Tổng thống Trump công du Ấn Độ: Lực đẩy mới cho quan hệ Mỹ-Ấn
Cập nhật: 26/02/2020
VOV.VN - Chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Trump đã để lại nhiều kết quả đáng chú ý, được xem là “cú hích chính trị” cho cả Mỹ và Ấn Độ.
Một trong những tâm điểm mà truyền thông quốc tế chú ý trong 2 ngày qua là các hoạt động của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Ấn Độ, trong chuyến thăm lần đầu tiên của ông tới quốc gia Nam Á này. Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Trump đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cao hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong cục diện an ninh khu vực. Do đó, chuyến thăm được cho là sẽ tạo động lực tăng cường hợp tác Mỹ - Ấn trong khuôn khổ chiến lược này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trước hơn 100.000 người dân Ấn Độ. (Ảnh: AFP/Getty) |
Ngoài ra, chuyến công du Ấn Độ trong vòng 36 giờ đồng hồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để lại nhiều kết quả đáng chú ý, được xem là “cú hích chính trị” cho cả ông Trump lẫn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Kết quả đáng chú ý trong chuyến thăm
Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra với một quy mô và sự đón tiếp trọng thị chưa từng thấy trong thông lệ ngoại giao thông thường. Chỉ trong 36 giờ có mặt tại Ấn Độ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đã trở thành tâm điểm của truyền thông và công chúng khắp thế giới với rất nhiều hoạt động.
Tổng thống Mỹ có mặt tại những địa điểm biểu tượng của đất nước Ấn Độ, đồng thời công bố những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Dường như nước chủ nhà Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi đã rất thành công trong việc tạo ra ấn tượng với nhà lãnh đạo Mỹ và thế giới, đồng thời ghi điểm trong mắt công chúng Ấn Độ.
Xét về kết quả, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ cũng có thể nói là một thành công, trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ có những khác biệt về thương mại thời gian qua. Trước hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng chủ nhà Narendra Modi quyết định nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên mức độ mới, với tên gọi Đối tác toàn diện toàn cầu, hàm ý sự hợp tác giữa hai nước không chỉ dựa trên mức độ Chính phủ mà còn trên nền tảng nhân dân hai nước.
Gây ấn tượng lớn nhất trong chuyến đi lần này phải kể tới hợp đồng mua trang thiết bị quân sự với trị giá lên tới 3 tỷ USD, khi Ấn Độ đặt mua các máy bay trực thăng tấn công Apache và MH-60 Romeo từ các nhà sản xuất Mỹ. 3 bản ghi nhớ cũng được hai nước ký trong lần này, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước cũng nhất trí tạm dừng các biện pháp trả đũa thuế quan và khởi động giai đoạn đầu đàm phán về một hiệp định thương mại song phương. Đây sẽ là cơ sở để giải quyết những tranh cãi thương mại và trả đũa qua lại giữa Mỹ và Ấn Độ.
Lợi ích chính trị mà 2 nhà lãnh đạo đạt được
Giới phân tích đều cho rằng đây thực sự là một “show diễn” chính trị lớn, mà trong đó hai nhà lãnh đạo: Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thể hiện dấu ấn cá nhân của mình. Và tất nhiên, họ đã đạt được các mục tiêu đặt ra. Trước hết, cần phải hiểu bối cảnh của chuyến thăm này. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang ở trong năm bầu cử và đã vượt qua cuộc bỏ phiếu luận tội tại Quốc hội. Việc quyết định sang thăm Ấn Độ do vậy nằm trong tính toán của ông chủ Nhà Trắng nhằm chuẩn bị cho cuộc đua tái tranh cử. Đó là khởi động cuộc đàm phán thương mại với đối tác 1,3 tỷ dân này.
Tổng thống Mỹ nhìn thấy các cơ hội kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới khi Mỹ có thể đàm phán được một thỏa thuận thương mại nhằm giành lấy lợi thế cho các công ty Mỹ. Bên cạnh đó là tiềm năng hợp tác về quân sự, quốc phòng, điển hình là thương vụ bán máy bay trực thăng trị giá 3 tỷ USD vừa được ký kết. Thứ hai, Mỹ cũng muốn củng cố quan hệ với Ấn Độ trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Sự tham gia của Ấn Độ, một cường quốc khu vực từ năm 2017 giúp Mỹ thực hiện các chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu.
Còn về phía Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi và đảng cầm quyền BJP đang phải chịu nhiều áp lực ở trong nước suốt thời gian qua. Áp lực này bắt nguồn từ việc bãi bỏ điều 370 Hiến pháp vốn trao quy chế tự trị cho các vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir. Đó còn là việc ban hành đạo luật Công dân sửa đổi gây tranh cãi khi bị coi là phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ phần nào giúp giải tỏa những thách thức này bằng các nghi thức ngoại giao đặc biệt. Thành tích ngoại giao còn giúp ông Modi và đảng cầm quyền lấy lại thiện cảm trong mắt công chúng. Rất nhiều lần trong chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi sự lãnh đạo của thủ tướng Modi, đảng BJP cũng như sự tương đồng về giá trị giữa hai nước. Đó chính là yếu tố cần thiết trong bối cảnh này với chính quyền Ấn Độ.
Lực đẩy trong quan hệ Mỹ-Ấn
Về mặt an ninh chiến lược, trong chuyến thăm này, chính quyền Ấn Độ đã nhận được sự đảm bảo chắc chắn của Tổng thống Mỹ một khi Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban tại Afghanistan, và rút quân khỏi đây. Lập trường trung lập cũng được nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh khi đề cập tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn để ngỏ khả năng làm trung gian để Ấn Độ và Pakistan giàn xếp tranh chấp ở Kashmir, cũng như ngăn chặn khủng bố qua biên giới. Đây là một thành công của nước chủ nhà khi gắn kết các lợi ích cốt lõi của mình vào trong tổng thể mối quan hệ Đối tác toàn diện toàn cầu với Mỹ.
Trong tuyên bố chung giữa hai nước, Mỹ và Ấn Độ còn nhắc tới sự tương tác trong không gian Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương mà Ấn Độ là một trong những trụ cột. Sự phối hợp này không chỉ là việc đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Mỹ và Ấn Độ còn muốn phối hợp cùng ASEAN nhằm thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho tranh chấp hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đặt trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc gây nên những lo ngại tại khu vực, đặc biệt là trên các vùng biển, đây chính là hàm ý lớn nhất của mối quan hệ Mỹ - Ấn đối với khu vực trong tương lai.
Có thể nói, đối với cả Mỹ và Ấn Độ, cái bắt tay giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Modi, kèm nhiều thỏa thuận hợp tác song phương vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng đối với những tính toán chính trị của cả hai nhà lãnh đạo. Ấn Độ nằm trong số ít các quốc gia duy trì và xử lý tốt mối quan hệ liên minh với Mỹ. Chính vì vậy, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này chắc chắn sẽ tạo lực đẩy cho mối quan hệ Mỹ - Ấn tiến xa hơn./.
Từ khóa: Tổng thống Trump thăm Ấn Độ, quan hệ Mỹ-Ấn, cú hích chính trị, Donald Trump, Modi
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN