Tiểu vùng Mekong: Mặt trận chiến lược kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc?

Cập nhật: 03/09/2020

VOV.VN -Không chỉ Mỹ, mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những mục đích nhất định trong việc tăng cường hợp tác với các nước khu vực sông Mekong.

Phần đất liền của Đông Nam Á, đặc biệt là tiểu vùng Mekong, đã trở thành một mặt trận mới để các cường quốc bên ngoài “làm mới lại” các cam kết hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương với các nước trong khu vực.

Mỹ đang ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược này, đặc biệt là trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Sự trở lại của Mỹ cũng đã thúc đẩy các đối tác khác trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, thắt chặt quan hệ với các nước Mekong thông qua cơ chế hợp tác riêng của mỗi nước.

tieu vung mekong tro thanh mat tran chien luoc kiem che anh huong cua trung quoc hinh 1
Sông Mekong ở biên giới Thái Lan và Lào, nhìn từ Nong Khai bên phía Thái Lan. Ảnh: Reuters

Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc

Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một yếu tố quan trọng. Mỹ có nhiều lợi thế, không chỉ từ sức mạnh quân sự mà cả sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm. Washington đã tăng cường thỏa thuận an ninh với hầu hết các nước Đông Nam Á.

Trước đây, chính sách ngoại giao của Mỹ với Đông Nam Á có sự mâu thuẫn nhất định, đặc biệt là khi nói đến tiểu vùng Mekong. Tuy nhiên, kể từ khi đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do năm 2018, khu vực này đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong cam kết của Mỹ.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Sáng kiến Hạ vùng Mekong (LMI) đã được khôi phục như một công cụ để Mỹ tăng cường hợp tác trở lại với tiểu vùng này.

LMI được thiết lập từ năm 2009, là cơ chế đối tác giữa Mỹ với các nước Mekong nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tại Hội nghị cấp bộ trưởng LMI lần thứ 10 năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Rex Tillerson đã đề xuất “Sáng kiến dữ liệu nguồn nước Mekong”, nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu hệ thống sông Mekong của Ủy hội Sông Mekong (MRC).

Năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định LMI như một đầu tàu chủ chốt nhằm thúc đẩy sự kết nối, hội nhập kinh tế, phát triển bền vững và quản lý hiệu quả. Năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo lên tiếng chỉ trích Trung Quốc cũng như tác động tiêu cực của các dự án cơ sở hạ tầng trong tiểu vùng Mekong, đặc biệt là đối với môi trường và quản lý nguồn nước.

Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng cam kết nguồn quỹ ban đầu 45 triệu USD cho các dự án LMI, trong đó có cả giáo dục, nước sạch, vệ sinh, cơ sở hạ tầng tốt hơn và sự ổn định của môi trường.

Bên cạnh các dự án hợp tác nghiên cứu, Mỹ còn tăng cường hỗ trợ cho các sáng kiến khác như chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ dữ liệu nguồn nước sông Mekong...

Bên cạnh đó, LMI còn tạo ra một nền tảng để đưa Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước có ảnh hưởng khác hợp tác với các dự án này.

Ví dụ, Mỹ hợp tác với Nhật Bản cung cấp 29,5 triệu USD cho các dự án phát triển mạng lưới điện khu vực. Mỹ và Hàn Quốc cũng hợp tác trong các dự án hình ảnh vệ tinh nhằm hỗ trợ việc đánh giá thực trạng hạn hán ở lưu vực sông Mekong.

Gần đây, Mỹ cũng hỗ trợ dự án của Thái Lan về việc sử dụng Chiến lược Hợp tác kinh tế AyeyawadyChao Phraya-Mekong (ACMECS) như một nền tảng nhằm phối hợp các dự án liên quan đến phát triển nông thôn và xây dựng năng lực.

Nhật Bản tìm cách cân bằng ảnh hưởng

Nhật Bản đóng một vai trò thiết yếu ở tiểu vùng Mekong từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thông qua hỗ trợ phát triển nước ngoài và các tổ chức khu vực như ASEAN và Ngân hàng phát triển châu Á.

Chương trình đối tác Nhật Bản-Khu vực Mekong năm 2007 đã chính thức hóa sự hợp tác giữa Tokyo với tiểu vùng này. Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên thông qua Tuyên bố chung Tokyo nhằm thiết lập “Một đối tác mới cho Tương lai thịnh vượng chung” giữa Nhật Bản và khu vực Mekong. Cam kết này được đổi mới vào năm 2012.

Chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Mekong tiếp tục thay đổi tích cực. Năm 2015, Nhật Bản cam kết 7 triệu USD để hỗ trợ phát triển và 110 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Động thái của Tokyo diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh bắt đầu Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2014 và đang chuẩn bị thành lập Hợp tác Mekong-Lan Thương (LMC).

Năm 2018, Nhật Bản liên kết chính sách của nước này với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Nhật Bản cho rằng “tiểu vùng Mekong có lợi ích địa lý có thể nhận được những lợi ích đáng kể từ việc hiện thực hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương cởi mở và tự do”.

Trong một cuộc gặp tháng 11/2018, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Phó Tổng thống Mỹ nhất trí chi 70 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là các dự án năng lượng ở Đông Nam Á.

Vai trò lâu dài của Nhật Bản trong phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác sâu hơn giữa Tokyo với tiểu vùng này. Sự chấp nhận vai trò của Nhật Bản có thể nhận thấy từ quan điểm của Campuchia.

Campuchia là quốc gia ASEAN đầu tiên hoan nghênh thông điệp Ấn Độ Dương - Thai Bình Dương cởi mở và tự do của Nhật Bản và coi Tokyo là “một trong những đối tác kinh tế và chiến lược chủ chốt trong chiến lược đa dạng hóa của nước này”.

Việc chấp nhận vai trò của Nhật Bản trong khu vực là một cột mốc đối với quyền lực mềm của Tokyo ở tiểu vùng Mekong, đồng thời cũng là yếu tố giúp Nhật Bản cải thiện sự cân bằng quyền lực với những nước khác.

tieu vung mekong tro thanh mat tran chien luoc kiem che anh huong cua trung quoc hinh 2
Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: AFP

Chính sách hướng nam của Hàn Quốc

Hàn Quốc cũng ngày càng hợp tích cực hơn ở tiểu vùng Mekong theo Chính sách hướng nam mới (NSP) của Tổng thống Moon Jae-in.

Trong tổng số viện trợ phát triển nước ngoài của Hàn Quốc năm 2018, có tới 25% là dành cho Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).

Hàn Quốc cũng liên kết Chiến lược hướng nam mới với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ - điều mà Seoul đánh giá là đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nước này

Bên cạnh đó, do các nước CLMV có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, Hàn Quốc còn có thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ của tiểu vùng đối với tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Lợi ích với Đông Nam Á

Việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mekong không chỉ đem lại lợi ích cho các nước trong khu vực mà còn mở ra nhiều lựa chọn hơn để tăng cường phát triển kinh tế.

Dù vậy, duy trì sự cân bằng ổn định giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng là một thách thức đối với các nước tiểu vùng Mekong. Cuộc chiến “trực tuyến” mới đây giữa các đại sứ quán Mỹ và Trung Quốc ở Bangkok có thể cho thấy điều đó.

Trang web của Đại sứ quán Mỹ đăng tải một bài viết của Đại sứ Mỹ, trong đó đặt câu hỏi về việc Trung Quốc kiểm soát nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã đăng tải phản biện rằng không thể đổ lỗi tình trạng hạn hán và lũ lụt là do các con đập ở thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam.

Về cơ bản, khu vực Mekong sẽ cần phải nắm bắt cơ hội trước sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, đồng thời phát đi một thông điệp rõ ràng với các nước bên ngoài ràng việc tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực sẽ không đánh đồng với việc chọn bên./.

Từ khóa: sông Mekong, đối đầu Mỹ Trung, Trung Quốc, Mekong Lan Thương, đập thủy điện

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập