Tiềm năng xuất khẩu cà phê sang thị trường Bắc Phi
Cập nhật: 28/06/2020
Đồng Nai gặp khó khi di dời khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước
Người trồng mía ở Trà Vinh phấn khởi, doanh nghiệp lo không đủ nguyên liệu
VOV.VN - Hiện nay, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống nóng ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi Ả rập.
Tại một số quốc gia như Algeria, cà phê được xem là sản phẩm thiết yếu bên cạnh các loại thực phẩm khác như bánh mì, dầu ăn, đường, sữa. Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại mỗi năm, trong đó Việt Nam thường cung cấp trên 50% sản lượng.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại Châu Phi. |
Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại Châu Phi, chủ yếu là các nước Bắc Phi từ nhiều năm nay.
Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu cà phê sang 13 quốc gia châu Phi đạt kim ngạch 153 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu chính gồm có Algeria (111 triệu USD), Ai Cập (15,8 triệu USD), Morocco (15,4 triệu USD), Tunisia (4,9 triệu USD), Nam Phi (4,5 triệu USD),... Con số này còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân đạt 3,13 tỷ USD/năm của Việt Nam ra toàn thế giới giai đoạn 2011-2018.
Tại Bắc Phi, cà phê thô của Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê đến từ các nước Colombia, Brazil, Guatemala, Indonesia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Uganda...
Tại thị trường châu Phi nói chung, việc tiêu thụ cà phê không đóng bao vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và các đòi hỏi chuẩn mực vệ sinh, chất lượng không cao. Tuy nhiên, thị trường cà phê đóng gói đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và thu hút nhiều nhà rang xay trong và ngoài nước. Người dân nơi đây đang trở thành những người tiêu dùng sành điệu và ngày càng đòi hỏi mặt hàng có chất lượng cao, sử dụng tiện lợi.
Tại thị trường châu Phi nói chung, việc tiêu thụ cà phê không đóng bao vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và các đòi hỏi chuẩn mực vệ sinh, chất lượng không cao. |
Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan của Việt Nam vào các nước Bắc Phi cho đến nay vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng địa phương thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan nhập khẩu nói chung chưa có đủ độ đường, đặc biệt thường e ngại về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn halal (liên quan đến các thành phần bổ sung như sữa bột). Đây là điều các doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu cà phê thành phẩm vào thị trường này, nhất là khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường châu Phi, Bộ Công Thương đã và đang đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam./.
Từ khóa: cà phê xuất khẩu, thị trường Bắc Phi, cà phê Việt Nam
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN