Thực hiện Chương trình phục hồi KT-XH: “Còn tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm”
Cập nhật: 17/10/2022
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Chính phủ đánh giá ở một số nơi còn chưa quán triệt đầy đủ tầm quan trọng của Chương trình, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ. Còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng vừa thay mặt Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình).
Nhìn chung, sau hơn 9 tháng triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành gần như đầy đủ các văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết. Đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây.
Giải ngân hơn 61 nghìn tỷ đồng hỗ trợ hàng loạt đối tượng
Theo đó, đến ngày 30/9/2022, tình hình thực hiện và giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đạt trên 61 nghìn tỷ đồng/301 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình.
Cụ thể, đến ngày 23/9/2022 đã giải ngân hơn 3.544 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động, vượt số đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu tại thời điểm xây dựng (4 triệu người lao động).
Cùng thời gian trên, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng chính sách đạt 10.741 tỷ đồng cho gần 240 nghìn đối tượng khách hàng vay vốn.
Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đến hết tháng 9/2022, các ngân hàng thương mại đã giải ngân hỗ trợ khoảng 29 tỷ đồng. Chính phủ đánh giá kết quả giải ngân thực hiện chính sách này còn chưa đạt kỳ vọng.
Liên quan đến thuế, đến ngày 28/9/2022, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác là 39.422 tỷ đồng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất 97.895 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Về phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, theo ông Nguyễn Chí Dũng, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thưòng vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ưong của Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án.
Đối với các dự án còn lại, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tổng họp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Đề cập kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, dự kiến nhu cầu nguồn lực của Chương trình trong năm 2022 là 82,585 nghìn tỷ đồng, trong đó đối với khoản dự kiến giảm thu 64 nghìn tỷ đồng đến thời điểm hiện tại có thể không phải tăng bội chi do khả năng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán.
Đối với khoản chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng dự kiến cũng không cần huy động vốn để thực hiện do có thể sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm nay.
Chính phủ cũng đã tổng hợp nhu cầu nguồn lực thực hiện Chương trình còn lại trong quá trình xây dựng dự toán năm 2023 để báo cáo Quốc hội.
Có nơi phát sinh thêm thủ tục làm người dân chán nản
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai một số chính sách thuộc Chương trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.Việc thực hiện một số chính sách còn chưa được như kỳ vọng.
“Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, tại một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt. Còn tình trạng một số chính quyền địa phương tạo thêm các thủ tục mới bên cạnh các trình tự, thủ tục đã có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách, cụ thể như đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động” – ông Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Một trong những nguyên nhân khách quan được nêu ra là Chương trình có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, bao hàm nhiều chính sách lẫn đối tượng thụ hưởng đa dạng, trong khi cơ sở dữ liệu để quản lý chưa chưa hoàn thiện nên yêu cầu việc triển khai cần thận trọng để tránh tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách.
Song, về chủ quan, việc xây dựng, ban hành, quán triệt triển khai các chính sách đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức, gây chậm trễ.
“Các cấp, các ngành ở một số nơi còn chưa quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi mình quản lý, chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách. Còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện” – báo cáo nêu rõ.
Chính vì vậy, một trong những bài học kinh nghiệm được Chính phủ nhấn mạnh là nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện và thông tin, truyền thông về chính sách gắn với đẩy mạnh phân công, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trong các tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình, nhanh chóng đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh trục lợi./.
Từ khóa: Chương trình phục hồi kinh tế xã hội, giải ngân gói phục hồi kinh tế, vướng mắc gói phục hồi kinh tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội gói phục hồi kinh tế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN