Thừa Thiên Huế chủ trương tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN - Chính quyền vận động, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo việc tái đàn đạt hiệu quả kinh tế.

Đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản được khống chế. Chính quyền vận động, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo việc tái đàn đạt hiệu quả kinh tế.

Tại trại chăn nuôi lợn của hộ ông Nguyễn Văn Lập ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, đàn lợn hơn 30 con phát triển tốt. Ông Lập cho hay, hơn 1 năm nay, ông áp dụng quy trình công nghệ vi sinh trong mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, được hỗ trợ từ khâu con giống, thức ăn, đầu ra ổn định.

ty len lon tai dan tai thua thien-hue da tang 10% hinh 1
Lợn tái đàn sau dịch tả châu Phi ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhờ áp dụng công nghệ này, đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Lập không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. “Lợn có sức đề kháng cao, chống được mọi dịch bệnh, thấy tăng trưởng nhanh, ăn uống khỏe. Lợn nuôi trong vòng 3 tháng tăng trưởng được 90 - 95kg. Thức ăn phân ra không bị hôi, xung quanh được tiêu độc khử trùng, môi trường sạch nên trại không bị dịch, năng suất nuôi tăng cao so với phương pháp nuôi trước đây”, ông Lập chia sẻ.

Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 712 thôn, 125 xã thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hơn 75.000 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng 580.000 tấn, ước tính kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn tiêu hủy hơn 142 tỷ đồng. Sau khi dịch tả lợnchâu Phi cơ bản được khống chế, tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai đề án phát triển đàn lợn theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, hiện thị trường lợn đang có dấu hiệu phục hồi, bà con đang muốn tái đàn, nhưng chủ trương của huyện là tái đàn phải nuôi theo hướng hữu cơ, không chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Hiện nay, huyện đang xây dựng đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học và theo chuổi giá trị. Trong đó, tập trung vào quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, cách xa khu dân cư. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường tuyên truyền vận động và chọn một số hộ đủ điều kiện để đầu tư tái đàn sau dịch”, ông Lự cho biết.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, khoảng 14.000 con lợn đã được nuôi tái đàn, phần lớn là chăn nuôi trang trại, bảo đảm an toàn sinh học. Đề án phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị sẽ được triển khai tại 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền.

Trong đó, tại huyện Quảng Điền, giai đoạn 2020 - 2025 mô hình sẽ triển khai cho 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Sau đó, vận động nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí lợn giống, 30% kinh phí xây dựng chuồng trại.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh cho biết, định hướng của tỉnh là chấm dứt chăn nuôi lợn trong khu dân cư không đảm bảo an toàn, xây dựng chăn nuôi theo mô hình tập trung.

“Ngay sau Tết, Chi cục đã tiến hành kiểm đếm và nhận thấy đàn lợn tái đàn tăng lên được 10%. Theo chỉ đạo của tỉnh, việc tái đàn lợn phải đảm bảo an toàn sinh học và thực hiện chăn nuôi hữu cơ và gắn vào chuỗi để tiêu thụ tốt trên thị trường. Khoảng cách các chuồng nuôi là phải đảm bảo theo Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT đảm bảo ít nhất từ 150 - 500 mét”, ông Hưng chỉ rõ./.

Từ khóa: tái đàn lợn, dịch tả châu phi, covid-19, chăn nuôi hữu cơ, an toàn thực phẩm

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập