Tìm lời giải cho bài toán phát triển nguồn thu cho báo chí Việt Nam

Cập nhật: 23/07/2020

VOV.VN - Nhiều mô hình được cân nhắc nhằm tìm ra lời giải cho báo chí Việt Nam, trước tình trạng doanh thu hàng loạt đơn vị giảm 50-70% nửa đầu năm 2020.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu do tác động của dịch Covid-19.

Google và Facebook chiếm 80% lượng người đọc

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho hay, các cơ quan báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, ngân sách và doanh thu bán báo.

giai bai toan phat trien nguon thu cho bao chi viet nam hinh 1
Nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu do tác động của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều tòa soạn đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc thu hẹp mô hình hoạt động. Một số tờ báo phải xoay xở bằng việc tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Facebook, Google. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giật tít câu view”, gây mất niềm tin cho độc giả.

Trước đây, với báo in, nguồn thu được người dùng trả trực tiếp cho các cơ quan báo chí, tuy nhiên ngày nay, phần tiền chủ yếu thu được lại thuộc về Google, Facebook và một số mạng xã hội khác.

Theo ông Đỗ Công Anh, hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng lấn át các cơ quan báo chí truyền thống. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp tới sự phát triển của báo chí Việt Nam. Và vì vậy, báo chí truyền thống đang đứng trước thời điểm phải chuyển mình và thay đổi.

“Hiện nay, chỉ khoảng 20% lượng người truy cập xem trực tiếp báo chí, 50% đến từ công cụ truy cập Google và còn lại là xem thông qua các mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook”, ông Đỗ Công Anh nói.

Cho đi miễn phí mọi thông tin trên Internet là sai lầm

Tình trạng doanh thu quảng cáo số chủ yếu rơi vào túi của các gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook không chỉ diễn ra tại Việt Nam.

giai bai toan phat trien nguon thu cho bao chi viet nam hinh 2
Google, Facebook chiếm chủ yếu doanh thu quảng cáo số toàn thế giới. (Nguồn: eMarketer)

Thống kê của eMarketer cho thấy, năm 2019, Google tiếp tục dẫn đầu toàn thế giới về doanh thu quảng cáo số với 103,73 tỷ USD (tương đương 53% tổng doanh thu quảng cáo hiển thị số); thứ hai là Facebook với 67,37 tỷ USD…

Dự báo trong năm 2021, quảng cáo số trên Internet sẽ còn tiếp tục gia tăng, chiếm khoảng 52% tổng doanh thu quảng cáo, truyền hình chỉ còn chiếm 27% doanh thu…

giai bai toan phat trien nguon thu cho bao chi viet nam hinh 3
Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho rằng: “Sai lầm của chúng ta là cho đi miễn phí mọi thông tin trên Internet. Điều này đã khiến cho báo chí lâm vào tình cảnh khó khăn về nguồn thu như hiện nay. Do đó, cần tìm ra cách thức để báo chí kinh doanh, tồn tại và phát triển, một trong những biện pháp đó là áp dụng tường phí (paywall)”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hiếu, Phó Tổng biên tập báo Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) nhận định: Việc thu phí độc giả online là xu hướng tất yếu. Tuy vậy, để thu phí báo điện tử cần phải dựa trên 3 yếu tố là nền tảng, chất lượng nội dung và phương thức phân phối sản phẩm. Trong đó, phương thức phân phối sản phẩm, phương tiện trả phí cho sản phẩm báo chí vẫn là vấn đề khó hiện nay.

Các tòa soạnđang “bán lúa non”?

Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh, trong dòng chảy tin tức hiện nay, tin tức ngày hôm qua, thậm chí tin tức từ giờ trước đã là cũ, tuy nhiên khi xâu chuỗi thành khối dữ liệu thì lại có giá trị cao.

“Các tòa soạn đang sở hữu một nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chưa khai thác hợp lý hoặc đang “bán lúa non” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn tài nguyên này chính là dữ liệu. Lượng dữ liệu khổng lồ mà các nền tảng nước ngoài thu thập được từ người dùng Việt mang lại cho họ cách thức quảng cáo hiệu quả hơn”, ông Đỗ Công Anh cho biết thêm.

“Việc sử dụng nền tảng quảng cáo nước ngoài cũng đồng nghĩa các tòa soạn đang dẫn người đọc “cống nạp” dữ liệu cho các nền tảng xuyên biên giới. Xu hướng trong thời gian tới, các tòa soạn cũng như phóng viên cần có kiến thức phân tích dữ liệu, xâu chuỗi thông tin. Như vậy, thông tin cũ vẫn có thể bán để đem lại doanh thu”, ông Đỗ Công Anh nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số cơ quan báo chí thu phí người đọc báo điện tử, tuy vậy, số lượng này rất nhỏ. Đây sẽ là một trong những lời giải cho bài toán giúp báo chí Việt Nam tìm kiếm mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải có sự kết hợp giữa cơ quan báo chí và các doanh nghiệp công nghệ./.

Từ khóa: báo chí, chuyển đổi số, doanh thu quảng cáo, Covid-19, cơ quan truyền thông

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập