Thước đo uy tín của Đảng: Đảng tìm lối, chỉ đường

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - 95 năm từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh cao cả giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Những thành tựu to lớn và cơ đồ đất nước có được như hôm nay là minh chứng sống động về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tiếp tục khẳng định uy tín của một Đảng cách mạng trong toàn dân tộc và trên trường quốc tế. 

Uy tín chính trị của một chính đảng được tạo dựng trước hết từ cương lĩnh và đường lối chính trị đúng đắn, khoa học. Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được điều đó với một nhà lãnh đạo thiên tài, kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bị thất bại, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nung nấu quyết tâm ra đi tìm một con đường mới, phương pháp mới để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khát vọng ấy đã đưa Người đến nhiều vùng đất trên thế giới, tiếp cận nhiều tri thức của nhân loại và được hòa mình vào phong trào đấu tranh của những người cộng sản chống lại áp bức, bất công. Những tư duy, góc nhìn mới mẻ về con đường cứu nước đã dần hình thành trong đầu của người thanh niên lúc này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười tại nước Nga, những lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản và đặc biệt là khi được đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của lãnh tụ Lê-nin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường giải phóng dân tộc mình. Đó là con đường cách mạng vô sản, là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trên cơ sở nền tảng tư tưởng này và tình hình thực tiễn, Đảng ta đã 5 lần ban hành Cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, gồm: Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2/1930) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua; Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930); Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2/1951); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (tháng 6 năm 1991); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Các Cương lĩnh đều khẳng định tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đến cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn với CNXH; nhân dân là động lực cách mạng; Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng; Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Vì vậy, các cương lĩnh vừa có tính dẫn lối, chỉ đường, xây dựng đường lối chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, vừa có tính hiệu triệu, quy tụ lòng người để làm nên những kỳ tích trong các cuộc kháng chiến trong đó có đại thắng mùa Xuân 1975 thu non sông về một mối hay Đảng quyết định tiến hành đổi mới năm 1986.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ngày 30/04/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là khát vọng lớn mà trải qua thời gian dài đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta mới làm được. Đó mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Niềm tin của dân chúng đối với Đảng lớn, chỉ có Đảng cộng sản làm được. Cho nên uy tín của Đảng và Bác Hồ là bởi vì Đảng ta đã đi vào đúng mục tiêu, thực hiện được khát vọng của nhân dân lúc đó là giành độc lập dân tộc".

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: "Đại hội 6 đề ra đường lối đổi mới toàn diện, tức là đổi mới trước hết là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy thì trước hết là tư duy kinh tế; rồi đổi mới tổ chức và cán bộ; đổi mới cả phương thức lãnh đạo... đó là đổi mới toàn diện. Đổi mới tư duy chính trị nói chung, tức là tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là cái quan trọng nhất. Trước hết là đổi mới tư duy kinh tế".

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, với vai trò là đảng cầm quyền, Đảng ta luôn luôn kiên định, giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng mềm dẻo, linh hoạt và sáng tạo về sách lược và phương thức thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Đường lối chính trị của Đảng luôn kịp thời và phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

Bước sang Xuân Ất Tỵ này, thành tựu của 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế đã hội tụ đủ thế, đủ lực để Đảng ta đưa đất nước bước tiếp vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là mục tiêu to lớn, không chỉ đòi hỏi ý chí mà còn phải quyết tâm rất cao: "Tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức sẽ thấm nhuần tư tưởng trung tâm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc". Coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Để thực hiện tư tưởng này, chúng ta cần quán triệt và hành động khẩn trương, quyết liệt, biến nhận thức thành hành động cụ thể, ý chí thành hiện thực. Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với nhân dân".

Uy tín chính trị của Đảng ta còn được tạo nên bởi bản lĩnh chính trị. Trong vô vàn thử thách, gian nan, có những tình huống hiểm nghèo, Đảng ta luôn vững vàng, nhận thức thấu đáo tình hình thực tế, đánh giá xu thế để tìm ra giải pháp. Không chủ quan, duy ý chí, bảo thủ, giáo điều, Đảng ta tiếp tục phát triển lý luận từ kinh nghiệm và thực tiễn lãnh đạo, cầm quyền, đồng thời kiểm nghiệm lý luận trong thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt Đảng luôn quan tâm đến việc tự chỉnh đốn, khi Đảng dũng cảm vượt qua những sai lầm, khuyết điểm để ngày càng vững mạnh, xứng đáng với "niềm tin" của nhân dân dành chọn, gửi gắm. Còn nhớ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ trích" để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một Tổng Bí thư của Đảng nhìn thẳng vào sự thật, nhất là những sai lầm khuyết điểm của Đảng. Công khai, mạnh dạn vạch những nhầm lỗi và cho rằng "như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ".

PGS. TS Phạm Xuân Mỹ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích: "Thời điểm đó bên cạnh thành tựu, Đảng ta cũng có sai lầm, khuyết điểm dẫn đến giảm sút uy tín của Đảng. Một số phần tử cơ hội Tờ-rốt-kít nói xấu Đảng. Nhưng rất ít người nhận ra sai lầm của mình. Riêng đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm "Tự chỉ trích" đã dũng cảm nhìn thẳng sự thật, những sai lầm khuyết điểm của Đảng để quyết tâm sửa chữa".

Việc tự phê bình và phê bình là cho uy tín chính trị của Đảng được tăng lên, tạo niềm tin cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Người nêu 12 chuẩn mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Lần đầu tiên Người dùng từ "chỉnh đốn Đảng".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Trước đây chỉ "xây dựng Đảng", thì lần này Bác dùng "chỉnh đốn Đảng". Tức là nội bộ đảng có những sai phạm nghiêm trọng mà lúc đó Bác gọi là "làm cho Đảng "xệch xoạc, không thống nhất, chia rẽ, kiêu ngạo..." Đấy là thời điểm chấn chỉnh, chỉnh đốn lại. Sau tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", học tập theo tác phẩm thì uy tín của Đảng, danh dự của Đảng trong trong nội bộ đảng, mà lúc đó Đảng có mấy vạn đảng viên thì uy tín trong dân được củng cố".

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Vậy nên, Người và nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ đã thẳng thắn tự phê bình trước nhân dân về những khuyết điểm trong cải cách ruộng đất. Điều đó không làm giảm sút hình ảnh của Đảng mà trái lại khiến uy tín chính trị của Đảng được nâng lên nhiều hơn.

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực 1 nhấn mạnh: "Trong công cuộc cải cách ruộng đất nước ta xảy ra sai lầm và khuyết điểm, Bác đã công khai xin lỗi trước toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta và nhận trách nhiệm về mình đã để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm đó. Nhưng quan trọng hơn, Người không chỉ nhận lỗi, xin lỗi nhân dân còn "nói đi đôi với làm". Bác Hồ đã công bố và chỉ đạo thực hiện tốt chính sách sửa sai. Điều đó khiến củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ mới".

Từ vạch ra đường lối đúng đắn để tập hợp và đoàn kết nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến dũng cảm vượt qua những sai lầm, khuyết điểm, tự chỉnh đốn càng khẳng định uy tín chính trị của Đảng ta, "là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động".

Từ Kỷ nguyên độc lập - tự do đến Kỷ nguyên vươn mình

VOV.VN - Trong 95 năm qua, mỗi mùa Xuân đất nước thêm rạng rỡ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ những ngày đầu gian khó, Đảng đã kiên cường chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bão tố, mang lại độc lập, thống nhất và mở ra kỷ nguyên đổi mới, hội nhập.

Từ khóa: Đảng, Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam, Đảng chỉ lối tìm đường, uy tín của Đảng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lại hoa/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập