Thượng tướng Phan Văn Giang: "Thực hiện tốt chủ trương dân sự hóa quần đảo Trường Sa"
Cập nhật: 27/01/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Trong chiến lược phát triển quốc phòng thời gian qua, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc tới vấn đề dân sự hóa quần đảo Trường Sa.
Quân đội thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, không để bị động bất ngờ
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, tham luận do Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XIII sáng 27/1 làm rõ kết quả và đề xuất một số nội dung chủ yếu về “Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chỉnh quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016-2021 đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tập trung củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống Quân đội anh hùng, đoàn kết, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, với nhiều dấu ấn nổi bật.
Cụ thể, Quân đội đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, xử lý kịp thời và linh hoạt các tình huống, không để bị động bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông. Qua đó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp được lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngày càng vững chắc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường tuần tra biên giới. Thực hiện tốt chủ trương dân sự hóa quần đảo Trường Sa. Tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng, phát huy hiệu quả 28 khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc biên giới đất liền, trên biển và hải đảo. Quân đội phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy, giúp nhân dân phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, xây dựng nông thôn mới...Qua đó, làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", củng cố thế trận lòng dân vững chắc.
Tổ chức lực lượng Quân đội đã được điều chỉnh tinh, gọn, mạnh và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật theo Kết luận số 16-KL/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ năm 2016 đến nay, toàn quân đã điều chỉnh trên 800 tổ chức; trong đó giải thể 260 tổ chức trung gian, giảm 10% quân số cơ quan chiến dịch, chiến lược, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác có bước phát triển mới; đặc biệt, đã nghiên cứu, làm chủ, sản xuất, sửa chữa hầu hết vũ khí trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân và một số vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng.
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bắt đầu từ xây dựng thế trận quân sự dựa vào dân
"Những kết quả trên đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tăng cường tiềm lực, sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Đảng Bộ Quân đội xác định: Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải bắt đầu từ xây dựng thế trận quân sự dựa vào dân, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, lấy xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc làm then chốt.
Xây dựng Quân đội nhân dân Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cần quán triệt, thực hiện tốt quan điểm "người trước, súng sau"; ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Bên cạnh những thành tựu, Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, nền quốc phòng Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, các thách thức an ninh phi truyền thống và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Bởi lẽ đó, Đảng bộ Quân đội xác định phải tăng cường cảnh giác, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghiên cứu xác định chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, hóa giải nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
"Phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng bộ Quân đội tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại sẽ đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới", Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh./.
Từ khóa: Bộ Quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo, thế trận lòng dân, Đại hội Đảng lần thứ 13
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN