Thương mại điện tử giúp tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt trên toàn cầu
Cập nhật: 22/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Sự tăng trưởng của thương mại điện tử gắn liền với sự phát triển, cả về quy mô và chất lượng của dịch vụ hoàn tất đơn hàng và giao hàng chặng cuối, tạo ra xu thế lớn, là cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới.
Thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD...Sự phát triển sàn TMĐT đang tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam hiện diện trên toàn cầu. Tuy nhiên, những cơ hội cùng kèm theo nhiều thách thức. Đây là nội dung của Tọa đàm “TMĐT - cơ hội, động lực và thách thức”, do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng nay (14/8), tại Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực TMĐT nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Trung bình mỗi ngày, người tiêu dùng trong nước chi khoảng 800 tỷ đồng cho 5 “ông lớn” TMĐT là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop.
Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022.
Sự tăng trưởng của TMĐT năm 2023 gắn liền với sự phát triển, cả về quy mô và chất lượng của dịch vụ hoàn tất đơn hàng và giao hàng chặng cuối. TMĐT đang là xu thế lớn, là cơ hội lớn xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới. Tại Việt Nam, đã có hàng trăm nghìn DN, nhất là DNVVN đã tham gia sàn TMĐT đạt hiệu quả doanh thu tốt. Bà Nguyễn Thị Thảo, 1 DN may mặc ở Nam Định đã chuyển đổi thành công nhờ kinh tế số.
“Trước khi dịch Covid, DN vẫn kinh doanh theo cách truyền thống đổ sỉ cho các lái thương ở các chợ đầu mối. Nhưng sau covid, hình thức kinh doanh này không còn phù hợp nên DN bắt đầu tìm hiểu về sàn TMĐT. Nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời, nên DN đã đồng ý hợp tác với các sàn. Ban đầu đơn của DN khoảng 700 sản phẩm, đến nay đơn đã ổn định vào khoảng 250.000 sản phẩm/tháng”, bà Thảo cho biết.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, những năm gần đây, đặc biệt sau giai đoạn Covid 19, Công ty đã hỗ trợ cho hàng nghìn DN tham gia sàn TMĐT và doanh thu tăng mạnh so với kinh doanh truyền thống. Hiện công ty đang hỗ trợ các DN tiếp cận thị trường nhiều hơn, có chương trình huấn luyện, cách tiếp cận mới, bán hàng live treams, giúp cho DN Việt Nam tiếp cận sàn TMĐT nhiều hơn.
“Ở Việt Nam, Shopee đã và đang làm việc với rất nhiều DN, nhất là DNVVN có thể tiếp cận với TMĐT. Shopee đã có những chính sách hỗ trợ DN tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn, huấn luyện kỹ năng cũng như có những công cụ để họ có thể vận hành một cách tốt hơn, cơ chế vận hành nó phù hợp giúp cho phát triển một cách tốt hơn”, ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực TMĐT đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Việc đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ lên nền tảng thương mại số, TMĐT trở thành xu hướng lớn,
“Không gian cho TMĐT ở Việt Nam rất rộng mở. Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các DN, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT phối hợp cùng với các Bộ NN&PTNT, Công Thương để triển khai các chương trình đưa các hộ gia đình, hộ kinh doanh nông dân lên sàn”, ông Minh Tuấn nói.
Có thể thấy, TMĐT Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức về khoảng trống, khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường; sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng ngoại và hàng nội địa, xuất khẩu xuyên biên giới, về chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng; hạ tầng vẫn là điểm yếu của TMĐT.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trước khi hoàn thiện chính sách từ cơ quan quản lý, các DN buộc phải tự hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình; gia tăng liên kết trong hoạt động kinh doanh. Các DN coi sự cạnh tranh đó là cơ hội, bắt tay với các DN nước ngoài để đưa hàng Việt vào thị trường của họ.
“Có 3 điểm cần hết sức lưu ý với hàng hóa Việt, một là lợi thế và quy mô. Không những phải sản xuất mặt hàng chất lượng mà phải có được quy mô. Thứ hai là đáp ứng xu thế nhất là xu thế cách mạng tiêu dùng hiện nay, đó là xanh, an toàn. Thứ ba rất quan trọng và Việt Nam rất có lợi thế bắt đầu phát huy, đó là biết kể những tích truyện gắn với hàng hóa Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam và cách làm của Việt Nam”, ông Thành chỉ rõ.
Từ khóa: Thương mại điện tử, Thương mại điện tử,tăng trưởng, hàng việt, sàn thương mại, kết nối
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: kim thanh/vov1
Nguồn tin: VOVVN