Tiền Giang quyết tâm bảo vệ vườn sầu riêng trước nguy cơ xâm nhập mặn

Cập nhật: 17/01/2024

VOV.VN - Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) là vùng trồng chuyên canh cây sầu riêng lâu năm nhất của tỉnh Tiền Giang. Do địa bàn nằm giữa sông Tiền nên nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt mùa khô rất cao. Ở thời điểm này, chính quyền và nhân dân địa phương đang khẩn trương phòng chống hạn mặn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ 8 công đất vườn cây sầu riêng đang cho thu hoạch tại ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước nên gia đình ông đã chủ động hơn trong việc trữ nước chống hạn. Các mương vườn luôn có đầy nước, gia cố đê bao, cống bọng sẵn sàng ứng phó khi mặn trên sông Tiền tăng cao.

Theo ông Minh: "Nước mặn thì mình phải phòng ngừa, dự trữ nước đủ tưới, ví dụ trong ao hồ khi tưới phân nửa thì cho nước sông vào pha từ từ. Gia đình có ống bọng, tôi canh khi nước rút độ mặn giảm rồi xả vào. Thứ 2, giếng khoan của tôi pha vào nữa, mọi lần sầu riêng chết là do chủ quan, không biết còn bây giờ biết rồi thì không sợ”.

Dù nước mặn chưa xâm nhập đến địa bàn nhưng công tác phòng chống thiên tai hiện nay rất được nhà vườn cù lao Ngũ Hiệp quan tâm, huy động mọi điều kiện, vật chất để ứng phó quyết tâm bảo vệ an toàn vườn cây sầu riêng.

Ông Trình Văn Sỹ, nhà vườn trồng 01 ha vườn sầu riêng tại ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp chia sẻ: "Hiện tại, ao tôi đã vét hết, mô tơ đặt sẵn. Nếu mặn lên tôi đóng bọng, trong này tôi sử dụng được một tháng, còn nếu thiếu nước nữa thì mình đi mua. Hệ thống chống hạn mặn tôi đã làm hết, chính quyền mấy bữa này họp vận động bà con chuẩn bị mấy trăm nghìn, sắt thép, cừ... nếu mặn tới thì làm đập. Năm nay nếu sơ xuất không làm ngăn mặn kịp thì nước tràn vào sẽ ảnh hưởng”. 

Cù lao Ngũ Hiệp là địa phương có mô hình trồng cây sầu riêng sớm nhất tỉnh Tiền Giang với gần 1.500 ha; trong đó có 80% vườn cây đã cho trái. Địa bàn này thường  bị nước mặn tấn công từ sông Tiền và cả sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre); trong khi đó Ngũ Hiệp có nhiều kênh mương thông với sông Tiền, sông Năm Thôn. Hiện nay, xã Ngũ Hiệp mới xây dựng được 3/8 cống ngăn mặn, triều cường.

Trước mắt chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị huyện, tỉnh cho xây dựng 5 cống ngăn mặn dã chiến với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng và khoan thêm 2 giếng tầng sâu nâng tổng số là 9 giếng để giúp địa phương có thêm nguồn nước ngầm ứng phó với hạn mặn mùa khô sắp tới. Ngoài ra chính quyền, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp công trình, phi công trình để bảo vệ vườn cây đặc sản cũng là kinh tế chính của gần 100% hộ dân nơi đây. 

Bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết thêm: "Thứ nhất, tôi tuyên truyền cho người dân, mỗi hộ gia đình phải nạo vét mương vườn của mình để trữ nước bảo vệ cho vườn cây ăn trái. Tiến hành sửa chữa các tuyến đê, nắp cống bị hư hỏng, để khi có thông báo hạn mặn xảy ra thì đóng các cống, các đê lại để khép kín. Đối với việc xử lý cây sầu riêng nghịch vụ nên né các tháng hạn mặn sắp tới. Xã tuyên truyền người dân nên tích trữ nước, đối với các mô sầu riêng nên đậy cỏ cho ẩm gốc, tưới tiết kiệm nước trên vườn cây ăn trái của mình”. 

Vườn cây sầu riêng là kinh tế chính của người dân xã Ngũ Hiệp, do đó cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, các ngành chức năng của huyện Cai Lậy và tỉnh Tiền Giang cần quan tâm, hỗ trợ trong công tác phòng chống hạn mặn để bảo vệ an toàn vườn cây đặc sản nơi đây.

Từ khóa: hạn mặn, tiền giang, hạn mặn, sầu riêng, xâm nhập mặn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nhật trường/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan