Thủ tướng:Bắc Giang cần tận dụng lợi thế vị trí, văn hóa để phát triển
Cập nhật: 06/06/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang về tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Bắc Giang, chiều 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang về tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Cơ bản đồng ý với định hướng, mục tiêu phát triển của Bắc Giang thời gian tới trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Bắc Giang phải có ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, sớm trở thành tỉnh thứ 15 cả nước tự cân đối ngân sách.
Theo báo cáo của tỉnh, Bắc Giang là tỉnh miền núi, dân số 1,8 triệu người, trong đó 14% là dân tộc ít người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cũng lành đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. |
Về tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020, lãnh đạo tỉnh cho biết dự kiến hoàn thành 17/17 chỉ tiêu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 14,6%. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô nền kinh tế đứng thứ 16 cả nước. Thu ngân sách đạt 12.000 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần mục tiêu đề ra là đạt 5.200 tỷ đồng vào năm nay. Ước thu nhập bình quân đầu người trong năm nay khoảng trên 3.000 USD.
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp-xây dựng chiếm 55%, dịch vụ 30%, nông nghiệp 15%. Là địa phương có diện tích cây ăn quả thuộc nhóm 3 địa phương lớn nhất cả nước, Bắc Giang có tới 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh trên 10.000 doanh nghiệp và mỗi năm có thêm khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bắc Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều nhân sĩ danh tiếng, sản vật đặc sắc, thắng cảnh đẹp nổi tiếng. Đây là những thế mạnh lớn để Bắc Giang phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng đánh giá, 5 năm qua, Bắc Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020, như: quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2015; Thu ngân sách nhà nước vượt xa so với mục tiêu. Bắc Giang hiện đang là một trong những địa phương hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư. Diện mạo nông thôn của tỉnh được cải thiện rõ rệt nhờ công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với 68% số xã và 3/9 huyện đạt chuẩn. Các chỉ tiêu an sinh xã hội đều có tỷ lệ cao hơn bình quân chung cả nước. Thủ tướng cũng đánh giá tỉnh đã có tầm nhìn trong xây dựng quy hoạch tỉnh và các vùng.
Thủ tướng cũng dành những đánh giá tích cực đối với Bắc Giang về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm, nhờ đảng bộ, chính quyền đoàn kết, có quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, đóng góp vào kinh tế xã hội đất nước. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, giúp kinh tế quý 1 vẫn tăng trưởng đạt 7,4%. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều địa phương trong cả nước.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu Bắc Giang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 2020, đóng góp cùng đất nước vượt qua khó khăn; vừa quan tâm đến phòng, chống Covid-19.
Đánh giá cao Bắc Giang là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện tốt quy hoạch để phát triển trong thời gian tới.
Thủ tướng dự lễ xuất khẩu vải thiều sang các thị trường lớn
Tỉnh cũng cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức đại hội các cấp thành công, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chỉ ra một số tồn tại của Bắc Giang như tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa tận dụng được lợi thế này để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, tăng trưởng của Bắc Giang còn dưới mức tiềm năng. Lĩnh vực đất đai, giao thông, dịch vụ logistic vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, quỹ đất phát triển công nghiệp còn thiếu, chưa thu hút được nhiều dự án lớn chất lượng cao; chưa tự cân đối được ngân sách… Thủ tướng đề nghị tỉnh khắc phục những nút thắt này để thúc đẩy phát triển.
Về định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với đề xuất của Bắc Giang, đó là phát huy lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước. Trong đó, Bắc Giang đặt động lực tăng trưởng là công nghiệp trên tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thủ tướng đánh giá, chiến lược và lợi thế so sánh của địa phương đã được tỉnh nhận thức, hành động và có khát vọng vươn lên:
"Tỉnh cần tận dụng lợi thế, vị trí, văn hóa, con người ở đây trong phát triển bền vững. Cho nên phải xác định và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, xuyên suốt, rõ ràng hơn. Chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tư duy phát triển mang tính dài hạn, có định hướng, tiêu chí rõ ràng để phát triển bền vững. Trong đó đặc biệt trong năm 2020-2021 vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển để nâng tốc độ phát triển của tỉnh lên. Có nhiều ý kiến góp ý chỉ cần phát triển bình bình, không cần nhanh, nhưng rõ ràng quy mô của chúng ta còn thấp quá, quy mô kinh tế Việt Nam quá thấp, bình quân đầu người còn quá thấp, nên yêu cầu tốc độ phải cao hơn, quy mô phải lớn hơn"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhấn mạnh con người là vốn quý nhất đối với quá trình phát triển của một quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bắc Giang phải phát huy lợi thế nhân lực dồi dào trong bối cảnh dân số vàng; quan tâm đào tạo chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh cũng cần phát triển mạnh các đô thị, nhất là đô thị thông minh, đô thị vệ tinh, hạ tầng số, các hạ tầng khác một cách đồng bộ để tạo thuận lợi cho phát triển, trong đó quan tâm đến vốn đầu tư xã hội vào cơ sở hạ tầng. Tỉnh cần coi phát triển cơ cấu hạ tầng, kể cả hạ tầng số, công nghệ số, điện thoại thông minh để thanh toán điện tử… là một khâu đột phá. Nông dân Bắc Giang phải là người tham gia thanh toán điện tử tốt nhất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả:
"Đối với tỉnh diện tích lớn như Bắc Giang, đa dạng sinh học rất lớn, điều kiện đất đai rất quan trọng cho nên phải xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững. Xây dựng tập đoàn cây ăn quả đa dạng bền vững; phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để phục vụ nhân dân, phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện nông thôn. Cho nên cần bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa bố trí dân cư nông thôn và phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Có một số sản phẩm chủ lực đặc sản địa phương, lợi thế so sánh"- Thủ tướng đề nghị.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cần phát triển đa dạng, linh hoạt các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ du lịch, một thế mạnh chưa được khai thác tốt. Trong phát triển phải quan tâm lý bảo vệ khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; áp dụng các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần quan tâm đến an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo, người khó khăn, không để xảy ra điểm nóng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của Bắc Giang./.
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng làm việc với tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN