Tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả - Điểm sáng của Quảng Ninh
Cập nhật: 27/09/2020
VOV.VN - Quảng Ninh đã cụ thể hóa một cách hiệu quả Nghị quyết TW6 khóa XII gắn với Nghị quyết 19, Nghị quyết 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị khoa học, tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều mô hình đổi mới mang tính đột phá, góp phần tạo nên những kết quả ấn tượng trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ vừa qua.
Ở Hòa Bình, một trong những xã miền núi của thành phố Hạ Long, nhiều người biết tiếng chị Lý Thị Xuân, một nữ Bí thư chi bộ, đồng thời là Trưởng thôn trẻ, năng nổ và nhiệt tình. Được bà con tín nhiệm chọn làm người "gánh 2 vai" khi mới 33 tuổi, việc thống nhất vai trò người đứng đầu "2 trong 1" đã giúp chị vừa là hạt nhân lãnh đạo của chi bộ, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, phổ biến chính sách của Nhà nước vào địa bàn đồng bào Dao quê mình, lại vừa có thể triển khai ngay bằng các việc làm cụ thể.
Sau khi chi bộ thống nhất chủ trương, chị và các đảng viên khác trực tiếp vận động, giúp đỡ bà con thực hiện các phong trào, mô hình mới, không còn tình trạng "bí thư, trưởng thôn không có tiếng nói chung", "cấp ủy mờ nhạt", "trưởng thôn loay hoay" như trước.
"Trong quá trình tuyên truyền vận động, không phải mình cứ nói là bà con thực hiện theo luôn. Chúng tôi tổ chức họp dân, đi từng hộ gia đình, nếu có ai không đồng tình thì mình trực tiếp thuyết phục, bà con hiểu ra thì sẽ ủng hộ" - chị Lý Thị Xuân cho biết.
Quảng Ninh đồng loạt tổ chức bầu trưởng thôn, bản, khu phố trên toàn tỉnh trong cùng 1 ngày 5/1/2020, sau đó đồng tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với mô hình “Dân tin, Đảng cử”. Toàn bộ 1.542 trưởng thôn, khu được bầu làm bí thư chi bộ, hoàn thành mục tiêu 100% Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, tạo "luồng gió mới" nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từ khu dân cư.
Trong nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong trong việc nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, trong đó nổi bật là mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND đồng cấp. Đến tháng 7/2020, ở cấp xã đã có 119/177 đơn vị thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, đạt 67%, tiến tới mở rộng.
Ở cấp huyện, có 3/13 địa phương thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND là huyện Tiên Yên, huyện đảo Cô Tô và thị xã Đông Triều. Không chỉ giúp "gần dân, sát dân", giảm quy trình, rút ngắn thời gian từ ban hành chủ trương đến tổ chức thực hiện, việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cũng giúp tạo tính thống nhất cao thông qua cơ chế kiểm soát quyền lực, phát huy dân chủ trong triển khai các nhiệm vụ của địa phương.
Toàn bộ 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ Thành ủy Hạ Long cho biết, sau khi hợp nhất, cơ quan này đã ban hành quy chế hoạt động, phân công từng mảng cụ thể. Mọi công việc Thủ trưởng chịu trách nhiệm chung, phân công cụ thể theo nguyên tắc "1 người làm nhiều việc, mỗi việc do 1 người chịu trách nhiệm". Việc hợp nhất cũng kiêm thêm 1 số việc, từ đó thêm hiểu biết về các quy trình tham mưu cho cấp ủy và chính quyền. Do đó, cán bộ được nâng cao trình độ hơn, nhiệm vụ chồng chéo giảm bớt.
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và gắn kết trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung, khắc phục tình trạng hành chính hóa, chồng chéo hoạt động, mô hình Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ tại cấp huyện. Từ đó đi sâu sắp xếp, kiện toàn từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa trung gian, giảm cấp phó.
Ông Nguyễn Thế Hòa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Khối MTTQ và các đoàn thể CT-XH huyện Hải Hà, một trong những huyện đi đầu trong thực hiện chủ trương này khẳng định công việc có nhanh hơn, giản tiện các thủ tục hành chính, việc triển khai nắm bắt tình hình nhân dân rất rõ ràng.
"Chúng tôi thống nhất thông tin đưa về chính xác, kịp thời về một mối, từ đó thực hiện nhiệm vụ chung đồng bộ, nhiệm vụ riêng không chồng chéo, rõ địa chỉ, trách nhiệm của cán bộ cũng được nâng lên, không còn phân chia "việc anh việc tôi", có sự gắn kết chia sẻ với nhau, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân" - ông Nguyễn Thế Hòa cho biết.
Người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp, chủ động tham gia, góp phần xây dựng hệ thống chính trị là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tại Quảng Ninh. Đó là câu chuyện hơn 1.000 hộ dân tự nguyện ký bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chỉ trong 15 ngày; hay hơn 98% cử tri đồng thuận sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long; không xảy ra đơn thư, khiếu nại... Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền nâng lên rõ rệt, từ 67% (năm 2015) lên 98% (năm 2019).
Ông Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh cho rằng yếu tố tiên quyết chính là sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, tạo đồng thuận trong nhân dân, xã hội. Công tác lãnh đạo chỉ đạo phải tập trung sâu sát, thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, giải quyết triệt để kịp thời những vướng mắc, điểm nóng có thể xảy ra. Yếu tố quan trọng nữa là việc đề ra các chủ trương mới phải đúng, trúng, đều xuất phát từ đúc rút thực tiễn cơ sở và có sự bàn bạc kỹ lưỡng trong cấp ủy các cấp, làm từng bước, bài bản, không nóng vội, thận trọng.
Đi đầu thành lập Đảng bộ Cục thuế tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành thuế; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các các cơ quan báo chí, truyền thông; thành lập Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ; hợp nhất Ban Tuyên giáo huyện ủy với Ban Dân vận huyện ủy Cô Tô thành Ban Tuyên vận huyện ủy Cô Tô... Quảng Ninh đã cụ thể hóa một cách hiệu quả Nghị quyết TW6 khóa XII gắn với Nghị quyết 19, Nghị quyết 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đồng bộ và toàn diện hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN