Tổng cục Thuế bảo thủ với thuế thu nhập cá nhân?
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
Tổng cục Thuế lấy chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013 để cho rằng chưa phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Tổng cục Thuế vừa có thông tin xoay quanh việc xem xét, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI biến động trên 20%. Cơ quan này cho biết, quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN), mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người (108 triệu đồng/năm), và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người.
Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế lại lấy cập nhật chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 18,17% so với thời điểm 1/7/2013 và cho rằng chưa đến mức biến động 20% để phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Trong khi đó, theo cập nhật của Tiền Phong, nếu cộng cả chỉ số CPI tháng 7/2019 thì tổng CPI đã tăng 20,39% so với thời điểm 1/7/2013 (bảng số liệu đính kèm).
Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 ngày 27/8, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN, Bộ Tài chính cũng cho rằng, chỉ số CPI hiện đã vượt trên 20%, theo luật cần phải sửa đổi Luật Thuế TNCN.
“Hiện tại, Vụ Chính sách thuế đang chủ trì báo cáo Bộ Tài chính. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội”, bà Lan thông tin thêm.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rõ ràng cơ quan soạn thảo luật, thực thi chính sách thuế có biểu hiện “quan liêu” vì để quá chậm. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, hiện tại Bộ Tài chính đang phải sửa 6 luật thuế. Cho nên cách tính giảm trừ gia cảnh như thế nào, căn cứ vào mức lương tối thiểu, chỉ số CPI... là một bài toán khó. “Do đó, họ cũng cần rà soát, xem xét cụ thể”, vị chuyên gia chia sẻ.
Trái lại, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO còn cho biết: “Không cháy nhà, chết người, không ai đốc thúc, không ai ép buộc thì họ cứ lơ đi. Hơn nữa, cứ để luật thế lại tăng nguồn thu ngân sách cho bộ, nhà nước. Chỉ khi nào báo chí, nhân dân lên tiếng mạnh mẽ, lên tới Chính phủ, Quốc hội ý kiến mới có điều chỉnh”.
Theo luật sư Đức, điều cần làm, trước hết là cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện đúng luật!
Trước ý kiến có cần phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không? Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đầu tiên Chính phủ phải kiểm soát lạm phát, sau đó mới xem xét có điều chỉnh hay không. Bởi theo luật sư, việc điều chỉnh này liên quan tới tổng thể chính sách thuế.
Bên cạnh giảm trừ gia cảnh, theo luật sư Trương Thanh Đức cần xem xét, khấu trừ các chi phí hợp lệ khác của người dân như khám chữa bệnh, giáo dục, làm từ thiện, mua bán nhà đất,...có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Nếu không giảm trừ các khoản chi phí hợp lệ thì mới cần thiết xem xét mức giảm trừ gia cảnh./.
Có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
Từ khóa: tiền thuế, thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh, soạn thảo luật, kiểm soát lạm phát
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN