Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiến độ biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam
Cập nhật: 23/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiều nay (23/3), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam.
Về các sản phẩm chính của Lịch sử Chính phủ Việt Nam (sách, ảnh và phim), Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cho biết, có bộ sách gồm 4 tập (gồm tập biên niên và tập Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ 1945 đến 2015) dự kiến trình bản thảo hoàn chỉnh trong năm 2021.
Bộ Nội vụ (Viện Khoa học tổ chức nhà nước) phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học, nhà lãnh đạo thực hiện bộ Tổng kết lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015), rút ra bài học kinh nghiệm. Bộ sách này triển khai muộn hơn, trên cơ sở các sản phẩm của các tập Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Hiện đề cương các chuyên đề nghiên cứu đã được hoàn thiện xong và dự kiến, quý 1/2022 nộp bản thảo hoàn chỉnh.
Ngoài ra, hiện 2 sản phẩm khác là đề cương Bộ phim tài liệu về Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015), dự kiến gồm 30 tập và đề cương cuốn sách ảnh về Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015) đang trong quá trình chuẩn bị tổ chức thẩm định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là bộ sử quan trọng, cần triển khai cẩn thận, kỹ càng. Cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ, các thành viên có chức năng, các cơ quan được phân công cần sâu sát, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đặc biệt có các cuộc thảo luận, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhất là thành viên Chính phủ qua các thời kỳ, “làm sao sản phẩm làm ra bảo đảm trung thực, khách quan, phản ánh đúng lịch sử Chính phủ qua các thời kỳ”.
Sau khi có Chính phủ nhiệm kỳ mới, Bộ Nội vụ cần trình kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo, bổ sung và thay thế các thành viên chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu, bảo đảm đúng quy chế làm việc, tiến bộ biên soạn.
Các chuyên gia, nhà khoa học, những người tham gia biên soạn cần nêu bật những thành tựu của Chính phủ qua mỗi thời kỳ một cách sống động, chân thực ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ… kể cả các mục tiêu chiến lược, cách làm và kết quả. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ số, số hóa tư liệu, nâng cao hiệu quả công tác lưu trữ song việc biên soạn cần bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả./.
Từ khóa: Thủ tướng, Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bản thảo hoàn chỉnh, bộ sử quan trọng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN