Tiếc thương nhạc sĩ Hồng Đăng – một người bạn lớn trong giới âm nhạc

Cập nhật: 21/03/2022

VOV.VN - Sự ra đi của tác giả "Hoa sữa" khiến bạn bè, đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng, thương tiếc.

Thông tin từ gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, ông qua đời lúc 5h57 phút sáng nay (21/3) tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Sự ra đi của tác giả "Hoa sữa" khiến bạn bè, đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng, thương tiếc. Ông đã để lại cho đời hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... 

Nhạc sĩ Hồng Đăng có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc của đất nước

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, sự ra đi của nhạc sĩ Hồng Đăng là mất mát lớn đối với nền âm nhạc nước nhà.

Theo nhạc sĩ Đỗ hồng Quân, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, từ một chàng trai xứ Nghệ, qua học tập, truyền thống quê hương của gia đình đã trở thành một trong những sinh viên, học sinh đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam những năm 1956-1957.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là người được đào tạo học bài bản về âm nhạc. Chính vì thế, giai đoạn đầu ông chọn con đường dạy học và ông đã để lại rất nhiều công sức cho việc đào tạo thế hệ nhạc sĩ sau này. Ông có giảng về sáng tác, viết về phối khí, dịch những tài liệu nước ngoài và bây giờ cũng là những tài liệu cơ bản cho các sinh viên học sáng tác. Ông làm Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc Việt Nam nhiều năm.

Nhạc sĩ Hồng Đăng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam 3 khóa liền, ông còn tham gia rất nhiều hoạt động như tham gia Ban chấp hành Hội Việt - Nhật, tham gia vào những tổ chức của học sinh, sinh viên ngay từ lúc trẻ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá: "Với kiến thức sâu rộng và sự nhiệt tình trong nghề nghiệp, ông có sức lan tỏa rất lớn đối với đồng nghiệp, đặc biệt là với các thế hệ nhạc sĩ sau này. Sau ông, từ nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phú Quang…, rồi đến thế hệ chúng tôi và các thế hệ cùng là học sinh khoa sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam...

Với cương vị là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông là cầu nối liên kết được giữa âm nhạc miền Bắc xã hội chủ nghĩa với sau khi đất nước thống nhất năm 1975, chính ông là một trong những người kết nối giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Từ Huy… Ông là một người bạn lớn trong giới âm nhạc được các nhạc sĩ Việt Nam sau khi đất nước thống nhất rất yêu quý.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là người đi nhiều, đi đến đâu ông cũng viết và để lại ấn tượng rất tốt đẹp. Ông còn là một nhà sáng tác khí nhạc, một trong những người soạn những bản hợp xướng đầu tiên của Việt Nam. Tiếc rằng số lượng tác phẩm nhạc sĩ Hồng Đăng viết ra rất nhiều, nhưng việc dàn dựng, quảng bá, lưu trữ những tác phẩm đó không được cẩn trọng. mảng ông viết cho nhạc phim cũng rất giá trị. Nhạc sĩ Hồng Đăng có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc của đất nước, nhất là nơi mà ông đã từng sống, từng làm việc, đó là Hội Nhạc sĩ Việt Nam".

Một điều đáng tiếc nữa, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong 5 nhạc sĩ đợt năm 2021 được Hội đồng cơ sở, chuyên ngành cho đến Hội đồng trung ương xét giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Hồng Đăng. "Ông chưa kịp nhận niềm vui, vinh dự của Đảng và Nhà nước trao tặng cho sự nghiệp âm nhạc của mình thì đã ra đi mãi mãi. Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời để lại nuối tiếc rất lớn trong giới âm nhạc Việt Nam. Điển hình trong một chuỗi các nhạc sĩ ra đi trong các ngày tháng đau buồn của đất nước ta hiện nay là tổn thất rất lớn", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Ngoài ca khúc "Hoa sữa" nhạc sĩ Hồng Đăng viết cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Đức Hoàn được công chúng rất yêu thích, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ấn tượng nhất với "Quà tháng năm" - một bài hát rất trong sáng với giọng điệu hào sảng, tự tin của tuổi trẻ về tương lai của đất nước, tình yêu đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh một cách rất hồn nhiên. "Tháng 5 không chỉ là sinh nhật Bác, thời điểm bắt đầu mùa hè, tháng 5 còn là kỷ niệm của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, khi bài hát vang lên, ta thấy rằng đó là một tình cảm rất trong sáng, một bài hát rất hoàn chỉnh, ra đời tự nhiên với tấm lòng, tình cảm của nhạc sĩ Hồng Đăng với Bác Hồ, với đất nước của chúng ta.

