Tiền điện hộ sinh hoạt tăng vọt, điện lực vẫn thản nhiên phát hóa đơn

Cập nhật: 23/06/2020

VOV.VN - Sai sót trong việc đọc, ghi và thông báo hóa đơn tiền điện của ngành điện đang khiến hàng triệu khách hàng không thể yên tâm.

Như VOV.VN đã thông tin, sáng 21/6, hộ gia đình bà Đào Thị Gái, 74 tuổi, ở thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ nhận được thông báo điện năng tiêu thụ tháng 6/2020 của gia đình là 27.000 kWh với tổng số tiền phải thanh toán là 89.350.496 đồng.

Chiều 21/6, Điện lực Vân Đồn đã nhận được kiến nghị của bà Đào Thị Gái - Mã khách hàng: PA03VDVD04924 về sản lượng điện tiêu thụ tháng 6/2020 tăng cao đột biến với số tiền lên tới 89.350.496 đồng qua hệ thống CRM của Trung tâm CSKH Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Điện lực Vân Đồn đã cử đoàn công tác đến phối hợp với gia đình bà Đào Thị Gái để tiến hành kiểm tra đồng hồ đo đếm điện năng bằng bằng checkmetter, kết quả công tơ hoạt động bình thường. Tại thời điểm kiểm tra, chỉ số trên mặt công tơ là 1.893 kWh. Chỉ số cuối kỳ tháng 5/2020 là 1.649 kWh. Sản lượng tiêu thụ điện thực tế tính đến ngày 22/6 là 244 kWh (sản lượng của 38 ngày).

tien dien tang cao gap ca tram lan, nganh dien van "nham mat" phat hoa don hinh 1
Điện lực huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) chốt lại số điện và xin lỗi hộ gia đình bà Đào Thị Gái.

Kỳ hóa đơn tháng 6/2020 từ ngày 15/5 - 15/6 là 31 ngày, tính theo phương pháp nội suy thì sản lượng thực tế sử dụng của gia đình bà Đào Thị Gái trong tháng 6/2020 chỉ là 200 kWh. Qua kiểm tra, rà soát, Công ty Điện lực Quảng Ninh khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ điện tử bằng thiết bị cầm tay HHU.

Cụ thể, công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết ngày 15/6/2020 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.

Ngay sau khi xác định nguyên nhân sai sót, lãnh đạo Điện lực Vân Đồn và gia đình bà Đào Thị Gái đã thống nhất sản lượng điện năng tiêu thụ tháng 6/2020 là 200kWh, với số tiền điện là 368.335 đồng. Điện lực Vân Đồn đã thực hiện hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới để khách hàng thanh toán tiền điện đúng với sản lượng điện năng đã sử dụng trong kỳ hóa đơn tháng 6/2020.

Sau sự việc đáng tiếc trên Điện lực Vân Đồn đã xin lỗi khách hàng Đào Thị Gái. Đồng thời, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo Điện lực Vân Đồn kiểm điểm nghiêm khắc tập thể và các cá nhân có liên quan. Trước mắt, yêu cầu tạm thời đình chỉ Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn và yêu cầu các Điện lực địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường, tránh không để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Trước đó, anh Trần Việt Dũng, ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đã khiếu nại về việc hóa đơn tiền điện trong tháng của gia đình anh tăng vọt lên gấp 33 lần. Điện lực Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tính tổng mức lượng tiêu thụ điện của hộ anh Dũng nhảy vọt lên là 18.274 kWh, đồng nghĩa với số tiền mà anh phải trả 58,5 triệu đồng... Trong khi đó, tại kỳ hóa đơn tháng 5, hộ anh Dũng chỉ tiêu thụ mức 248 kWh (tiền phải trả là 489.000 đồng).

Ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đang chỉ đạo Điện lực thành phố Đồng Hới kiểm tra lại việc tiêu thụ điện của khách hàng Trần Việt Dũng. Theo ông Quân, số tiền điện bất ngờ tăng vọt như vậy là bất thường, sau khi tính toán lại, hộ anh Dũng chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng cho tiền điện tháng này.

“Do sai sót trong quá trình nhập số liệu vào, công ty cũng tiến hành gặp gỡ khách hàng và xin lỗi. Tiền điện của khách hàng chỉ khoảng 500.000 đồng nhưng do sai sót trong quá trình làm số liệu, khi rà soát trên hệ thống đơn vị phát hiện ngay nên mới chỉ phát hành hóa đơn mà chưa thu tiền điện”, ông Quân thừa nhận.

Hai trường hợp nhầm lẫn, sai sót kể trên mặc dù đã được ngành điện thừa nhận và kịp thời xin lỗi, sửa sai và xử lý người có trách nhiệm, nhưng chắc chắn những cú “phốt” kiểu này sẽ không khiến khách hàng tiêu dùng điện hoàn toàn yên tâm. Bởi ngoài 2 trường hợp nêu trên, vẫn còn không ít những trường hợp khách hàng phản ánh tiền điện trong tháng tăng cao gấp 2 – 3 lần như báo chí đã và đang phản ánh.

tien dien tang cao gap ca tram lan, nganh dien van "nham mat" phat hoa don hinh 2
Nhiều khách hàng không được giám sát việc chốt và ghi số điện hàng tháng. (Ảnh minh họa: KT)

Chính vì thế, với tình hình thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp và được dự báo trong đợt cao điểm nắng nóng hiện nay, nếu ngành điện vẫn còn để xảy ra những trường hợp tương tự, khách hàng hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi, nghi ngờ về độ chính xác của công tơ điện cũng như cách ghi chỉ số công tơ của ngành điện hiện nay.

Bởi khi nói về độ chính xác của công tơ điện và cách ghi chỉ số điện hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn luôn khẳng định: Các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

"Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng", EVN nêu rõ.

Và nếu đúng như khẳng định của EVN: “Các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng, có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện”, thì tại sao hệ thống không phát hiện ra ngay số liệu tăng bất thường mà vẫn thản nhiên thông báo tiền điện khổng lồ cho khách hàng? Hay hệ thống có sự can thiệp nào khác???

Hay phải chăng là ngành điện đã quá tin tưởng vào hệ thống đo đếm, nguồn nhân lực của mình, nên phải chờ đến khi khách hàng, báo chí lên tiếng mới có động tác trấn an như: “Tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác ghi chỉ số công tơ để phát hiện kịp thời những công tơ có sản lượng điện tăng bất thường”; hoặc thừa phải nhận “có sai sót trong quá trình làm số liệu…”?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):

“Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được Đơn vị Điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.

Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực. Trong quá trình sử dụng điện nếu có thắc mắc cần tư vấn, rất mong Quý khách hàng liên hệ với các Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngành Điện để được tư vấn và giải đáp kịp thời"./.

Từ khóa: tiền điện, tiền điện tăng vọt, dân kêu tiền điện, làm rõ việc ghi số điện

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập