Liên tục nhiều năm qua TP HCM đã nhiều lần nâng mức chuẩn nghèo và cận nghèo của người dân. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2015, chuẩn nghèo của TP là 12 triệu đồng/người/năm thì đến giai đoạn 2019 - 2020 nâng lên 28 triệu đồng/người/năm trở xuống, tương đương hơn 2,3 triệu đồng/tháng. Riêng mức chuẩn cận nghèo từ trên 28 - 36 triệu đồng/người/năm, tương đương 2,3 - 3 triệu đồng/tháng.
Tiệm cận chuẩn nghèo
Việc điều chỉnh tăng mức chuẩn nghèo là nhằm hỗ trợ họ về y tế, giáo dục... Bởi nếu xét theo chuẩn nghèo của cả nước thì TP không có hoặc có rất ít hộ nghèo, trong khi cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn và các hộ rất dễ tái nghèo. Như vậy, chuẩn nghèo, cận nghèo của TP đang tiệm cận dần với mức chiết trừ gia cảnh khoán trọn gói 3,6 triệu đồng/tháng/người hiện nay của luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Nói chung thuế TNCN không nên dùng một con số cố định mà nên dựa vào tỷ lệ điều chỉnh theo chỉ số giá hàng hóa (CPI) hằng năm. Đa số các nướcphát triển cũng áp dụng điều chỉnh hằng năm theo CPI để đảm bảo tính công bằng
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH thuế kế toán luật Việt Á, nhận xét, nếu lấy chuẩn nghèo của TP.HCM hiện nay từ 2 - 3 triệu đồng/tháng để so sánh mới thấy rõ sự lạc hậu của ngưỡng thuế này.
“UBND TP.HCM nâng chuẩn nghèo để có thể hỗ trợ cho người dân TP những dịch vụ thiết yếu. Với tốc độ tăng chuẩn nghèo như những năm qua, nếu
chính sách thuế không điều chỉnh thì có khi mức thu nhập tính chuẩn nghèo cao hơn cả mức chiết giảm gia cảnh tính thuế”, ông Tuấn cảnh báo và cho rằng quy định mức chiết giảm gia cảnh không những thấp, mà quy định tính người phụ thuộc cũng cần xem xét cho phép những trường hợp người nộp thuế chi phí cho những hoàn cảnh khó khăn khác, nhất là đối với trẻ em và người già. Mỗi nhà mỗi cảnh khác nhau, nhà có người đau ốm phải chi tiêu nhiều hơn những gia đình khác thì mức chiết giảm gia cảnh 3,6 triệu đồng/tháng không thể chi phí hết được.
|
Quy định về thuế thu nhập cá nhân không hỗ trợ cho người nộp thuế. |
Cào bằng bất hợp lý
Bàn về luật
Thuế TNCN, nhiều chuyên gia đều khẳng định các quy định đã không còn hợp với mức sống hiện tại. TS Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - người đã sinh sống nhiều năm ở Mỹ, cho biết tại Mỹ người dân sẽ được khấu trừ nhiều chi phí trong cuộc sống trước khi phải đóng thuế TNCN.
Ví dụ, phần lãi phải trả ngân hàng khi vay tiền để mua căn nhà đầu tiên hoặc đối với một người khi thuê một nhà khoảng 1.000 USD/tháng. Mỗi tiểu bang có quy định riêng về diện tích sử dụng, nghề nghiệp. Ví dụ, có tiểu bang quy định một người được sử dụng khoảng 40% diện tích của căn nhà. Như vậy, người thuê nhà sẽ được miễn thuế với chi phí tương đương mức 40% diện tích. Điều này giúp những người làm công việc tự do vẫn được giảm trừ các chi phí nhà ở, đi lại... liên quan hoạt động của họ.
Ngoài ra, Mỹ hay Singapore cũng cho phép ngoài con cái và cha mẹ, bản thân người nộp thuế khi phải nuôi dưỡng những người có liên quan như anh chị em, hoặc phụ giúp anh chị em bị tàn tật thì một phần chi phí đó cũng được miễn thuế (một hạn mức nhất định). Hay chi phí học hành cho con cái sẽ được miễn thuế phụ thuộc vào số tuổi...
Quy định lâu nay không thay đổi, cào bằng giữa người dân ở các vùng miền là không hợp lý, các mức thuế suất như nhau từ bậc thấp đến cao... cho thấy luật thuế TNCN của VN không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Vấn đề này đã được nhiều cơ quan, nhiều chuyên gia góp ý từ lâu nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thay đổi khiến người dân thấy quá thiệt thòi.
“Nói chung thuế TNCN không nên dùng một con số cố định mà nên dựa vào tỷ lệ điều chỉnh theo chỉ số giá hàng hóa (CPI) hằng năm. Đa số các nước phát triển cũng áp dụng điều chỉnh hằng năm theo CPI để đảm bảo tính công bằng. Cuối năm người dân đều kê khai thuế với hàng loạt chi phí trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu sở thuế nghi ngờ có sự gian lận thì sẽ kiểm tra và phạt thật nặng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), nhận xét về bản chất thuế TNCN hay thuế thu nhập doanh nghiệp đều như nhau. Đó là lấy phần thu trừ đi phần chi và thu nhập còn lại mới tính thuế. Các khoản thu đã được liệt kê rõ, nhất là với những người đi làm lãnh lương. Trong khi đó, các khoản chi phí gồm rất nhiều. Thu nhập thực hằng năm của người dân đều sụt giảm do trượt giá.
Thế nhưng, với mức quy định chỉ gói gọn trong số tiền 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là chưa bao quát hết chi phí trong cuộc sống của người dân. Hơn nữa, mức quy định cứng này là sự cào bằng từ Móng Cái đến Cà Mau trong khi mức sống, giá cả sinh hoạt ở vùng thành thị khác với nông thôn. Đồng thời, nhiều chi phí khác như đi lại hay khoản bảo đảm phúc lợi sau khi về hưu gồm mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí... vẫn không được trừ thuế.
Vì vậy, theo TS Phong, các khoản khấu trừ trước khi chịu thuế phải được tính theo hệ số điều chỉnh tùy theo khu vực vì ngay cả lương cơ sở, hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu cũng phân chia theo khu vực khác nhau. Ngoài ra, biểu thuế lũy tiến thuế TNCN hiện hành cũng chưa hợp lý. Cần nới rộng ở ngưỡng thu nhập từ thấp đến cao như thay vì bắt đầu chịu thuế ở mức thu nhập còn lại 5 triệu đồng/tháng thì nên tăng lên 10 triệu đồng/tháng mới nộp thuế...