Tất cả các bài hát của Hồng Đăng, mỗi bài đều có giọng điệu riêng. Mặc dù xuất thân là một người con xứ Nghệ, nhưng trong đó ông bao hàm tất cả những giai điệu, âm hưởng của âm nhạc các vùng miền đất nước tạo ra một ngôn ngữ ca khúc Hồng Đăng, chứ không phải chỉ khai thác được âm nhạc dân gian của quê hương, vùng đất của nơi ông sống", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Nhạc sĩ Hồng Đăng luôn đôn hậu, tử tế cho đến ngày cuối cùng

Nhà văn Ngô Thảo, người bạn thân thiết với nhạc sĩ Hồng Đăng nhiều năm chia sẻ nhạc sĩ Hồng Đăng bị bệnh tim, ông biết nhạc sĩ cấp cứu ở bệnh viện nhưng do dịch bệnh nên không thể vào thăm nhau. Cả đêm qua nhà văn Ngô Thảo không ngủ được, sáng sớm nay ông biết tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời.

Nhà văn Ngô Thảo chia sẻ: “Khi anh Hồng Đăng là Phó Tổng thư ký Hội âm nhạc, tôi ở bên sân khấu… mấy chục năm gần gũi nhau, nhạc sĩ Hồng Đăng là một người hiền lành, tài hoa, có chức vụ nhưng trong đời sống là một người bạn hết sức giản dị, chân thành. Còn sức làm việc, ngoài hơn 700 ca khúc được công chúng biết đến, nhạc sĩ Hồng Đăng còn nhiều sáng tác khác chưa được công bố.

Nhạc sĩ Hồng Đăng là người học hành âm nhạc bài bản, từng dạy nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ở nhạc viện… Trong những năm chiến tranh, ông cũng đi nhiều cùng lớp thế hệ nhạc sĩ Văn Dung, Trọng Bằng, Huy Thục,… Chính vì đi nhiều, nhạc sĩ Hồng Đăng có quan hệ rộng rãi với các địa phương. Tiếc là những năm gần đây, từ ngày về hưu là sức khỏe ông yếu đi".

Theo nhà văn Ngô Thảo, nhạc sĩ Hồng Đăng dù có cuộc sống khó khăn nhưng nhưng đi với ông bao giờ cũng cảm thấy ấm áp, chân tình.

"Căn bệnh tiểu đường, tim, đi lại khó khăn nhưng tinh thần của nhạc sĩ luôn lạc quan cho đến ngày cuối cùng. Cho nên hình ảnh ông không chỉ đẹp trong giới nghệ sĩ mà còn với bạn bè, giới văn hóa nói chung. Những nhạc sĩ tài hoa lần lượt ra đi như Phó Đức Phương, Phú Quang, rồi lại Văn Dung, Ngọc Châu và nay là Hồng Đăng đúng là tổn thất lớn của âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi tôi rất làm tiếc, tiếc cho người nhạc sĩ đã sống một cuộc đời thật là vẻ vang, thật là đẹp đẽ, đạt đến đỉnh vinh quang bằng sức lao động sáng tạo của mình. Nhạc sĩ mất đi là mất người tài hoa, mất người tử tế, mất đi một người có những sáng tạo để lại cho đời những giai điệu đẹp mãi. Vì thế tôi ao ước chăng có một lớp nhạc sĩ khác mới mẻ hơn, để tiếp bước lớp nhạc sĩ đã nằm xuống…", nhà văn Ngô Thảo chia sẻ/.

Từ khóa: Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Đường về hoàng hôn, Quà tháng năm, Lênh đênh, nhạc sĩ hồng đăng, nhạc sĩ hồng đăng qua đời, nhạc sĩ hồng đăng hoa sữa, nhạc sĩ hồng đăng biển hát chiều nay, nhạc sỹ hồng đăng mất

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập