Thường vụ Quốc hội khẳng định khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công không “vướng”

Cập nhật: 12/01/2021

VOV.VN - Chính phủ đề nghị ban hành nghị quyết giải thích khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công nhưng UBTVQH cho rằng quy định đã rõ và “vướng mắc là do hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư”.

Chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng do tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định mới về định nghĩa vốn đầu tư công nên trong quá trình triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau.

Theo đó, hiện nay đang vướng mắc đối với “nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước vay lại 100%” có là vốn đầu tư công hay không nên Chính phủ đề nghị UBTVQH ban hành nghị quyết giải thích.

“Tại thời điểm này, các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% chưa được quy định về phân loại dự án, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt/điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, Khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công năm 2019 quy định “Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”.

“Từ những quy định của pháp luật hiện hành nêu trên, các khoản “vay về cho vay lại” không thuộc phạm vi của “Ngân sách nhà nước” theo Luật NSNN năm 2015 và không phải là “vốn đầu tư công” theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019” - Ủy ban TC-NS khẳng định và cho rằng quy định về nội dung trên theo các Luật hiện hành là rõ ràng.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, Tờ trình của Chính phủ nêu ý kiến của các Bộ đều cho rằng các khoản vốn vay về cho vay lại nêu trên không phải là vốn đầu tư công. Như vậy, nhận thức pháp luật của các Bộ đã thống nhất, không có cách hiểu khác nhau về quy định trên.

“Vướng mắc là do hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư với các dự án sử dụng “vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tại trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%” chưa cụ thể. Vì vậy, không cần thiết phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công” - Ủy ban TC-NS nêu quan điểm và kiến nghị Chính phủ cần rà soát các quy định của Luật Quản lý nợ công và các Luật liên quan để thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với ý kiến của cơ quan thẩm tra và quyết định không ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công./.

Từ khóa: Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công, vốn ODA, Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập