc tuyển cử ở miền Nam diễn ra dưới họng súng của kẻ thù, nhiều người đã ngã xuống khi bỏ phiếu. Theo thống kê khoảng 40 chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã hi sinh trong cuộc bầu cử ấy. Còn ở miền Bắc thì các thế lực thù địch Việt Quốc, Việt Cách tìm đủ mọi cách, dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để chống phá cuộc bầu cử ngày 6/1/1946. Nhưng với khí thế hừng hực của nhân dân ra thì mọi người đều đồng lòng, phấn khởi đi bỏ phiếu, có tới 90% số cử tri đã tham bỏ phiếu và cuộc Tổng tuyển cử đã dành được thắng lợi vẻ vang và mang lại ý nghĩa to lớn
# PV: Vâng, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước, lúc này đòi hỏi đất nước cần phải được hợp lại thành một thể thống nhất để có thể phát triển. Chính vì vậy, sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung đã được tổ chức trên phạm vi cả nước vào ngày 25/04/1976. Vậy ông có thể cho biết ý nghĩa và vai trò của cuộc Tổng tuyển cử này đối với sự phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
- GS, TS Trần Ngọc Đường: Cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 diễn ra trong bối cảnh khác với cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xoá bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. .. Ở miền Bắc là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có chính quyền là Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền ở địa phương. Ở Miền Nam là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Đảng xác định cần phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.
# PV: Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất năm 1976 là một trong những mốc son trong lịch sử Cách mạng nước nhà. Điều đó được thể hiện qua một số điểm nổi bật nào thưa ông?
- GS, TS Trần Ngọc Đường: Có thể nói cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là thống nhất về mặt pháp lý, tuyên bố với nhân dân trong nước và thế giới về đất nước Việt Nam độc lập. Còn cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 là thống nhất về mặt pháp lý nhà nước, cả hai miền Nam và Bắc có một Quốc hội thống nhất, một Nhà nước thống nhất và chính quyền các cấp thống nhất.
Ý nghĩa thứ hai là thể hiện sự nhất quán của Đảng ta, là thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Đây chính là thành quả vĩ đại của 45 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, là thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.
Ý nghĩa thứ ba là thể hiện tinh thần quật khởi của nhân dân ta sau cuộc đại thắng lợi kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây còn là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta trong việc quyết tâm đánh thắng mọi thế lực thù địch, phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp.
Như vậy có thể khẳng định cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 là một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự thống nhất về mọi mặt của Nhà nước Việt Nam ta sau hơn 20 năm bị chia cắt hai miền Nam, Bắc
# PV: Kết quả cuộc tổng tuyển cử dẫn đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI- Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quốc hội khóa VI và các khóa sau này đã tiếp tục thực hiện trọng trách to lớn của mình như thế nào trong việc thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
- GS, TS Trần Ngọc Đường: Sau cuộc bầu cử năm 1976 thì Nhà nước thống nhất từ Nam ra Bắc, chúng ta có một Chính phủ, một Quốc hội thống nhất và làm chung một nhiệm vụ là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu nhà nước chuyển sang một giai đoạn mới, theo một thể thống nhất, cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Quốc hội khóa VI đã tiếp tục thực hiện trọng trách to lớn trong việc thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, Hiến pháp 1980, đánh dấu bước chuyển mình, sự phát triển mới trong công tác lập hiến.
# PV: Thưa GS, TS Trần Ngọc Đường, ông kỳ vọng gì vào cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND diễn ra vào ngày 23/05 tới đây?
-GS, TS Trần Ngọc Đường: Đây cũng là bước đầu cho việc xây dựng một thời kì mới, đưa đất nước bước sang một trang mới, đẩy mạnh hội nhập, nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thử thách và khó khăn, nhất là trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh covid 19 trong nước và thế giới. Quốc hội sắp tới do nhân dân bầu ra sẽ thực hiện nhiệm vụ mà đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Tôi rất hi vọng tiếp tục truyền thống của Quốc hội trong mấy chục năm qua, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ đảm đương được những trọng trách lớn đó là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Mong rằng Quốc hội sẽ bầu ra một Chính phủ mới năng động và sáng tạo, kiến tạo./.
-Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (25/04/1976) được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%; miền Nam 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm
-Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau ngày thống nhất, thắng lợi rực rỡ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong số 492 đại biểu Quốc hội khóa VI, có 16,26% là công nhân, 20,33% là nông dân, 1,22% là thợ thủ công, 28,66% là cán bộ chính trị, 10,97% là quân nhân cách mạng, 18,5% là trí thức, 4,06% là nhân sĩ dân chủ và tôn giáo. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội khóa VI là 26,21%; tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số là 14,28%.
Sau ngày Tổng tuyển cử hai tháng, vào sáng ngày 24/6/1976, Quốc hội khóa VI-Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, đã khai mạc Kỳ họp thứ nhất với sự có mặt của đông đảo các đại biểu Quốc hội cả hai miền Nam - Bắc của non sông Việt Nam
Từ khóa: Tổng tuyển cử Quốc hội thống nhất năm 1976, GS - TS Trần Ngọc Đường
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2