TikTok liệu có kết cục giống Huawei?

Cập nhật: 12/08/2020

VOV.VN - TikTok đang vấp phải sức ép ngày càng tăng từ Mỹ. Dư luận đang dấy lên câu hỏi liệu TikTok có chung kết cục như Huawei?

Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Pháp đang bắt đầu mở cuộc điều tra đối với TikTok. Việc ứng dụng video ngắn thuộc quyền sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc này liên tục gặp khó trong bối cảnh gia tăng sức ép từ chính quyền Mỹ, đã làm dấy lên nghi ngại liệu TikTok có chung kết cục như Huawei, trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của chiến dịch bài trừ không chỉ ở Mỹ mà tại nhiều nước châu Âu khác?

tiktok lieu co ket cuc giong huawei? hinh 1
(Ảnh: Rolling Stone)

Mặc dù hứng chịu nhiều sức ép tại Mỹ, song có vẻ như TikTok vẫn chưa bị làm khó tại châu Âu. Theo ghi nhận hiện tại, 3 nền kinh tế lớn nhất châu lục này gồm Anh, Đức và Pháp chưa có kế hoạch chặn ByteDance - công ty mẹ của TikTok.

Tuy nhiên, với thông báo mới nhất của Pháp về việc mở cuộc điều tra đối với TikTok khiến nhiều người ngay lập tức đặt dấu hỏi, dù rằng vấn đề của TikTok có thể khác Huawei, song không phải không có nguy cơ nào tại châu Âu. Rõ ràng, ứng dụng chia sẻ video của ByteDance đang trải qua thử thách khi nối gót Mỹ, nhiều nước bắt đầu có động thái tăng cường quản lý chính sách bảo mật của TikTok. Hiện tại, Mỹ vẫn luôn coi các ứng dụng do công ty Trung Quốc sở hữu là những mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây khẳng định: "Chúng tôi muốn thấy các ứng dụng không đáng tin cậy của Trung Quốc bị xóa khỏi các Appstores của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến hành động sắp xảy ra đối với TikTok là vì có lý do chính đáng. Với các công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, các ứng dụng như TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác là mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ.”

Trong bối cảnh áp lực từ chính quyền Mỹ ngày một tăng cao, TikTok giờ đây lại tiếp tục hứng chịu những nghi ngại từ các nước châu Âu. Ngoài Pháp khởi xướng điều tra, cơ quan giám sát dữ liệu của Anh cũng đang tổ chức một cuộc điều tra tương tự với TikTok.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, ủy ban bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cam kết phối hợp thực hiện các cuộc điều tra về TikTok sau khi cơ quan bảo vệ dữ liệu người dùng của Hà Lan hồi tháng 5 cho hay họ đang nghiên cứu chính sách của TikTok về bảo vệ thông tin của trẻ em.

Hiện rất khó để có thể dự đoán kết cục cho TikTok, nhưng với những rắc rối vừa vấp phải, những ảnh hưởng trực tiếp đối với TikTok là không thể tránh khỏi, thể hiện rõ qua việc mức độ phổ biến của nền tảng mạng xã hội chia sẻ video này đã giảm đáng kể. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu di dộng Sensor Tower (Mỹ), trong tháng 7, có 65,3 triệu lượt tải TikTok về các thiết bị di động, giảm 25% so với tháng 6.

Phản ứng trước những thiệt hại ban đầu, phía ByteDance- công ty mẹ của TikTok đã có những phản ứng cứng rắn đầu tiên, khi dọa kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump ra tòa để đòi lại công bằng./.

Từ khóa: TikTok, Huawei, ByteDance, Trung Quốc

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập