Tổ hợp vũ khí giúp Nga vô hiệu hóa đạn pháo chính xác của Mỹ ở Ukraine
Cập nhật: 21/11/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga có thể chế áp được đạn pháo chính xác cao M982 Excalibur bằng cách làm nhiễu tín hiệu GPS và khiến chúng bắn chệch trúng mục tiêu.
Tác chiến điện tử là thế mạnh của Nga từ giữa thế kỷ 20 và xuất phát từ học thuyết quân sự của Liên Xô nhấn mạnh vào việc “tích hợp tổng thể các nguồn lực tác chiến điện tử và hủy diệt vật lý” trên chiến trường. Ngày nay, Nga có một loạt hệ thống tác chiến điện tử từ tầm ngắn, tầm trung đến tầm xa và cực xa.
Nhờ các hệ thống này, không chỉ UAV của Ukraine bị bắn hạ với số lượng lớn mà Nga còn có thể sử dụng UAV thường xuyên một cách hiệu quả mà không bị cản trở.
Tạp chí Forbes của Mỹ gần đây cho rằng, vấn đề lớn đối với quân đội Ukraine là Nga có lợi thế công nghệ. Các công nghệ tiên tiến cho phép Nga “tấn công chính xác các mục tiêu của Ukraine, đồng thời hạn chế hiệu quả của pháo binh đối phương”.
Bài báo nhấn mạnh vào việc Nga sử dụng UAV cảm tử Lancet và hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 (Filed-21) có khả năng làm nhiễu tín hiệu GPS.
Phó giáo sư Vikram Mittal tại Khoa Kỹ thuật Hệ thống thuộc Học viện Quân sự West Point của Mỹ nhận định, hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga có thể chế áp được đạn pháo chính xác cao M982 Excalibur của Mỹ, ngăn chúng bắn trúng mục tiêu.
“Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga đã làm nhiễu tín hiệu GPS cần thiết để Ukraine bắn đạn Excalibur. Kết quả là đạn đi chệch hướng và không bắn trúng mục tiêu”, ông Mittal cho hay.
Pole-21 do Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Tác chiến Điện tử có trụ sở tại Voronezh và St. Petersburg phát triển. Đây là tổ hợp tác chiến điện tử chuyên dụng được thiết kế để tác động lên tên lửa hành trình, bom thông minh, phương tiện không người lái, đạn pháo hay may bay và về cơ bản, bất cứ vật thể phóng hay thiết bị nào của đối phương dựa vào dẫn đường bằng vệ tinh.
Pole-21 có thể nhắm vào vũ khí của đối phương sử dụng tiêu chuẩn GPS do Mỹ sản xuất một cách dễ dàng cũng như các vũ khí sử dụng Galileo của EU, BeiDou của Trung Quốc và thậm chí cả GLONASS của Nga.
Nếu mất khả năng xác định chính xác tọa độ, máy UAV, tên lửa, máy bay của đối phương không thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và buộc phải quay trở lại căn cứ (trong trường hợp máy bay có người lái) hoặc mất phương hướng, không tiếp cận được mục tiêu và cuối cùng rơi xuống đất.
Mỗi tổ hợp Pole-21 bao gồm một trạm vô tuyến R-340RP mạnh mẽ nhưng nhỏ gọn và có thể gắn trên khung gầm xe tải (hoặc trong cấu hình cố định nếu cần), cùng với một hệ thống điều khiển vận hành một loạt mô-đun ăng-ten (lên tới 100 ăngten mỗi hệ thống). Chúng có thể triệt tín hiệu ở phạm vi lên tới 25km.
Mỗi tổ hợp Polye-21 có thể tạo ra một “mái vòm vô hình” bao phủ khu vực có diện tích lên tới 150km x 150km.
Ngoài các tháp gây nhiễu, Pole-21 còn có các mô-đun gây nhiễu có thể lắp đặt trên các tháp điện thoại di động hiện có, giúp giảm đáng kể chi phí và điện năng cần thiết để vận hành hệ thống. Một máy phát 20 watt duy nhất là đủ để nó gây nhiễu tất cả các tín hiệu định vị vệ tinh trong phạm vi 80km, làm chệch hướng hoặc vô hiệu hóa tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu ở tần số 1176,45-1575,42 MHz.
Giống như nhiều thiết kế vũ khí hiện đại của Nga, Pole-21 được tạo ra dựa trên nguyên tắc mô-đun, được thiết kế để đơn giản hóa việc sản xuất và triển khai cũng như giảm chi phí.
Hiện có một vài biến thể của Pole-21, bao gồm Pole-21M được hiện đại hóa so với mẫu cơ bản, và Polye-21E dành cho xuất khẩu. Không có nhiều thông tin về sự khác biệt giữa các biến thể này.
Pole-21 lần đầu tiên ra mắt vào năm 2013 và bắt đầu được sử dụng trong quân đội Nga từ năm 2016. Hệ thống này được sử dụng trong các đơn vị tác chiến điện tử của Quân khu miền Trung, miền Nam và Miền Đông, cũng như Căn cứ 201 của Nga ở Tajikistan, căn cứ Tartus ở Syria.
Theo Sputnik, hiện chưa rõ tổng cộng có bao nhiêu hệ thống Polye-21 đã được sản xuất hoặc triển khai và giá của chúng là bao nhiêu. Tuy nhiên, một báo cáo của Bộ Quốc phòng từ đầu năm 2021 cho hay, chỉ riêng Quân khu miền Trung đã có kế hoạch nhận khoảng 10 tổ hợp Pole-21 ngoài các hệ thống đã có trong kho tính đến cuối năm đó.
Biến thể Polye-21M hiện đại hóa được cho là đã bắt đầu bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2019. Việc đưa chúng vào sử dụng diễn ra đúng lúc để Pole-21 trở thành trụ cột trong hệ thống phòng thủ của Nga trước các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu trên khắp khu vực phía Tây. Các cuộc tấn công như vậy của Ukraine sử dụng cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình do NATO cung cấp cũng như máy bay trinh sát hạng nặng Tupolev Tu-141 Strizh thời Liên Xô, được Kiev chuyển đổi thành UAV tấn công.
Pole-21 hiện là một thành phần quan trọng của mạng lưới radar, tác chiến điện tử, phòng không và tên lửa nhiều lớp của Nga.
Từ khóa: pole-21, hệ thống tác chiến điện tử pole-21, đạn pháo chính xác cao, đạn pháo excalibur,vũ khí nga,ukraine
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN